Bác Hồ với những năm Dần trong cuộc đời

06:02, 10/02/2022
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 (năm Canh Dần), lúc nhỏ mang tên Nguyễn Sinh Cung, sau đó đổi thành tên Nguyễn Tất Thành, quê ở tỉnh Nghệ An. Năm 1911, Người xuất dương tìm đường cứu nước. Ngày 3/2/1930, Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Người trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Người đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta kháng chiến chống chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát mặt trận Đông Khê, Chiến dịch Biên giới, ngày 16/9/1950. Ảnh: Tư liệu lịch sử
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát mặt trận Đông Khê, Chiến dịch Biên giới, ngày 16/9/1950. Ảnh: Tư liệu lịch sử
 
Ngày 9/9/1969, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã nhận định: “Với tấm lòng yêu nước nồng nàn, Hồ Chủ tịch đã sớm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin ánh sáng soi đường cứu dân, cứu nước. Hồ Chủ tịch là người Việt Nam đầu tiên đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh nước ta, vạch đường, chỉ lối cho cách mạng Việt Nam từng bước tiến lên, từ thắng lợi này đến thắng lợi khác... Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc ta... Người là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường, bất khuất của Nhân dân Việt Nam suốt bốn nghìn năm lịch sử”. Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã tôn vinh Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc - Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”.
 
Năm Canh Dần (1890): Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 ở nhà ngoại tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Người là con trai của Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929) và bà Hoàng Thị Loan (1868-1901).
 
Năm Nhâm Dần (1902): Chủ tịch Hồ Chí Minh được thân phụ Người cho theo học với thầy Vương Thúc Quý tại quê nội ở làng Kim Liên, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thầy Quý là con trai của Vương Thúc Mậu, một thủ lĩnh chống Pháp và bản thân thầy Quý cũng tham gia chống Pháp. Do đó, thầy Quý đã dạy cho Người tư tưởng yêu nước, thương dân và chí làm trai phải giúp ích cho đời. Nhà thầy Quý cũng là nơi các sĩ phu yêu nước thường lui tới, trong đó có các ông Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân... Nhờ đó, Người được nghe nhiều chuyện qua các buổi luận bàn thời cuộc của các sĩ phu yêu nước. 
 
Năm Giáp Dần (1914): Lúc này, trên hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ở nước Anh. Người làm nghề cào tuyết trong trường học, sau đó chuyển sang làm nghề đốt lò trong hầm mỏ. Tiếp đó, Người chuyển sang làm công việc phụ bếp ở khách sạn Carlton, một khách sạn sang trọng nổi tiếng ở phố Haymarket tại thủ đô London của nước Anh. Người làm việc dưới sự điều khiển của vua đầu bếp người Pháp Georges Auguste Escoffier. Người lấy tiền làm thuê vừa để sinh sống vừa để thuê giáo viên dạy tiếng Anh. Việc học ngoại ngữ là chìa khoá giúp Người hiểu thêm về nền văn hoá phương Tây để tìm ra con đường cứu nước. Người cũng hay viết thư cho cụ Phan Chu Trinh ở Pháp, đưa ra những nhận xét về cuộc chiến tranh thế giới đang diễn ra và dự đoán những biến đổi của tình hình trong thời gian tới. Người cũng nhờ cụ Phan dịch và gửi cho mình tác phẩm Giai nhân kỳ ngộ diễn ca của nhà văn Nhật Bản Sài Tử Lang xuất bản năm 1885 đặt vấn đề về quyền độc lập, tự do, dân quyền ở các nước thuộc địa trên thế giới những năm 50 của thế kỷ XIX.
 
Năm Bính Dần (1926): Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động ở Trung Quốc theo quyết định của Quốc tế Cộng sản. Người đã viết bài “Lênin và phương Đông” đăng trên báo Gudok (Tiếng còi) ở Liên Xô. Bài báo viết: “Lênin là người đầu tiên đã đặt cơ sở cho một thời đại mới, thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa”. Người cũng gửi báo cáo cho Quốc tế Cộng sản về những công việc Người đã làm cho Đông Dương từ khi Người từ Liên Xô đến Quảng Châu (Trung Quốc). 
 
Năm Mậu Dần (1938): Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Viện Nghiên cứu dân tộc và thuộc địa của Quốc tế Cộng sản. Tháng 8/1938, Người không chọn con đường trở thành cán bộ giảng dạy của Quốc tế Cộng sản mà xin trở về nước để thực hiện hoài bão cứu nước, cứu dân. Sau đó, Người rời Liên Xô đến Trung Quốc hoạt động cách mạng và tìm cơ hội về nước. 
 
Năm Canh Dần (1950): Đầu năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Trung Quốc, Liên Xô. Người hội kiến Lãnh tụ Liên Xô Stalin và Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Mao Trạch Đông. Sau đó, Trung Quốc, Liên Xô, Mông Cổ, Triều Tiên rồi tiếp theo là hàng loạt nước ở Đông Âu công nhận và kiến lập ngoại giao với nước ta. Liên Xô và Trung Quốc còn cam kết giúp đỡ nước ta kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950, Cách mạng Việt Nam đã nối liền với hậu phương xã hội chủ nghĩa thế giới, khiến thế và lực của Cách mạng Việt Nam tăng mạnh. Tại chiến dịch này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm bài thơ: “Chống gậy lên non xem trận địa/ Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây/ Quân ta khí mạnh nuốt ngưu đẩu/ Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy” (Lên núi).
 
Năm Nhâm Dần (1962): Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ của Cách mạng Việt Nam được xác định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960): Đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa miền Bắc và đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà, thiết thực góp phần tăng cường phe xã hội chủ nghĩa và bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và thế giới. Với tinh thần “Suốt năm kế hoạch, định từ mùa Xuân”, bài thơ Chúc Tết năm 1962 của Người cũng đã viết rằng: “Năm Dần, mừng xuân thế giới/ Cả năm châu phấp phới cờ hồng/ Chúc miền Bắc thi đua phấn khởi/ Bốn mùa hoa Duyên Hải, Đại Phong/ Chúc miền Nam đấu tranh tiến tới/ Sức triệu người hơn sóng biển Đông/ Chủ nghĩa xã hội càng thắng lợi/ Hoà bình thống nhất quyết thành công” (Báo Nhân dân, số 2876, ngày 5/2/1962).
 
NGUYỄN VĂN TOÀN