Nobel Kinh tế cho công cuộc chống đói nghèo

06:10, 15/10/2019

Bộ ba nhà kinh tế học người Mỹ Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer đã cùng chia giải Nobel Kinh tế nhờ các nghiên cứu giúp xóa bỏ sự đói nghèo trên toàn cầu.

Bộ ba nhà kinh tế học người Mỹ Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer đã cùng chia giải Nobel Kinh tế nhờ các nghiên cứu giúp xóa bỏ sự đói nghèo trên toàn cầu.
 
(Từ trái sang phải) Các nhà kinh tế học Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer
(Từ trái sang phải) Các nhà kinh tế học Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer
 
Trong hạng mục giải thưởng cuối cùng của mùa giải Nobel năm nay, Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển hôm 14.10 đã vinh danh các giáo sư Abhijit Banerjee, Esther Duflo của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và đồng nghiệp Michael Kremer của Đại học Harvard.
 
Theo trang NobelPrize.org, cả ba được chia đều giải Nobel Kinh tế và số tiền 9 triệu krona Thụy Điển (21,16 tỉ đồng) nhờ vào cách tiếp cận mang tính tiên phong nhằm tìm ra biện pháp hữu hiệu để xác định nguồn gốc của đói nghèo. Dựa trên kết quả này, họ phân tích các chi phí phát sinh và những mặt lợi ích sẽ thu được thông qua việc áp dụng các chính sách can thiệp trong các trường hợp nghiên cứu trên thực tế.
 
Các công trình nghiên cứu của ba giáo sư người Mỹ đã chứng minh có thể xóa nghèo bằng cách chia vấn đề thành những câu hỏi nhỏ, sát sườn, như xoáy vào giáo dục và chăm sóc y tế, từ đó cho phép giải quyết vấn đề dễ dàng hơn.
 
Đầu tiên, Giáo sư Kremer vào giữa thập niên 1990 đã thử nghiệm những biện pháp có thể cải thiện điểm số của các học sinh ở trường học ở miền tây Kenya. Sau đó, hai ông bà Banerjee và Duflo (kết hôn vào năm 2015) đã tiếp tục công trình nghiên cứu này và chứng minh được rằng tăng giờ học của trẻ ở trường không thực sự giúp giảm đói nghèo. Bên cạnh thu hút thêm nhiều trẻ đến trường, các chính phủ cần phải thực hiện cải cách để cải thiện chất lượng tại trường học, theo Đài CNN.
 
“Một trong các kết quả trực tiếp thu được là đã có hơn 5 triệu trẻ em Ấn Độ hưởng lợi ích từ những chương trình hiệu quả tại trường”, theo Viện Hàn lâm. Một ví dụ khác là các chương trình hỗ trợ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đang được áp dụng tại nhiều nước, giúp nâng cao chất lượng sống của người dân.
 
Bà Duflo là người phụ nữ thứ hai và cũng là người trẻ nhất cho đến nay đoạt giải Nobel Kinh tế.
 
(Theo thanhnien.vn)