Gia đình truyền thống của người Mạ

08:12, 08/12/2016

Gia đình người Mạ tồn tại với hai hình thức: gia đình lớn phụ quyền và gia đình nhỏ phụ quyền. Trong xã hội cổ truyền của người Mạ, gia đình lớn phụ quyền vẫn là hình thức phổ biến hơn cả.

Gia đình người Mạ tồn tại với hai hình thức: gia đình lớn phụ quyền và gia đình nhỏ phụ quyền. Trong xã hội cổ truyền của người Mạ, gia đình lớn phụ quyền vẫn là hình thức phổ biến hơn cả.
 
Cảnh sinh hoạt của một gia đình người Mạ. Ảnh: T.Bình
Cảnh sinh hoạt của một gia đình người Mạ. Ảnh: T.Bình

Gia đình lớn phụ quyền là gia đình có nhiều cặp vợ chồng cùng con cái của họ, thuộc 3 hoặc 4 thế hệ có quan hệ huyết thống tính theo dòng cha. Họ cùng chung sống trong một ngôi nhà dài. Trong xã hội cổ truyền của người Mạ, hình thức gia đình lớn phụ quyền tồn tại với ba dạng khác nhau: Đó là các gia đình nhỏ ở chung - làm chung - ăn chung; ở chung - làm chung - ăn riêng và ở chung - làm riêng - ăn riêng. Quy mô gia đình lớn cũng khác nhau, thường mỗi gia đình có khoảng 10 đến 30 thành viên, nhưng cũng có những gia đình có tới cả trăm thành viên. Sinh hoạt trong gia đình lớn dựa trên những nguyên tắc nhất định. Mọi việc được sắp xếp theo sự điều hành của gia trưởng. 
 
Gia trưởng (chau pô hiu)
 
Gia trưởng là một người đàn ông lớn tuổi thuộc thế hệ cao nhất trong gia tộc. Ông ta là người quán xuyến mọi công việc chính trong gia đình như: xác định vùng đất canh tác; chủ trương việc dời nhà, sửa chữa hoặc làm nhà mới; mua sắm và giữ gìn những tài sản lớn; chủ trì các công việc liên quan đến đời sống tinh thần (cúng tế các thần linh, cưới xin, ma chay…); giải quyết mọi xích mích giữa các thành viên trong gia đình nếu có. Ngoài ra, ông là người thay mặt cho gia đình trước buôn làng cũng như giao tiếp với các đại gia đình khác.
 
Chủ hộ
 
Quyền hành trong mỗi hộ gia đình thành viên của gia đình lớn là do người đàn ông lớn tuổi của gia đình đó nắm giữ, có thể coi là chủ hộ. Chủ hộ không chỉ là người điều khiển công việc sản xuất và là lao động chính của gia đình mình, mà còn giữ mối quan hệ với các gia đình khác chung sống trong nhà dài. Ngoài ra, chủ hộ là người giúp việc đắc lực cho gia trưởng trong việc dàn xếp những thắc mắc của các thành viên trong gia đình lớn và bàn bạc giải quyết những công việc chung như dời nhà, làm nhà mới, mua sắm những đồ vật quý,…. 
 
Quyền và nghĩa vụ của mỗi thành viên trong gia đình lớn
 
Trước hết, tất cả các thành viên trong gia đình lớn phải tuân thủ ý kiến của gia trưởng. Có trách nhiệm bảo vệ tài sản, nhà cửa, cũng như danh dự của dòng tộc. Khách hoặc những người ngoài dòng họ đến thăm gia đình, mọi người đều phải tỏ lòng quý mến, tiếp đãi lịch thiệp, ân cần. Các thành viên trong gia đình phải thương yêu, tương trợ lẫn nhau. Không một ai bị bỏ đói khi kho thóc của hộ khác trong gia đình khác vẫn còn. Mọi thành viên trong gia đình đều có quyền sử dụng đất đai canh tác thuộc về gia đình. Nhưng nếu vì lý do nào đó, một gia đình thành viên của gia đình lớn chuyển đi ở nơi khác, thì mảnh đất trồng trọt của thành viên gia đình đó phải trả lại cho gia đình lớn.
 
Tài sản trong gia đình lớn
 
Tài sản chung của gia đình lớn là nhà cửa, những đồ vật có giá trị phô trương sự giàu có và quyền thế của gia tộc như chóe, chiêng, trống và có thể là trâu, bò,... Đây là những thứ chỉ được dùng trong các dịp tế lễ chung của dòng tộc hoặc đổi chác. Nguồn tài sản này do gia trưởng trông giữ. Trường hợp đem bán phải được cả nhà đồng ý và tiền bán được chia đều cho tất cả các hộ trong gia đình (trên thực tế trường hợp đem bán rất ít xảy ra).
 
Bên cạnh dụng cụ sản xuất, gia súc nhỏ (lợn, gà, ngan, ngỗng,..) và đồ dùng nhà bếp,... do các hộ gia đình nhỏ tự quản lý và sở hữu. Họ còn có tài sản riêng do lao động dành dụm được (thổ cẩm, trang sức quý,…). Nhưng trước tiên, mọi người phải hoàn thành việc tích lũy tài sản chung đã rồi sau mới tích lũy riêng cho mình. Gia đình lớn có quyền sử dụng lương thực hoặc gia súc của các hộ gia đình nhỏ, trong trường hợp lễ hiến tế hay những việc chung khác của dòng tộc. Quyền lợi đại gia đình được đặt lên trên hết, nhưng những tài sản riêng của từng gia đình vẫn được tôn trọng. 
 
Gia đình người Mạ hiện đang chuyển dần sang hình thức gia đình nhỏ (một cặp vợ chồng và con cái). Mỗi gia đình nhỏ thực sự là một đơn vị kinh tế độc lập, họ cư trú riêng, có đất đai canh tác riêng, tích lũy riêng nhưng vẫn được sở hữu những tài sản chung của gia đình lớn (chiêng, chóe,…). Những gia đình nhỏ khi được tách ra khỏi gia đình lớn, họ thường cư trú quây quần bên nhau trong khuôn viên cư trú của dòng tộc. Tuy tự canh tác trên mảnh đất của mình, nhưng đều có sự giúp đỡ lẫn nhau giữa các gia đình nhỏ ở mọi khâu sản xuất. Truyền thống, nền nếp gia đình đã gắn kết tình thân của các thành viên trong gia đình từ thế hệ này đến thế hệ khác. 
 
Ngày nay, tổ chức gia đình của người Mạ có những thay đổi cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Song hình thức gia đình lớn phụ quyền đã tạo nên một phần đặc trưng văn hóa độc đáo của người Mạ. Trong quá trình xây dựng gia đình văn hóa, chúng ta cần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có người Mạ.
 
HỒ THỊ THANH BÌNH