.

Đền Hùng - Linh thiêng hội tụ chốn mây ngàn

11:04, 08/04/2022

 
(LĐ online) - Khu quần thể Đền thờ Âu Lạc (tên thường gọi là Đền Hùng) nằm giữa rừng thông trầm mặc trong Khu du lịch Thác Prenn (Phường 3, nơi cửa ngõ vào TP Đà Lạt). Đây là một trong những khu du lịch sinh thái về rừng nguyên sinh, suối, thác tự nhiên và Đền Hùng mang ý nghĩa linh thiêng từ chính trong tâm khảm của người dân Việt.
 
 
Khu quần thể kiến trúc Đền Hùng được xây dựng men theo thế núi nằm trên vùng đất địa linh của núi Phượng Hoàng, nơi hội tụ linh khí của đất trời. Đây là địa điểm du lịch tâm linh được nhiều du khách tìm về, đặc biệt là mỗi dịp Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10/3 để để tưởng nhớ công ơn của các vua Hùng thời dựng nước, ghi nhớ các vị anh hùng đã ngã xuống vì quê hương xứ sở.
 
 
Ông Nguyễn Thọ Phong - Quyền Giám đốc Khu du lịch thác Prenn cho hay, khu quần thể Đền thờ Âu Lạc bắt đầu được xây dựng từ năm 2001, mô phỏng theo mô hình đền thờ các vua Hùng ở Phú Thọ. Đây cũng là một trong số ít các đền còn giữ vẹn nguyên nét đặc trưng kiến trúc của đền gốc. Đặc biệt, nhiều linh vật đang trưng bày tại đây cũng thỉnh rước từ khu di tích đền Hùng ở Phú Thọ.
 
Miếu thờ Lạc Long Quân - Âu Cơ dưới chân Đền Thượng
Miếu thờ Lạc Long Quân - Âu Cơ dưới chân Đền Thượng
 
Cả 3 đền Thượng, Trung, Hạ trong khu quần thể đền thờ đều là những tuyệt phẩm kiến trúc bằng những vật liệu truyền thống, mái lợp mũi hài, tường xây gạch, nền và sân lát gạch bát tràng, cửa và kệ hương án được làm bằng gỗ quý, chạm khắc tinh xảo.
 
 
Nằm tại vị trí cao nhất trên đỉnh núi, Đền Thượng là nơi thờ trời và Lạc Long Quân - Âu Cơ và tổ tiên của người Việt.
 
 
Từ Đền Thượng du khách có thể mở rộng tầm mắt bao quát toàn khu du lịch thác Prenn kỳ vĩ. Diện tích Đền Thượng rộng khoảng 70 m2, lưng dựa vào chân núi, dưới chân là thung lũng. Bên trái là hình tượng cây đàn đá, bên phải là một chiêng đá quý có thể phát ra âm thanh vang vọng của đại ngàn.
 
Từ Đền Thượng đi xuống, Đền Trung ẩn hiện giữa những tán cổ thụ và rừng trúc xanh mướt, tạo nên một cảm giác vừa huyền bí vừa linh thiêng
Từ Đền Thượng đi xuống, Đền Trung ẩn hiện giữa những tán cổ thụ và rừng trúc xanh mướt, tạo nên một cảm giác vừa huyền bí vừa linh thiêng
 
Từ Đền Thượng, đi qua miếu thờ Thần Lúa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng Đền Trung rộng 150 m2. Bên trái đền có ngọn thác nhỏ được gọi là thác Vua. Du khách có thể bước theo cây cầu nhỏ xuống hồ Long Mạch soi bóng lên mặt nước trong xanh. Dù ở ngay lưng chừng núi nhưng hồ vẫn có nước quanh năm.
 
Tại Đền Hạ chiêm ngưỡng rất nhiều hiện vật thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Đặc biệt, 3 chiếc trống đồng Đông Sơn cũng được trưng bày bên trong của đền cùng hàng trăm hiện vật khác
Tại Đền Hạ chiêm ngưỡng rất nhiều hiện vật thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Đặc biệt, 3 chiếc trống đồng Đông Sơn cũng được trưng bày bên trong của đền cùng hàng trăm hiện vật khác
 
Đền Hạ là một trong những hạng mục quan trọng của khu tưởng niệm các vua Hùng. Đây là nơi có diện tích xây dựng lớn nhất, rộng 180 m2, sân đền rộng 500 m2 rất tiện lợi cho việc tổ chức lễ dâng hương trong dịp giỗ tổ hàng năm và các lễ hội quần chúng. Nội thất của đền cũng được bài trí trang trọng tạo nên cảm giác thiêng liêng cho du khách chiêm bái.
 

Theo ông Nguyễn Thọ Phong, hàng năm, đơn vị chủ quản cũng tiến hành tu sửa, tôn tạo các đền và cảnh quan xung quanh. Đặc biệt năm nay, tại Đền Thượng được tiến hành mở rộng thêm 600 m2 tổng diện tích lên đến 1.100 m2 khu vực sân đền để đáp ứng nhu cầu khách tham quan cũng như tạo không gian rộng rãi để quan khách có thể cảm nhận trọn vẹn không khí trang nghiêm của lễ hội.

 
 
Đến thăm đền Hùng, du khách có thể đốt nén hương thơm để tỏ lòng tưởng nhớ tới tổ tiên của người Việt, các vị anh hùng dân tộc… hướng về cội nguồn dân tộc. Những hoành phi, câu đối với nội dung ghi công ơn trời biển của các bậc tổ tiên đã được trưng bày tại điện thờ ở các gian nội thất của ba ngôi đền trong khu du lịch thác Prenn cũng do chính tay thượng tọa trụ trì chùa Quán Sứ Hà Nội thủ bút.
 
Hàng năm, UBND tỉnh long trọng tổ chức Giỗ tổ Hùng vương theo nghi thức cấp tỉnh với sự tham gia của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND và các ban ngành, đoàn thể
Hàng năm, UBND tỉnh long trọng tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương theo nghi thức cấp tỉnh với sự tham gia của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND và các ban ngành, đoàn thể
 
Hàng năm, cứ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, UBND tỉnh long trọng tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương. Lễ hội có sự tham dự của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng cùng các sở ngành và hàng ngàn người dân địa phương, du khách khắp nơi đổ về chiêm bái ngưỡng vọng.
 
 
Khi những lá cờ đại thêu chữ “Tổ” thượng lên đỉnh các mái đền Thượng, Trung, Hạ, một không không khí trang nghiêm, thiêng liêng thành kính, cùng với lễ dâng hương đọc chúc văn, lời tạ ghi nhớ công ơn tổ tiên bằng các lễ vật truyền thống như bánh chưng, bánh dày, hoa trái cũng được dâng lên bàn thờ tiên tổ. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đọc chúc văn ghi tạc công đức các vua Hùng đã có công dựng nước
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đọc chúc văn ghi tạc công đức các vua Hùng đã có công dựng nước
 
Đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh rằng ngày Giỗ tổ là một sự kiện mang ý nghĩa thiêng liêng, là dịp quan trọng để chúng ta củng cố, thắt chặt tinh thần đoàn kết - yêu nước; đồng thời, cũng là dịp để quảng bá ra thế giới về một di sản văn hóa vô cùng độc đáo, có giá trị, đã tồn tại hàng nghìn năm của dân tộc ta.
 
 
Có mặt trong ngày đại lễ Quốc tổ, các thế hệ con cháu hôm nay càng tôn thêm lòng tự hào dân tộc, dòng giống con Lạc cháu Hồng. “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một lời răn dạy mà các thế hệ hôm nay và mai sau nguyện một lòng khắc. Từ đó góp phần hun đúc, lan tỏa lòng yêu nước, truyền thống đền ơn đáp nghĩa của người dân Việt.

 

Nội dung: HỒNG THẮM
Hình ảnh: HOÀNG ANH
Thiết kế: HẠ AN
 


Xem thêm bình luận