.

Nữ thủ lĩnh tâm huyết bên những cây kim vàng

07:03, 08/03/2022
 

(LĐ online) - Chị Phạm Ngô Nhật Thảo (sinh năm 1971) là Giám đốc Công ty TNHH Thêu Nghệ thuật và Mỹ nghệ Hữu Hạnh (HuuHanh Handicraft Co; LTD) có tròn 10 năm đứng mũi chịu sào một doanh nghiệp sản xuất, sáng tác tranh thêu tay, trang phục thêu tay, phụ kiện thời trang, sản phẩm handmade…; chăm lo và bảo đảm đời sống của hơn 20 lao động nghệ thuật thủ công đều là nữ, trong đó, có cả những lao động khiếm thính.

 
 
Là quan điểm xuyên suốt trong quá trình hoạt động ngành nghề truyền thống của Công ty TNHH Thêu Nghệ thuật và Mỹ nghệ Hữu Hạnh; với tư duy “Con người là vốn quý của doanh nghiệp”, công tác chăm lo việc làm, đời sống vật chất - tinh thần, quyền lợi, phúc lợi của người lao động không những luôn được ưu tiên hàng đầu; mà ở Tranh thêu Hữu Hạnh, người lao động được tạo điều kiện khơi dậy niềm đam mê, phát triển tài năng và tham gia các cuộc thi để có cơ hội dành được các vị trí xứng đáng, có thu nhập tốt, đảm bảo được cuộc sống…
 
Những cô gái Đà Lạt giữ gìn giá trị của Tranh Thêu Hữu Hạnh
Những cô gái Đà Lạt giữ gìn giá trị của Tranh thêu Hữu Hạnh
 
Nghề thêu tay đã được nhà nước công nhận là di sản văn hóa Việt Nam, là nghề nghiệp có chuyên môn đặc biệt, vừa đòi hỏi người lao động phải khéo léo, sáng tạo - lại nhẫn nại tỉ mỉ, không phải là một ngành nghề mà ai cũng có thể học hay truyền nghề được… Giá trị sản phẩm thêu tay khá cao và có đối tượng khách hàng tương đối kén chọn, chứ không phải là hàng hóa phổ thông; nên, bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề thêu tay là sứ mệnh và trách nhiệm mà Tranh thêu Hữu Hạnh luôn khẳng định để giới thiệu đến bạn bè thế giới về nét đẹp truyền thống văn hóa đặc sắc và quý giá của dân tộc Việt Nam. 
 
Tranh thêu Hữu Hạnh xây dựng và duy trì hình ảnh những cô gái Đà Lạt giản dị, mộc mạc, nhưng vô cùng khéo léo và kiên nhẫn; dành cả thanh xuân của mình bên những sợi chỉ muôn màu sắc để vẽ nên các tác phẩm nghệ thuật độc đáo qua những đường kim, đưa cảnh đẹp của đất nước, quê hương, con người Việt Nam đến với đông đảo bạn bè quốc tế. Mỗi bức tranh thêu Hữu Hạnh là một niềm tự hào về sự tài hoa của những người thợ thủ công - những người phụ nữ Đà Lạt nhỏ bé và yêu nghề, chấp nhận thu nhập không cao vẫn tận tâm hoàn thành sứ mệnh của những người giữ gìn và trao truyền di sản nghề thêu tay Việt Nam.
 
 
 
Không chỉ đào tạo nghề cho những người có nhu cầu, hoặc truyền nghề miễn phí cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, Tranh thêu Hữu Hạnh còn có chính sách dạy và truyền nghề cho lao động nữ là người khiếm thính và lập quỹ bảo trợ và truyền nghề cho người khuyết tật. Hữu Hạnh đã trở thành nơi không chỉ quy tụ những người thợ thêu có tay nghề cao, mà còn được xem là gia đình của các em khiếm thính - nơi các em được các chị thân thương truyền nghề tận tâm, miễn phí đến khi thành thạo và có thể kiếm sống bằng chính nghề thêu tay. Các chị cũng học ngôn ngữ của người khiếm thính để dễ dàng giao tiếp với các em, tìm hiểu hiểu tâm tư, tình cảm và giúp các em có thêm ý chí, nghị lực, kỹ năng sống và hòa nhập xã hội.
 
Những người thợ thêu miệt mài bên khung vải
Bức tranh nghệ thuật hiện sau những đường kim
 
Đã có khoảng 20 lao động khiếm thính được Tranh thêu Hữu Hạnh đào tạo nghề thành thạo và làm việc khắp Việt Nam. Mỗi bạn khiếm thính học nghề sẽ được một nghệ nhân có tay nghề cao kèm cặp... Sau 3 đến 6 tháng, các em có thể làm ra sản phẩm và hưởng thu nhập từ công sức của mình; từ đó, tự tin tiếp tục học nghề và làm nghề, xóa đi mặc cảm về số phận không may mắn của mình. Tranh thêu Hữu Hạnh tin rằng, việc hướng dẫn và truyền nghề cho các em khiếm thính là góp phần cùng xã hội ổn định cuộc sống người dân, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Hữu Hạnh trở thành nơi các em gởi gắm niềm tin về sự công bằng và trân quý cho những nỗ lực cống hiến của mình.
 
 
 
Hữu Hạnh là thương hiệu tranh thêu có tiếng ở Đà Lạt vì tính chất mộc mạc nhưng tinh xảo, mẫu mã đa dạng nhưng chất lượng, sản phẩm phong phú nhưng đầy tính nghệ thuật… Tranh thêu Hữu Hạnh làm trực tiếp và bán trực tiếp, giá thành vừa phải, đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới; lợi nhuận được tái đầu tư cho sản xuất, hỗ trợ nhân công và huấn luyện - đào tạo. Công ty Tranh thêu Hữu Hạnh đã mở nhiều đợt triển lãm và dạy nghề ở Pháp, Ấn Độ...; và đã tham gia triển lãm tại Lào, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Canada...
 
Một trong những tác phẩm độc đáo của Tranh thêu Hữu Hạnh đang hoàn thiệ
Một trong những tác phẩm độc đáo của Tranh thêu Hữu Hạnh đang hoàn thiện
 
Việc hoàn thiện, nâng cao tay nghề luôn được ưu tiên, khuyến khích ở Công ty Hữu Hạnh thông qua những cuộc thi Cây kim vàng hằng năm, chọn những lao động có tay nghề cao, có kinh nghiệm truyền nghề cho các lao động khác để đăng ký xét phong tặng Nghệ nhân làng nghề Việt Nam. Công ty Hữu Hạnh luôn phấn đấu phát triển bền vững, chú trọng từng bước đi vững chắc, tạo nền móng tốt từ đội ngũ nhân viên nhiệt huyết, yêu nghề, đảm bảo chất lượng sản phẩm, gây dựng niềm tin và sự yêu thích của khách hàng ở cả thị trường nội địa và thị trường quốc tế qua những sản phẩm thêu tay độc đáo, tinh tế, mang đậm bản sắc dân tộc, của những người phụ nữ Việt giỏi giang, khéo léo ở từng đường kim, mũi chỉ.
 
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, hoạt động của Công ty gặp nhiều khó khăn như bao doanh nghiệp khác. Ban giám đốc đã luôn cố gắng chủ động tìm kiếm nguồn khách hàng, nghiên cứu, tìm kiếm và phát triển nhiều loại sản phẩm khác nhau để duy trì sản xuất, đem lại nguồn thu cho doanh nghiệp, đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động. Đó là những mẫu túi xách thêu, khăn thêu tay, phụ kiện thời trang… Đặc biệt, khi một số nước châu Âu phải đóng cửa, không đặt hàng gia công, Công ty Hữu Hạnh đã sản xuất khẩu trang gởi tặng đối tác với mẫu mã độc đáo và tiện dụng, được yêu thích… góp phần quảng bá thương hiệu Tranh thêu Hữu Hạnh trên thị trường quốc tế.
 
Chị Thảo cùng các nghệ nhân Hữu Hạnh trong Lễ phong tặng Nghệ nhân Làng Nghề Việt Nam
Chị Thảo cùng các nghệ nhân Hữu Hạnh trong Lễ phong tặng Nghệ nhân Làng Nghề Việt Nam
 
Trong nhiều năm qua, Tranh thêu Hữu Hạnh liên tục đạt được các thành tích: TOP 100 thương hiệu - sản phẩm/dịch vụ nổi tiếng ASEAN 2016; Doanh nghiệp trẻ tiêu biểu năm 2005 và năm 2010; 2 Huy chương vàng từ giải “Bàn tay vàng” của Hội chợ quốc tế hợp tác xã - Doanh nghiệp vừa và nhỏ trao tặng; Best Product Vietnam - Giải thưởng Sao vàng đất Việt; Điểm mua sắm chất lượng cao 2014 do UBND thành phố Đà Lạt trao tặng. Đặc biệt, Công ty vinh dự có chị Nguyễn Thị Hữu Hạnh được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú quốc gia; và 5 nghệ nhân khác được phong tặng Nghệ nhân làng nghề Việt Nam là các chị Lê Thị Diễm Quỳnh, Nguyễn Thị Trang và Tạ Thị Lài, Lê Nguyễn Ngọc Quỳnh, Lê Nguyễn Phương Quỳnh.
 
 
 
Thủ lĩnh của Tranh thêu Hữu Hạnh suốt 10 năm qua là chị Phạm Ngô Nhật Thảo. Với những nỗ lực cống hiến, đóng góp duy trì nghề thêu tay và chăm lo đời sống của người lao động…, Giám đốc Phạm Ngô Nhật Thảo là Doanh nhân tiêu biểu tỉnh Lâm Đồng năm 2016 và năm 2020, được vinh danh và nhận Biểu trưng của UBND tỉnh Lâm Đồng; được nhận Bằng khen Đơn vị Kinh tế Làng nghề tiêu biểu năm 2019 do Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao tặng; ba năm liền (2018 - 2019 - 2020) nhận Bằng khen của Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam về Thành tích xuất sắc trong công tác Hội. Chị Thảo hiện đang là Tổng Thư ký BNI Highland Chapter, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.
 
Chị Thảo trong một buổi sinh hoạt thường kỳ của BNI Highland
Chị Thảo trong một buổi sinh hoạt thường kỳ của BNI Highland
 

Chị Thảo tâm sự: Do đặc thù của nghề thêu tay nghệ thuật truyền thống không hề đơn giản, nên việc quản lý, điều hành và phát triển doanh nghiệp khiến người đứng đầu phải chấp nhận thử thách và tìm hướng đi riêng để tồn tại và hoàn thành sứ mệnh của mình. Trong doanh nghiệp chị luôn tạo môi trường làm việc thuận lợi, khuyến khích các nghệ nhân phát huy sở trường, lao động sáng tạo; sẵn sàng lắng nghe, giải quyết tâm tư, nguyện vọng của người lao động trong doanh nghiệp. Bản thân chị phải luôn tích cực trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, sáng tạo mẫu mã để đưa ra thị trường các sản phẩm mới; đồng thời, không ngừng tìm kiếm khách hàng, cố gắng cải thiện sản phẩm để có thể làm hài lòng những khách hàng khó tính nhất. 

 

Cùng các doanh nhân tham dự Đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng
Cùng các doanh nhân tham dự Đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng
 

Hiện tại, Tranh thêu Hữu Hạnh là một trong những đơn vị tranh thêu tay uy tín trên thị trường Việt Nam, có nguồn khách ở thị trường thế giới, như: Estonia, Tây Ban Nha, Na Uy… Là người có uy tín và khả năng truyền động lực trong đơn vị, chị Thảo cũng tích cực thúc đẩy bình đẳng giới. Với phương châm, người phụ nữ Việt Nam vẫn xinh đẹp cùng chiếc tạp dề trong căn bếp; dịu dàng, đôn hậu trong vai trò người vợ, người mẹ; nhưng càng đẹp hơn khi “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, không hề thua kém cánh “mày râu” trong công việc, thậm chí lại có lợi thế hơn ở sự duyên dáng và khéo léo. Đó cũng là nhu cầu phát triển bản thân, được khuyến khích cùng sự phát triển của thương hiệu Tranh thêu Hữu Hạnh hiện nay.

Chị Thảo cho biết thêm, Công ty sẽ không ngừng cố gắng, nỗ lực phát triển; ứng dụng công nghệ 4.0 vào nghệ thuật truyền thống để quảng cáo, quảng bá trên website, facebook…; quản lý doanh nghiệp bằng các phần mềm điện tử để giảm chi phí nhân công; ưu tiên, tạo điều kiện cho lao động đi học tập, phát triển thêm các kỹ năng mềm trong giao tiếp, sử dụng công nghệ để nghiên cứu, sáng tạo nhiều kiểu thêu mới; cũng như duy trì khối đoàn kết, gắn bó, làm nền tảng tạo nên sức mạnh giữ gìn nghề thêu tay thủ công truyền thống, cũng như nâng tầm thương hiệu Tranh thêu Hữu Hạnh không chỉ nổi tiếng Việt Nam mà càng ngày càng vươn xa và mang tầm vóc quốc tế.

 
Đội ngũ Tranh thêu Hữu Hạnh với sứ mệnh bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề thêu tay Việt Nam
Đội ngũ Tranh thêu Hữu Hạnh với sứ mệnh bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề thêu tay Việt Nam

Nội dung: LÊ HOA
Thiết kế: HẠ AN



Xem thêm bình luận