Bài học đắt giá của việc cho vay đáo hạn ngân hàng

08:05, 27/05/2016

Nhiều đối tượng đã lợi dụng điểm yếu của các nạn nhân là hám lợi, hám lãi suất cao, dễ dãi trong việc cho vay đáo hạn ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn hàng chục tỷ đồng, rồi bỏ trốn, khiến nạn nhân lâm vào tình cảnh "tiền mất, tật mang"...

Nhiều đối tượng đã lợi dụng điểm yếu của các nạn nhân là hám lợi, hám lãi suất cao, dễ dãi trong việc cho vay đáo hạn ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn hàng chục tỷ đồng, rồi bỏ trốn, khiến nạn nhân lâm vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”. Tình trạng này đã xảy ra nhiều trên phạm vi cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng, nhưng vẫn còn nhiều nạn nhân bị “sập bẫy”.
 
Một số nạn nhân bị lừa đảo tiền cho vay đáo hạn ngân hàng
Một số nạn nhân bị lừa đảo tiền cho vay đáo hạn ngân hàng

“Thả tép bắt tôm”
 
Biết được một số người ở trong thôn, trong xã ít am hiểu pháp luật, lại có tâm lý hám lợi, nên Nguyễn Thị Thu Trang (1989), thôn 8A, xã Lộc Thành rắp tâm lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng một thủ đoạn “cao siêu” - đáo hạn ngân hàng. Đầu tiên, để gây lòng tin với mọi người, Trang cho bất cứ ai vay vốn tại Quỹ Tín dụng nhân dân B’Lao, Chi nhánh tại xã Lộc Thành (Bảo Lâm), vay lãi suất rất thấp, thậm chí cho mượn không lấy lãi để đáo hạn. Thấy Trang có thiện chí, nhiều chị em phụ nữ vay mượn của Trang người 2 - 3 triệu đồng, người 4 - 5 triệu đồng để đáo hạn tại Quỹ tín dụng nhân dân B’Lao. Khi thấy mọi người đã tín nhiệm, mang ơn với bản thân, tháng 7/2015, Nguyễn Thị Thu Trang đặt vấn đề vay vốn để đáo hạn ngân hàng với lãi suất cao ngất ngưởng: 1 triệu đồng lãi suất từ 2 đến 3 ngàn đồng/ngày (6-9%/tháng) và hứa chỉ vay trong vòng vài ba ngày sẽ trả cả gốc, lẫn lãi. Thế là, hàng chục nạn nhân đổ xô cho Trang vay với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, mà không hề hay biết mình đang bị dẫn dụ vào “bẫy lừa” của kẻ gian manh. Điều trớ trêu là: Không chỉ dốc hết tiền vốn tích lũy được, hoặc cầm cố vườn tược, nhà cửa của gia đình để có tiền đưa cho Trang vay, mà nhiều người còn huy động của bà con thân thích, hoặc vay của người khác cho Trang vay lại, với hy vọng có được lợi nhuận lớn từ lãi suất cao. Nhưng lợi đâu chẳng thấy, chỉ thấy bị hại lớn, “tiền mất, tật mang”, nhà cửa, vườn tược bị mất, gia đình rối ren, mâu thuẫn. Chị Nguyễn Thị Thúy, thôn 10A, xã Lộc Thành cho biết: “Tôi đã cho Trang vay 300 triệu đồng. Số tiền này tôi vay mượn nhiều nơi, trong đó có 200 triệu đồng vay của bà Thu Đức, 90 triệu đồng vay của Quỹ tín dụng nhân dân B’Lao, 10 triệu đồng phải chấp nhận vay “nóng”. Nay Trang “trốn nợ”, tôi phải giao 5 sào cà phê cho bà Thu Đức để gán nợ”. Cũng như chị Thúy, các chị Lê Thị Mai, Nguyễn Thị Hương đều bị Trang lừa vay với số tiền lớn, không trả cả lãi lẫn gốc, bị các chủ nợ đòi, phải dùng vườn tược “cấn nợ”. Cay đắng hơn, chị Hoàng Thị Thêu (thôn 8A, xã Lộc Thành) đã đưa cho Nguyễn Thị Thu Trang vay 1,2 tỷ đồng. Phần lớn số tiền cho vay này, vợ chồng chị Thêu phải vay mượn của anh chị em bên nhà chồng. Nhưng đến nay, do Trang “xù nợ”, nên vợ chồng chị Thêu không có tiền trả nợ cho bên nhà chồng, khiến tình cảm gia đình bị tổn thương. Anh Lê Xuân Huy (chồng chị Thêu) cho biết: “Cũng vì chuyện này mà anh em trong nhà không nhìn mặt nhau. Hai vợ chồng tôi không dám về nhà vì bị mang tiếng là lừa đảo”. Ngoài ra, ông Đào Thế Vinh (thôn 1, xã Lộc Thành) cũng bị Nguyễn Thị Thu Trang lừa đảo, vay đáo hạn 3,3 tỷ đồng, rồi “cao chạy xa bay”, để cho ông một gánh nặng khổng lồ nợ nần bạn bè, người thân. 
 
Chậm xử lý, kẻ lừa đảo vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật
 
Sau khi lừa đảo vay đáo hạn ngân hàng của hàng chục nạn nhân với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, Nguyễn Thị Thu Trang bỏ trốn khỏi địa phương. Sau thời gian dài truy tìm, một ngày thượng tuần tháng 10/2015, các nạn nhân bắt được Trang đang trốn tại Khách sạn Thiên Bang, đường Hà Giang, TP. Bảo Lộc và di lý Trang về nhà của các nạn nhân, rồi báo cho ông Trương Văn Dương - Trưởng Công an xã Lộc Thành. Đến nơi, ông Dương cho rằng mọi người bắt giữ người trái phép, sau đó lập biên bản thả cho Trang về, với cam kết sáng hôm sau, Trang sẽ trả cho mọi người 1 tỷ đồng trước sự chứng kiến của ông. Nhưng sáng hôm sau, Trang lại trốn biệt tích, tiền đâu chẳng thấy, hỏi ông Dương thì ông trả lời: Chuyện đó là chuyện của mọi người. Làm việc với chúng tôi ngày 12/5/2016, ông Đặng Ngọc Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Thành, có sự hiện diện của ông Dũng - cán bộ tư pháp xã, các ông cho hay: Nguyễn Thị Thu Trang làm nghề đáo hạn ngân hàng đã lâu và trước khi các nạn nhân này “sập bẫy”, vẫn với “chiêu lừa” vay vốn đáo hạn ngân hàng, Trang đã “xù nợ” của nhiều nạn nhân với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, trong đó có người đã cho Trang vay lên đến 7 tỷ đồng. Theo ước tính, tổng số tiền Trang “lừa đảo” các nạn nhân có thể lên đến trên dưới 23 tỷ đồng. Sau khi nhận được đơn trình báo của các nạn nhân, thấy vụ việc phức tạp, có dấu hiệu lừa đảo, UBND xã đã chuyển hồ sơ cho Công an xã, rồi lên Công  an huyện, Công an tỉnh. 
 
Sau nhiều lần liên hệ để tìm hiểu sự việc, bị Công an huyện Bảo Lâm từ chối làm việc, trao đổi qua điện thoại, Đại tá Lê Văn Thơi - Trưởng Công an huyện Bảo Lâm cho biết, vụ việc đang được Công an tỉnh thụ lý điều tra. Thực tế, trong các ngày 11/12, 15/12/2015 và ngày 29/4/2016, điều tra viên Nguyễn Phú Kiên của Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã làm việc, lập biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu với các nạn nhân. Nhưng đến nay, không thấy hồi âm kết quả điều tra, trong lúc Nguyễn Thị Thu Trang vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, khiến các nạn nhân hết sức nóng lòng, bức xúc.
 
Liên hệ qua điện thoại với Đại tá Phạm Văn Lộc - Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh qua điện thoại tại cổng bảo vệ Công an tỉnh sáng ngày 17/5/2016, đại tá Lộc cho biết, hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra. Theo Khoản 2, Điều 103 Bộ Luật tố tụng hình sự 2003, thì “trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định việc không khởi tố vụ án hình sự. Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm, thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng”.
 
Theo chúng tôi, việc Nguyễn Thị Thu Trang lừa đảo vay đáo hạn ngân hàng với số tiền lớn, rồi bỏ trốn, lúc ẩn, lúc hiện tại địa phương có sự kèm cặp, bảo vệ của những kẻ “mặt rô”, thời gian đã quá lâu (gần 1 năm khi xảy ra vụ việc), nhưng vẫn chưa bị các cơ quan xử lý theo đúng quy định của pháp luật, khiến dư luận bức xúc là hoàn toàn chính đáng. Vì vậy, thiết nghĩ cần phải có sự giải quyết kịp thời, nghiêm trị kẻ lừa đảo đúng pháp luật để răn đe những ai đang rắp tâm lừa đảo các nạn nhân tiếp theo. Mặt khác, đây cũng là bài học đắt giá cho những ai nhẹ dạ cả tin, hám lợi nhuận cao, mà “nhắm mắt” đưa tiền và tài sản của mình cho những kẻ lừa đảo như Nguyễn Thị Thu Trang.
 
Điều tra: Đại Huynh - Đông Anh