Đài Khí tượng thủy văn với ứng phó biến đổi khí hậu

08:04, 25/04/2017

"Sáng nay (17/4), áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã vượt qua khu vực miền Trung Philippin vào biển Đông. (...) Cảnh báo: Khu vực tỉnh Lâm Đồng đang chịu ảnh hưởng rìa phía Đông Nam vùng áp thấp phía tây tiếp tục mở rộng về phía Đông, kết hợp với rìa phía Tây Nam của lưỡi áp cao cận nhiệt đới trên cao...

“Sáng nay (17/4), áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã vượt qua khu vực miền Trung Philippin vào biển Đông. (...) Cảnh báo: Khu vực tỉnh Lâm Đồng đang chịu ảnh hưởng rìa phía Đông Nam vùng áp thấp phía tây tiếp tục mở rộng về phía Đông, kết hợp với rìa phía Tây Nam của lưỡi áp cao cận nhiệt đới trên cao. Do vậy, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chiều mai ngày 18/4 và chiều 19/4/2017 có mưa rào và dông, trong cơn dông cần đề phòng mưa đá, tố lốc và gió giật mạnh”. Đó là một nội dung trong những bản tin của Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) Lâm Đồng.
 
Quan trắc viên Lê Thị Phương Thúy tại Trạm KTTV Đà Lạt. Ảnh: M.Đạo
Quan trắc viên Lê Thị Phương Thúy tại Trạm KTTV Đà Lạt. Ảnh: M.Đạo
Bám sát diễn biến thông tin kịp thời
 
Đài KTTV tỉnh Lâm Đồng trực thuộc Đài KTTV khu vực Tây Nguyên, với 27 lao động, trong đó văn phòng Đà Lạt (bộ phận làm dự báo (DB) 8 người. Ngoài ra, có 10 điểm đo mưa nhân dân trên địa bàn tỉnh được Đài đầu tư thiết bị và tập huấn chuyên môn. Là nghề đặc thù; diễn biến khí hậu ngày càng phức tạp; Tây Nguyên là địa hình miền núi bị chia cắt nên có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, vì vậy, cường độ và tính chất làm việc của đội ngũ ở Đài đòi hỏi vừa trực 24/24 giờ quanh năm, vừa áp lực rất cao về tính kịp thời và chính xác. Có vậy mới ra được những bản tin DB như: về mùa vụ (hè-thu và đông-xuân), về tháng, 10 ngày, tuần và hàng ngày. Mỗi ngày còn có bản tin cảnh báo, DB thời tiết nguy hiểm (mưa lớn diện rộng, mưa đá, lốc xoáy...). 
 
Hàng năm, Đài còn đánh giá, tổng thể các mặt về KTTV để có những số liệu tham chiếu phục vụ kinh tế-xã hội của địa phương và khu vực. Bao gồm như: thời tiết, thủy văn (TTTV) diễn ra như thế nào so với quy luật; khu vực nào đạt lượng mưa thấp, cao và bao nhiêu; nền nhiệt độ phổ biến ra sao; bão và ATNĐ xuất hiện và ảnh hưởng thế nào... Các hiện tượng KTTV nguy hiểm như mưa lớn, mưa đá, gió mạnh, hạn hán...; tình hình TV như dòng chảy, mực nước trung bình trên các sông, suối; hạn hán, lũ lụt xảy ra như thế nào...
 
Phó Giám đốc Đài KTTV Lâm Đồng Ngô Duy Thi cho biết: Trong mùa mưa lũ năm 2016, Đài đã ra tổng số 97 bản tin cảnh báo, DB các loại thiên tai nguy hiểm xảy ra trên địa bàn tỉnh. Ngoài các bản tin cảnh báo, DB các loại thiên tai nguy hiểm, Đài còn ra một số bản tin DB thời tiết đặc biệt phục vụ nhân dân trong các ngày nghỉ lễ, tết và các kỳ thi của học sinh, sinh viên. “Mùa mưa, lũ năm 2016, Đài đảm bảo chế độ trực ca, thu thập đầy đủ và kịp thời các thông tin về diễn biến TTTV, số liệu đo đạc để ra các bản tin cảnh báo, DB KTTV kịp thời, phục vụ công tác phòng chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh”, ông Thi nói. Đánh giá từ Phòng DB Đài KTTV khu vực Tây Nguyên về chất lượng các bản tin DB KTTV của Đài Lâm Đồng năm 2016 như sau: DB khí tượng hạn ngắn đạt 89,9%; DB khí tượng hạn vừa đạt 83,3%; DB TV hạn vừa đạt 88,6% và DB TV hạn ngắn đạt 87,6%. Mạng thông tin chuyên ngành luôn được đảm bảo thông suốt, công tác báo cáo cấp trên về tình hình TTTV nguy hiểm tại địa phương thực hiện nghiêm túc và kịp thời. Đề tài nghiên cứu khoa học: “Xây dựng bản đồ ngập lụt và hệ thống tháp cảnh báo lũ huyện Đạ Huoai, kết nối bản đồ ngập lụt và cấp báo động lũ trên sông Đồng Nai tại 03 huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng’’ được nghiệm thu thành công... 
 
Luôn sẵn sàng đối diện các tình huống 
 
Đấy không chỉ là yêu cầu của nghề nghiệp mà còn là ý thức của mỗi cán bộ, nhân viên ngành KTTV nói chung và Đài Lâm Đồng nói riêng. Vì vậy, Đài KTTV Lâm Đồng vừa phát huy những mặt ưu điểm, đồng thời nghiêm túc khắc phục những tồn tại. Đó là chưa chặt chẽ trong phối kết hợp về chuyên môn giữa Đài với các trạm KTTV; năng lực một số cán bộ viên chức, DB viên chưa đáp ứng kịp yêu cầu mới; một bộ phận cán bộ, viên chức chưa thực sự tâm huyết với nghề... 
 
Phó Giám đốc Ngô Duy Phi cho biết về nhiệm vụ năm 2017 là: thường xuyên theo dõi sát các diễn biến TTTV, đặc biệt là các hiện tượng TTTV nguy hiểm như bão, ATNĐ, mưa lớn, lũ lụt có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, để có các bản tin DB, cảnh báo chính xác và kịp thời giúp cho Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT & TKCN) tỉnh, chủ động phòng tránh lụt bão, giảm nhẹ thiên tai. Giúp các cơ quan ban, ngành trong tỉnh chỉ đạo sản xuất nông-lâm nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ du lịch và các ngành kinh tế khác. Đài đang tiếp tục thực hiện việc cải tiến, đa dạng hóa các loại bản tin KTTV nhằm tiến tới phục vụ đa ngành, theo nhu cầu của xã hội; nâng cấp thiết bị kỹ thuật để phục vụ hội thảo trực tuyến toàn quốc; phấn đấu đạt chất lượng các loại bản tin cao hơn từ 1 đến 2%...
 
Ông Ngô Duy Thi cũng kiến nghị UBND tỉnh và BCH PCTT & TKCN Lâm Đồng quan tâm hơn về mặt hỗ trợ kinh phí đối với Đài trong những ngày cao điểm diễn ra khí hậu bất thường. Một vướng mắc chung là thông tin về DB, cảnh báo phát sóng trên Đài PTTH địa phương chưa được cập nhật theo thời sự vì giờ phát cố định theo khung giờ, trong lúc diễn biến KTTV lại thất thường. 
 
Ngày 17/4, tại Hội nghị về PCTT & TKCN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Luật PCTT có hiệu lực từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng xong kế hoạch PCTT cấp quốc gia. Một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức xây dựng kế hoạch, phương án PCTT, cứu hộ cứu nạn. Chưa cụ thể hóa được các tình huống, kịch bản sát với thực tế để có phương án ứng phó phù hợp. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị phải khẩn trương hoàn thiện kế hoạch để ban hành trong năm 2017. Và để có kế hoạch PCTT cấp quốc gia tốt, theo Thủ tướng, không chỉ dựa vào chuyên gia, nguồn vốn nước ngoài mà phải biết cách huy động các chuyên gia trong nước, các bộ, ngành, địa phương cùng chung sức để xây dựng cho tốt. Phải biết kết hợp và hài hòa các nguồn lực kinh tế và chất xám ở cả trong và ngoài nước trong một kế hoạch tổng thể quốc gia PCTT. Công tác thông tin tuyên truyền chưa đến được với người dân, nhất là vùng thôn bản, vùng sâu, vùng xa nên có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra khi mưa lũ đến.
 
MINH ĐẠO