Đề nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu 4 đơn vị chủ rừng

06:04, 08/04/2021

(LĐ online) - Ngày 8/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã có báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng xử lý trách nhiệm người đứng đầu 4 đơn vị chủ rừng vì để xảy ra lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật với mức độ vi phạm lớn.

(LĐ online) - Ngày 8/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã có báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng xử lý trách nhiệm người đứng đầu 4 đơn vị chủ rừng vì để xảy ra lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật với mức độ vi phạm lớn.
 
Phá và lấn chiếm đất rừng vẫn còn phức tạp
Phá và lấn chiếm đất rừng vẫn còn phức tạp
 
Các đơn vị chủ rừng bị đề xuất xử lý trách nhiệm người đứng đầu gồm: Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Sêrêpốk (huyện Đam Rông), BQLRPH Lâm Hà (huyện Lâm Hà), BQLRPH đầu nguồn Đa Nhim (huyện Lạc Dương) và BQLRPH Phi Liêng (huyện Đam Rông). 
 
Căn cứ đề xuất xử lý trách nhiệm người đứng đầu đối với 4 đơn vị chủ rừng được dựa trên cơ sở đánh giá về số vụ vi phạm nổi cộm; diện tích, khối lượng lâm sản thiệt hại lớn; số vụ không xác định được đối tượng vi phạm trên tổng số vụ vi phạm. 
 
Năm 2020, Lâm Đồng xảy ra 680 vụ vi phạm về công tác bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, 351 vụ đã phát hiện được đối tượng vi phạm, 329 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm. Diện tích rừng bị thiệt hại là 45,6 ha, với gần 2.500 m3 lâm sản. Lực lượng chức năng đã xử lý hình sự 34 vụ với hàng chục đối tượng có liên quan. 
 
Ba tháng đầu năm 2021, tỉnh Lâm Đồng xảy ra 152 vụ. Trong đó, 75 vụ đã xác định được đối tượng, gây thiệt hại hơn 10 ha rừng với trên 1.000 m3 lâm sản. So với cùng kỳ, số vụ vi phạm tăng 12%, thiệt hại về lâm sản tăng 121%.
 
Theo ông Ngô Văn Ninh - Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh Lâm Đồng, trong Quý I/2021, tình hình vi phạm về công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn diễn biến hết sức phức tạp. UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ kiên quyết xử lý, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra mất rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và phát triển rừng.
 
VĂN BÁU