Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm còn nhiều bất cập

08:09, 27/09/2016

Quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm là khâu quan trọng trước khi đưa thực phẩm tươi sống đến với người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc kiểm soát giết mổ và nâng cấp, xây dựng, quản lý các lò giết mổ tập trung trong tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. 

Quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) là khâu quan trọng trước khi đưa thực phẩm tươi sống đến với người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc kiểm soát giết mổ và nâng cấp, xây dựng, quản lý các lò giết mổ tập trung trong tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. 
 
Lăn dấu kiểm dịch trước khi chở đi tiêu thụ
Lăn dấu kiểm dịch trước khi chở đi tiêu thụ

Kiểm soát giết mổ đang bị thả nổi?
 
Theo thống kê của Chi cục Thú y, toàn tỉnh có 6 cơ sở giết mổ (CSGM) tập trung và hơn 400 điểm giết mổ nhỏ lẻ đang hoạt động; tuy nhiên, chỉ rất ít điểm trong số này được kiểm soát. Không những không kiểm soát được lượng gia súc, gia cầm giết mổ để bán ra trên thị trường hàng ngày, nhiều CSGM tập trung được xây dựng với kinh phí hàng tỷ đồng đang bỏ hoang, hoặc hoạt động cầm chừng, gây rất nhiều lãng phí.
 
Để các lò mổ tập trung hoạt động có hiệu quả thì Nhà nước cần quản lý, kiểm soát chặt chẽ các điểm giết mổ nhỏ lẻ và từng bước xóa bỏ ở thời điểm thích hợp. Cần tăng cường phối hợp các lực lượng liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh động vật , sản phẩm động vật trên địa bàn và xử lý nghiêm các CSGM, kinh doanh thực phẩm trái phép, vi phạm các quy định vệ sinh thú y. Mặt khác, cần đầu tư nguồn nhân lực, trang thiết bị và kinh phí cho công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y. Ngoài chính sách hỗ trợ về giết mổ, cần có cơ chế riêng để khuyến khích các hộ giết mổ nhỏ lẻ vào khu giết mổ tập trung.
Phạm Phi Long - Chi cục Phó Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản
Điểm giết mổ gia súc tập trung Vũ Tiến Minh, được đầu tư khang trang tại xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng đang rơi vào tình cảnh ngày càng đìu hiu. Năm 2015, ông Vũ Tiến Minh vay tiền, đầu tư 3 tỷ đồng để xây dựng CSGM trên diện tích gần 3.000 m 2, với đầy đủ các bộ phận như khu giết mổ, nhà điều hành, khu vực nuôi nhốt, khu làm lông, khu kiểm dịch và hệ thống thoát nước. Cơ sở này là đầu mối giết mổ tập trung của các xã Hiệp Thạnh, Hiệp An (Đức Trọng), Đạ Ròn, Thạnh Mỹ (Đơn Dương) với công suất mỗi đêm 300 con heo. Thế nhưng, thực tế mỗi đêm cũng chỉ có khoảng 80 - 100 con heo được đưa vào giết mổ. Ông Nguyễn Tiến Minh nói: “Trên địa bàn có khoảng 5 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, mỗi cơ sở chỉ mổ được 2 - 5 con heo. Trong khi đó, mỗi buổi sáng tại các chợ trên địa bàn thì thịt bán tràn lan. Có thể một số điểm giết mổ nhỏ lẻ không dám đến cơ sở giết mổ tập trung do nhập heo về không rõ nguồn gốc. Ban đầu, chính quyền xã quản lý rất tốt khâu giết mổ tập trung, tuy nhiên càng về sau do thiếu sự quản lý nên điểm giết mổ tập trung của gia đình tôi ngày càng ế ẩm dần”.
 
Trên thực tế, lâu nay, công tác kiểm soát giết mổ tại các chợ gần như bị thả nổi. Bà Nguyễn Thị Thọ, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Đơn Dương cho biết, Đơn Dương hiện có 1 CSGM tập trung. Mỗi đêm lò giết mổ này cũng chỉ mổ được khoảng 3 - 5 con heo, còn lại người dân tự mổ ở nhà. Việc kiểm soát giết mổ trong huyện lâu nay chỉ được thực hiện trực tiếp tại các CSGM tập trung, còn tại các chợ gần như phải thả nổi; trong đó, chủ yếu là kiểm soát việc giết mổ lợn, còn các loại gia cầm như gà, vịt thì gần như không kiểm soát nổi. 
 
Thực tế trên tại huyện Đơn Dương cũng là vấn đề chung của hầu hết các địa phương khác trên địa bàn tỉnh hiện nay, thậm chí nhiều nơi còn tiến hành việc kiểm soát một cách qua loa, lấy lệ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, phần lớn lượng thịt gia súc, gia cầm được bán ra trên thị trường hiện nay không được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của người dân.
 
Xây dựng lại lò mổ tập trung quy mô lớn
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng chủ yếu là CSGM nhỏ lẻ phát triển tràn lan. Trong khi đó, sự vào cuộc của các cấp chính quyền cơ sở thiếu quyết liệt; các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động giết mổ, kinh doanh vận chuyển GSGC chưa đồng bộ, chưa tạo sự thông thoáng, thuận lợi cho các CSGM tập trung hoạt động hiệu quả. Theo quan điểm của ngành thú y, hoạt động của các CSGM tập trung chỉ thực sự có hiệu quả khi có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp. Thế nhưng, tại nhiều địa phương, công tác tuyên truyền, vận động người dân đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ tại các CSGM tập trung hiện đang phó mặc cho ngành thú y.
 
Ông Phạm Phi Long, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cho biết, muốn giải quyết vấn đề về lâu dài cần có giải pháp củng cố và xây dựng lại lò mổ tập trung quy mô lớn để thu hút hết các hộ kinh doanh, giết mổ trên địa bàn vào hoạt động, có cơ sở ngăn chặn hộ kinh doanh tự do, tự phát. Về giải pháp trước mắt là rà soát lại hoạt động lò mổ như các quy định hợp đồng thuê ki ốt giết mổ, phí kiểm soát giết mổ, kiểm soát vệ sinh thú y… Cùng với đó, cần có giải pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát quản lý với số gia súc giết mổ kinh doanh chưa qua kiểm dịch đưa đến kinh doanh trên địa bàn đảm bảo sự bình đẳng trong kinh doanh và an toàn thực phẩm. Tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ về thực phẩm bày bán, nhận biết dấu kiểm soát chất lượng để mua thực phẩm đã qua kiểm dịch. Đối với khu vực lò mổ phải có giải pháp khắc phục tình trạng vệ sinh môi trường, dụng cụ phục vụ giết mổ đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tiếp tục củng cố mạng lưới thú y cơ sở tăng cường quản lý giết mổ, vệ sinh thú y tại gốc, từng bước đưa hoạt động quản lý giết mổ đi đúng quỹ đạo, góp phần đảm bảo văn minh đô thị.
 
HOÀNG YÊN