Phụ nữ Lâm Đồng qua các kỷ vật lịch sử

07:03, 08/03/2022
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với phụ nữ cả nước, phụ nữ Lâm Đồng đã không quản ngại gian khổ, chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, để lại nhiều tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.
 
Phần nội dung trưng bày giới thiệu về kỷ vật và sổ tự tu của anh hùng liệt sĩ Lê Thị Pha tại Bảo tàng Lâm Đồng
Phần nội dung trưng bày giới thiệu về kỷ vật và sổ tự tu của anh hùng liệt sĩ Lê Thị Pha tại Bảo tàng Lâm Đồng
 
Ngày nay mỗi khi ôn lại truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của phụ nữ các dân tộc ở Lâm Đồng không thể không nói tới “nữ chúa rừng xanh” - K’ Nhòi, còn được gọi là Mộ Cọ (Bà Trắng), thủ lĩnh của dân tộc Cơ Ho tại vùng Di Linh trong phong trào chống Pháp của đồng bào Thượng ở Tây Nguyên vào những năm 30 của thế kỷ XX; các mẹ, các chị không phân biệt Kinh, Thượng đã một lòng cưu mang, bảo vệ cán bộ, ủng hộ cách mạng, một lòng đi theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ kính yêu. Khi ngắm nhìn những kỷ vật, hiện vật còn được trân trọng lưu giữ trong các nhà truyền thống, bảo tàng, từ thanh kiếm, con dao, đồng xu được quyên góp trong phong trào Mộ Cọ, được nghe những câu chuyện về cuộc đời và trí thông minh, mưu lược trong đánh giặc, không ai không cảm phục K’ Nhòi, người con gái ưu tú của đồng bào dân tộc Cơ Ho thuở ấy. Vẳng như đâu đây giữa đại ngàn Nam Tây Nguyên ta còn nghe vang vọng lời thề nguyện và ước vọng được sống an yên cũng như quyết tâm đoàn kết một lòng cùng chống giặc Pháp của đồng bào miền Thượng tại nhà cúng giữa thung lũng Đạ Sar, chốn rừng thiêng chẳng ai dám đụng rìu: “Hỡi thần linh núi Gung Ré, thần linh núi Can Rang, hỡi thần linh núi Đạ Sar; hỡi thần linh vùng Klan Bun, hỡi thần linh vùng Toukrem, hỡi thần linh vùng Brun Nét,... Hỡi các thần hãy đốt hết người Pháp, chém đầu người Pháp, để cho người Chàm, người Thượng, người An Nam cùng sống chung, đừng đánh đập chúng nó, đừng giết chúng nó. Hãy để chúng nó ăn cháo cùng nhau, ăn cơm cùng nhau”. 
 
 *  *  *
 
Lịch sử đấu tranh lại tiếp tục, tiếp nối chống Pháp rồi chống Mỹ, trên quê hương Lâm Đồng nhiều tấm gương anh hùng, liệt nữ xuất hiện tiếp bước những K’Voai, K’ Nhòi của đồng bào dân tộc Cơ Ho; trong đó phải kể tới là hai “nữ tướng đội quân tóc dài” của thị xã Đà Lạt (thành phố Đà Lạt ngày nay) là bà Trần Thị Khả và bà Nguyễn Thị Lê. Bà Trần Thị Khả còn được gọi là “Bà Cả”. Bà tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1944, là Bí thư Chi bộ chợ Đà Lạt từ những năm 1963. Bà Nguyễn Thị Lê, còn được gọi là “Ba Hạ”, bà tham gia hoạt động cách mạng ở Đà Lạt từ năm 1945. Cả hai bà đều là cán bộ nội thành, hoạt động bí mật trong lòng địch với nhiệm vụ tuyên truyền, vận động lãnh đạo chị em tiểu thương chợ Đà Lạt và phụ nữ thị xã Đà Lạt đấu tranh trên mặt trận chính trị công khai với địch. Là những cán bộ nòng cốt của Đội công tác phụ nữ thị xã Đà Lạt trong thời kỳ chống Mỹ, một lòng kiên trung bám đất, bám dân, hai bà đã góp phần không nhỏ trong trong trào đấu tranh chính trị của học sinh, sinh viên và chị em tiểu thương chợ Đà Lạt đòi quyền tự do, dân chủ, chống bầu cử độc diễn của chính quyền Mỹ - Diệm và sau đó là Mỹ - Thiệu. Đặc biệt, thời gian đỉnh cao của phong trào là những năm 1966. Lúc này cùng với Huế, Sài Gòn, cả Đà Lạt sục sôi khí thế đấu tranh của phong trào học sinh, sinh viên với những “đêm không ngủ”, “hát cho đồng bào tôi nghe”; sự kiện tự thiêu của nữ sinh phật tử Đặng Thị Ngọc Tuyền sau khi để lại 6 bức thư tuyệt mệnh gửi Tổng thống Mỹ Johnson, Tổng thống bù nhìn Nguyễn Văn Thiệu, tướng Nguyễn Cao Kỳ và nhân dân Mỹ, lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới để phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Và vẫn còn đây những kỷ vật thật đáng trân trọng như nhật ký của bác sĩ Nguyễn Thị Tấn, sổ tay công tác của chị Lưu Thị Thanh An - Trung đội phó Đơn vị nữ pháo binh 8/3; sổ tự tu (tự tu dưỡng) của anh hùng liệt sĩ Lê Thị Pha, người con của quê hương đất thép Củ Chi - chính trị viên đơn vị “Nữ pháo binh 8/3” lừng danh với 60 cô gái gan dạ, dũng cảm, trong đó có 20 người là dân tộc Châu Mạ và Cơ Ho. Họ đã giáng cho địch bao đòn sấm sét, làm cho chúng bạt vía kinh hồn, phối hợp tác chiến cùng các đơn vị vũ trang khác lập nên nhiều chiến công hiển hách trên chiến trường Lâm Đồng. Càng khâm phục hơn khi đọc những dòng nhật ký của các bác sĩ chăm sóc chữa trị cho đồng đội trên chiến trường dưới mưa bom bão đạn, lấy thân mình che chở, nhịn nhường phần ăn cho thương binh, một con dao mổ dùng cho cả hàng trăm ca, thương chiến sĩ bị thương nén đau cắn chặt cành cây khi mổ không có thuốc gây mê. Qua nội dung trong sổ tay công tác của chị Lưu Thị Thanh An - Trung đội phó Đội nữ pháo binh 8/3 và cuốn sổ tự tu của chị Lê Thị Pha - chính trị viên đơn vị, còn cho chúng ta thấy các chị không chỉ là những chiến sĩ dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu mà còn luôn nghiêm khắc rèn luyện tu dưỡng bản thân. Thật ấn tượng và xúc động khi mở đầu cuốn sổ đã bắt gặp lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng được chép một cách cẩn thận nắn nót: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời rơi xuống, nó do rèn luyện, đấu tranh bền bỉ hằng ngày ta phát triển và củng cố nó, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Bản chất của thanh niên trong thời đại Hồ Chí Minh theo nhà thơ Tố Hữu: “thanh niên không phải là kêu, la, rên mà là ca hát và chiến đấu”, “thanh niên là mơ ước và hành động”, với tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Trong những trang ghi chép tiếp theo đó là những bài thơ, ca khúc cách mạng, kết quả của các trận đánh, và có cả những khuyết điểm của mình để khắc phục, rút kinh nghiệm như chỉ huy chưa linh hoạt, bỏ lỡ thời cơ diệt địch, tránh được tổn thất giành thắng lợi nhiều hơn, những dòng lưu bút đầy xúc động khi chia tay đồng đội, những vần thơ chép vội động viên nhau. Điều đó cho thấy các chị không chỉ dũng cảm khi đối mặt với quân thù mà còn là những phụ nữ dung dị, giàu tình cảm, sống chan hòa, luôn quan tâm tới mọi người. Trên chiến trường Lâm Đồng phải đối mặt với vô vàn khó khăn, gian khổ nhưng các chị vẫn khắc phục khó khăn, kiên cường bám trụ đánh địch, cất cao “tiếng hát át bom”, đêm đêm chong đèn học tập văn hóa. Khi không may sa vào tay địch, bị tra tấn, giam cầm ở trong ngục tối, họ vẫn bí mật chuyền tay nhau những vần thơ động viên nhau giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản, thêu lên chiếc khăn tay, tấm áo gối hình bản đồ Tổ quốc, hình chim bồ câu với khát vọng hoà bình, thống nhất. Qua đó thể hiện tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tin chiến thắng và tương lai tươi sáng, sẵn sàng hi sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. 
 
Chiến tranh đã đi qua, nước nhà đã hoàn toàn thống nhất, non sông liền một giải, đồng bào cả nước được sống trong cảnh thanh bình. Đất nước đang ngày càng thay da đổi thịt, đời sống của Nhân dân ngày càng được ấm no, hạnh phúc, khi có dịp ôn lại những trang sử vẻ vang của dân tộc càng khâm phục, tự hào và biết ơn các anh hùng, thương binh, liệt sĩ trong đó có các mẹ, các chị của chúng ta đã không tiếc máu xương, cống hiến cả tuổi thanh xuân và cả cuộc đời vì độc lập, tự do của Tổ quốc. 
 
ĐOÀN BÍCH NGỌ