Quân đội nhà Trần mạnh như mãnh hổ

05:01, 20/01/2022
Trong bài thơ “Thuật hoài” (Tỏ lòng) của danh tướng nhà Trần Phạm Ngũ Lão có câu thơ: “Tam quân tì hổ khí thôn ngưu” (Dịch nghĩa: Dũng khí của ba quân mạnh như mãnh hổ, lấn át cả sao Ngưu Lang trên trời. Dịch thơ: Ba quân hùng khí át sao Ngưu).
 
Tượng đài Hưng Đạo Vương trên đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa
Tượng đài Hưng Đạo Vương trên đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa
 
•  QUÂN MÔNG NGUYÊN KHÉT TIẾNG HUNG BẠO
 
Năm 1206, Thiết Mộc Chân lên ngôi Khả Hãn của Đại Mông Cổ Quốc tại một đại hội Kurultai (hội đồng các thủ lĩnh Mông Cổ). Cũng trong hội nghị này, Thiết Mộc Chân lấy tước hiệu là “Thành Cát Tư Hãn” (Vua của cả thế giới). Lúc này, Mông Cổ đã là một quốc gia rộng 4.000.000 km2.
 
Để nuôi mộng trở thành “Vua của cả thế giới”, Thành Cát Tư Hãn nhanh chóng gây chiến tranh với nước Tây Hạ. Nước Tây Hạ thần phục năm 1209 (sau đó bị diệt vong vào năm 1227). Người Mông Cổ sau đó đã bắt người Tây Hạ phải vót tên, làm thuẫn và nộp lạc đà cho mình để đánh nước Kim. Nước Kim bị người Mông Cổ đánh từ năm 1211 và sau đó hoàn toàn bị diệt vong vào năm 1235. 
 
Lúc bấy giờ, ở phía Tây Nam Mông Cổ, có nước Tây Liêu do dòng dõi vua nước Liêu lập nên từ năm 1124. Năm 1218, Thành Cát Tư Hãn cho thuộc tướng của mình đem 20.000 quân tấn công và chiếm được Tây Liêu. Từ đấy, cương giới của Mông Cổ sát liền với đế quốc Khwarezm.
 
Trong hai năm 1219-1220, Thành Cát Tư Hãn đem 200.000 quân gây chiến tranh và tiêu diệt đế quốc Khwarezm. Sau đó, ông tiến quân tới vùng Trung Á, tàn phá Transoxiana và Đông Ba Tư, sau đó tấn công bất ngờ Rus Kiev (một nhà nước tiền thân của Nga, Belarus và Ukraina) và Kavkaz. 
 
Khi Thành Cát Tư Hãn băng hà năm 1227, lúc đó đế quốc Mông Cổ đã cai trị một vùng lãnh thổ từ Thái Bình Dương tới biển Caspi với diện tích 13.500.000 m2, rộng gấp đôi đế quốc La Mã. Năm 1271, nhà Nguyên được Hốt Tất Liệt thành lập với tư cách là một bộ phận chủ chốt của đế quốc Mông Cổ. Ở thời điểm đỉnh cao (1309), đế quốc Mông Cổ trải dài 9.700 km, diện tích lãnh thổ lên tới 24.000.000 km2 và 2 triệu người Mông Cổ thống trị 100 triệu dân.
 
Vó ngựa trường chinh của kỵ binh Mông Cổ đã khiến thế giới khiếp sợ. Kỵ binh Mông Cổ mặc giáp nhẹ với một thanh kiếm lưỡi cong và cung tên đã gây nguy hiểm và là khắc tinh chống lại hầu hết các loại lính chạy bộ, kỵ binh. Đặc biệt, các kỵ binh Mông Cổ hoàn toàn có thể nhắm trúng mục tiêu khi đang phi ngựa, có thể bắn tên theo bất kỳ hướng nào, bắn được nhiều mục tiêu cùng một lúc ngay trên lưng ngựa ở khoảng cách xa, ngay cả sau lưng, nổi bật là tiết mục “Hồi mã cung” (xoay người bắn ngược). 
 
Một nhà sử học thời Tống viết: “Người Thát lớn lên trên lưng ngựa, tự luyện tập chiến đấu từ mùa Xuân đến mùa Đông, ngày ngày săn bắn, đó chính là cách sống của họ. Về đánh trận họ lợi ở dã chiến, không thấy lợi thì không tiến quân... Trăm quân kỵ quay vòng, có thể bọc được vạn người. Nghìn quân kỵ tản ra có thể dài đến trăm dặm. Kẻ địch hợp lại thì họ cũng hợp lại, hoặc tản ra, hoặc ẩn hoặc hiện, đến thì như trên trời xuống, đi thì nhanh như chớp giật... Họ mà thắng thì đuổi theo địch chém giết không để trốn thoát, họ mà thua thì chạy rất nhanh đuổi không kịp”. Do đó, kỵ binh Mông Cổ khét tiếng đến độ người ta than rằng: “Vó ngựa Mông Cổ đến đâu thì ở đó cỏ không mọc được”.
 
SỰ DŨNG MÃNH CỦA QUÂN ĐỘI NHÀ TRẦN
 
Quân đội nhà Trần nổi tiếng tinh nhuệ, thiện chiến, kỉ luật cao. Điều này một phần là do công lao của Hưng Đạo Vương. 
 
Hưng Đạo Vương tên thật là Trần Quốc Tuấn, là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu vua Trần Thái Tông. Ông quê ở làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. 
 
Hưng Đạo Vương đã nghiên cứu kỹ binh thư các đời và đã viết ra “Binh thư yếu lược”, “Vạn kiếp tông bí truyền thư” và “Dụ chư tỳ tướng hịch văn”. Chẳng hạn, trong “Dụ chư tỳ tướng hịch văn”, ông cho rằng, người làm tướng phải thường xuyên huấn luyện quân sĩ khiến cho quân đội “ai nấy đều giỏi như Bàng Mông, mọi người đều tài như Hậu Nghệ, có thể bêu đầu Hốt Tất Liệt dưới cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhại Như”. Theo truyền thuyết, Bàng Mông và Hậu Nghệ là những cung thủ tài giỏi. Trong đó, Hậu Nghệ là người đã bắn rụng 9 Mặt trời và chỉ chừa lại một Mặt trời để đem lại sự sống tốt tươi cho Trái đất.
 
Bên cạnh đó, Hưng Đạo Vương còn mở trường dạy binh pháp, võ nghệ cho con em hoàng tộc và những người tài giỏi trong nước. Những điều này đã tiếp thêm sức mạnh cho binh tướng nhà Trần, giúp cho Đại Việt quét sạch lũ quân giặc Mông - Nguyên hung bạo nhất thế giới lúc bấy giờ. 
 
Trong cả ba lần quân Mông - Nguyên tấn công Đại Việt, Hưng Đạo Vương đều được vua Trần cử làm tướng. Đặc biệt, ở kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ hai và thứ ba, ông được vua Trần phong làm Tiết chế các đạo quân thủy bộ. Dưới tài lãnh đạo của ông, quân đội Đại Việt đã chiến thắng ở Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, đuổi giặc Mông - Nguyên ra khỏi Đại Việt.
 
Về tác giả bài thơ “Thuật hoài”, Phạm Ngũ Lão là người làng Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Nếu Hưng Đạo Vương không nhận ra tài của Phạm Ngũ Lão và rèn luyện cho ông, Đại Việt xem như mất đi một tướng tài.
 
Trong hai cuộc chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên vào năm 1285 và năm 1288, Phạm Ngũ Lão lập được nhiều chiến công. Năm 1285, trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ hai, ông cùng với Trần Quang Khải tiến đánh Chương Dương, Hàm Tử, đập tan đội binh thuyền khổng lồ của giặc và diệt quân Mông - Nguyên chiếm đóng Thăng Long. Sau đó, ông được lệnh mang 3 vạn quân phục kích đánh địch ở Vạn Kiếp, chặn đường địch rút chạy lên biên giới phía bắc và diệt được hai phó tướng địch là Lý Quán và Lý Hằng. Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ ba, ông cùng các tướng bày trận phục kích đường rút lui của giặc trên sông Bạch Đằng, trong trận này quân nhà Trần bắt sống các tướng nhà Nguyên là Phàn Tiếp, Áo Lỗ Xích, Ô Mã Nhi. Sau đó, ông cũng tiếp tục truy kích cánh quân của Thoát Hoan trên đường bộ, đuổi chúng đến tận biên giới. 
 
Năm 1290, vua Trần Nhân Tông giao cho Phạm Ngũ Lão cai quản quân Thánh Dực, phong chức Hữu Kim ngô Đại tướng quân. Đến đời vua Trần Anh Tông, ông được thăng tới chức Điện súy Thượng tướng quân, tước Quan nội hầu. Ông đã ba lần cất quân đi trừng phạt sự xâm chiếm, quấy nhiễu của quân Ai Lao vào các năm 1294, 1297 và 1301. Ông cũng đã hai lần Nam chinh đánh thắng quân Chiêm Thành quấy nhiễu Đại Việt vào năm 1312 và năm 1318.
 
Bởi vậy, khi nói về quân đội nhà Trần, Phạm Ngũ Lão đã khẳng định dũng khí của đội quân này lấn át cả sao Ngưu Lang trên trời.
 
NGUYỄN VĂN TOÀN