Từ thành phố du lịch sạch ASEAN đến thành phố sáng tạo UNESCO

10:05, 15/05/2022
(LĐ online) - Sau đại dịch, du lịch Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng đang đón nhận những tín hiệu phục hồi, đánh dấu bằng việc thu hút 320.000 du khách đến tham quan nghỉ dưỡng trong gần 2 tuần tổ chức Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng và kỳ nghỉ lễ 30/4, mùng 1/5. 
 
Ông Tôn Thiện San - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt
Ông Tôn Thiện San - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt
 
Trong những tháng đầu năm 2022, Đà Lạt cũng là một trong 7 thành phố của Việt Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn xây dựng thành phố sáng tạo UNESCO. Báo Lâm Đồng điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Tôn Thiện San - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt về định hướng phát triển du lịch địa phương, phát huy những sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao, với đặc trưng khác biệt mang thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng.
 
 Với lợi thế về khí hậu, cảnh sắc tự nhiên, Đà Lạt vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn
Với lợi thế về khí hậu, cảnh sắc tự nhiên, Đà Lạt vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn
 
•  PV: Đối với TP Đà Lạt, du lịch dịch vụ chiếm một tỉ trọng rất lớn, trên 65%. Thành phố đã có kế hoạch để tiếp tục là lựa chọn hàng đầu đối với du khách trong nước, thu hút 135.000 lượt khách quốc tế như mục tiêu đã đặt ra thưa ông?
 
•  Ông Tôn Thiện San: Điều đầu tiên phải khẳng định rằng du lịch dịch vụ là ngành hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Lạt. Sau đại dịch, nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân và du khách là rất lớn. Cũng chính vì thế mà trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán Nhâm Dần vừa qua, Đà Lạt đón lượng du khách tham quan nghỉ dưỡng tăng đột biến, các cơ sở lưu trú du lịch, quán ăn, điểm tham quan… đều hoạt động ở mức 80 tới gần 100% (Trong dịp Tết Nguyên đán đón gần 112.000 lượt khách, tăng 167% so cùng kỳ năm 2021). 
 
Nắm bắt lợi thế được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, địa hình, hiện nay, bên cạnh các loại hình du lịch nghỉ dưỡng truyền thống, chúng tôi đang kết hợp thêm các các sản phẩm về thể thao hay các loại hình văn hóa - nghệ thuật… 
 
Để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho chuyến du lịch của du khách đến với địa phương, đặc biệt là trong dịp cao điểm hè sắp đến đây, chính quyền thành phố hiện đang tiếp tục hoàn thành mở rộng các nút giao thông, lắp đặt hệ thống đèn giao thông để hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn, xây dựng các tuyến đường vành đai, đường tránh đô thị, nâng cấp các tuyến đường kết nối các điểm, khu du lịch, lặp lại trật tự, chấn chỉnh môi trường hoạt động kinh doanh du lịch. 
 
Thành phố Đà Lạt quyết tâm phát triển du lịch  theo hướng bền vững để trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước
Thành phố Đà Lạt quyết tâm phát triển du lịch theo hướng bền vững để trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước
 
Chúng tôi cũng vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn nâng cấp cơ sở vật chất, phục vụ chuẩn bị những điều kiện đón khách tốt nhất cho dịp hè sắp đến. Đồng thời nâng cấp các ứng dụng du lịch thông minh với nhiều tính năng tiện dụng cho du khách. Tăng cường tuyên truyền, triển khai có hiệu quả, thực chất Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch, phát huy phong cách ứng xử người Đà Lạt “Hiền hòa, thanh lịch, mến khách”.
 
Chúng tôi cũng đã khắc phục một số khiếm khuyết trong công tác quản lý nhà nước, lặp lại trật tự, chấn chỉnh môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh, kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch, gìn giữ, củng cố, ngày càng phát huy thương hiệu du lịch Đà Lạt - điểm đến “an toàn, văn minh, thân thiện”. Kịp thời xử lý phản ánh, giải quyết các khúc mắc khiếu nại, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đem lại sự an tâm và lòng tin của khách du lịch.
 
Và giải pháp căn cơ hàng đầu, có ý nghĩa lâu dài đó là Đà Lạt phải sớm tái quy hoạch phát triển du lịch của thành phố theo hướng chất lượng cao phù hợp với chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, của vùng và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của thành phố; định hướng đầu tư, phát triển sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tránh tình trạng manh mún, tự phát, đưa du lịch trở thành ngành đóng góp tích cực, chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững.
 
Giải chạy bộ quanh hồ Xuân Hương Dalat Music Run đã thu hút người tham gia đến từ khắp các tỉnh thành
Giải chạy bộ quanh hồ Xuân Hương Dalat Music Run đã thu hút người tham gia đến từ khắp các tỉnh thành
 
•  PV: Ông vừa nhắc tới Bộ tiêu chí ứng xử người Đà Lạt. Phải chăng việc ban hành bộ quy tắc này sẽ là kim kim chỉ nam tối thiểu để vận hành và phát triển dịch vụ tại Đà Lạt? 
 
•  Ông Tôn Thiện San: Như đã đề cập ở trên, lợi thế của du lịch Đà Lạt là thiên nhiên, khí hậu nhưng tôi nghĩ còn có một yếu tố nữa không thể bỏ qua, đó chính là con người. Người Đà Lạt xưa nay đã tạo được ấn tượng trong lòng du khách bởi sự “Hiền hòa - Mến khách - Thanh lịch”. 
 
Tuy nhiên đâu đó vẫn còn những chuyện này chuyện kia, dù của một vài cá nhân nhưng cũng ảnh hưởng đến hình ảnh con người và du lịch của thành phố. Đây chắc chắn là điều không ai mong muốn. Tôi nghĩ có lẽ nguyên nhân một phần đến từ việc du khách lên Đà Lạt quá đông trong cùng một thời điểm khiến các vấn đề về giao thông, lưu trú, dịch vụ ăn uống, vui chơi, nhất là tại khu vực trung tâm rơi vào tình trạng quá tải khiến cho du khách chưa hài lòng về chuyến đi của mình. 
 
Việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử là một trong những giải pháp để chúng tôi thực hiện xây dựng lại phong cách người Đà Lạt. Tôi nghĩ bộ tiêu chí này có thể chưa đáp ứng được hết nhưng trước mắt, trong giai đoạn này đây sẽ là một trong những giải pháp tích cực và cần thiết để gìn giữ và phát huy phong cách người Đà Lạt trong kinh doanh, quan hệ xã hội, gia đình.
 
Chúng tôi đang phát động thí điểm mỗi phường xã lựa chọn, 10 cơ sở triển khai thí điểm mô hình kinh doanh “Người Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch, mến khách”. Hay vừa qua, chúng tôi tổ chức gặp mặt các hãng taxi trên địa bàn thành phố Đà Lạt để trao đổi về  văn hóa ứng xử của Đà Lạt và phát tài liệu này cho các hãng taxi để trên xe bởi đôi khi chính họ là người tiếp xúc với du khách trước tiên và truyền tải thông điệp, tạo ấn tượng ngay từ ban đầu cho du khách…
 
Thành phố cũng đã cụ thể hóa các tiêu chỉ không chỉ bằng các câu chữ mà thiết kế thành các hình ảnh tuyên truyền dễ hiểu, dễ nhận biết. Ngoài ra, còn xây dựng mã QR để giúp mọi người tiếp cận bằng hình thức nghe, đọc bằng giọng người Đà Lạt tạo sự hấp dẫn, tính tò mò của mọi người được tuyên truyền trên các hệ thống Pano của thành phố, các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử. Chúng ta sử dụng nhiều giải pháp, nhiều phương pháp tuyên truyền để mà đưa văn hóa ứng xử này vào một cách nhẹ nhàng, phát huy tác dụng tốt hơn.
 
Giải đua xe đạp Cúp truyền hình TP Hồ Chí Minh vừa được tổ chức trong dịp Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng
Giải đua xe đạp Cúp truyền hình TP Hồ Chí Minh vừa được tổ chức trong dịp Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng
 
•  PV: Chúng tôi nhận thấy rằng trong thời gian qua, TP. Đà Lạt đang chuyển hướng bằng việc kết hợp 3 yếu tố nghỉ dưỡng - thể thao - văn hóa. Sự chuyển hướng này cụ thể thế nào, thưa ông?
 
•  Ông Tôn Thiện San: Trong 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đế ngành du lịch của thành phố, lượng khách du lịch đến Đà Lạt giảm mạnh cả về khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế. 
 
Vì vậy, trong năm 2022 chúng tôi cũng đã điều chỉnh chỉ tiêu lượng khách đến tham quan nghỉ dưỡng tại thành phố Đà Lạt là 4,5 triệu lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế 135.000 lượt.
 
Hiện nay, bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống như sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo… thành phố Đà Lạt cũng đã định hình, phát triển du lịch canh nông, du lịch thể thao mạo hiểm là hai sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao, có nét đặc trưng khác biệt mang thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng. 
 
Để phục hồi và thúc đẩy ngành du lich, thành phố Đà Lạt không chỉ kết hợp Du lịch với thể thao và văn hóa mà còn kết hợp với các ngành nghề khách như: Du lịch nghỉ dưỡng; du lịch trải nghiệm các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao… Du lịch kết hợp với thể thao mạo hiểm là loại hình thu hút rất nhiều khách du lịch quốc tế đến trải nghiệm như: đi bộ băng rừng, đu dây vượt thác, hành trình trên cao, Golf…, các giải thể thao quốc tế …
 
Thời gian vừa qua, loại hình du lịch kết hợp với văn hóa với các sân khấu, các địa điểm tổ chức biểu diễn nghệ thuật trong nhà và ngoài trời với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng cũng thu hút rất đông khách du lịch đến từ các tỉnh thành trong nước tham dự. 
 
Trong thời gian tới loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp thể thao, văn hóa sẽ là kỳ vọng của ngành du lịch tạo ra sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch.
 
Chúng tôi cũng đã giao cho các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch thực hiện để xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành trung tâm văn hóa nghệ thuật, thể thao giải trí cấp vùng đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 
Đến năm 2025, TP Đà Lạt đặt mục tiêu trở thành trung tâm Văn hóa nghệ thuật, thể thao giải trí
Đến năm 2025, TP Đà Lạt đặt mục tiêu trở thành trung tâm Văn hóa nghệ thuật, thể thao giải trí
 
•  PV: Hiện nay, Đà Lạt đang xây dựng hồ sơ để được công nhận “Thành phố sáng tạo trong mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO”. Đây chắc hẳn sẽ là cơ hội và thử thách không nhỏ. Vậy thành phố đã làm gì để thực hiện mục tiêu lớn này, thưa ông?
 
•  Ông Tôn Thiện San: Hướng tới Thành phố sáng tạo UNESCO, dựa trên khai thác lợi thế về văn hóa của địa phương, thành phố sẽ phối hợp với ngành chuyên môn có chương trình cụ thể để xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa, nghệ thuật, thể thao, góp phần định hướng phát triển du lịch địa phương theo hướng bền vững; hạn chế phát triển các mô hình du lịch tự phát, đồng thời tăng cường, thúc đẩy liên kết hợp tác giữa Đà Lạt và vùng phụ cận.
 
Hiện tại chúng tôi đang thúc đẩy quá trình tái cấu trúc theo quy hoạch liên ngành để phát triển du lịch có chiều sâu và chiều rộng; chủ trương phát triển du lịch ra vùng ven gắn với quy hoạch sinh thái – thông minh.  
 
Ngoài ra thành phố cũng đầu tư nhiều hạng mục như: mở rộng đường giao thông, các đường tỉnh lộ, đường nối vào các khu du lịch, điểm du lịch trọng điểm, hệ thống tín hiệu giao thông, các tiện ích giao thông thông minh…
 
Trong giai đoạn 2022 - 2025, thành phố Đà Lạt sẽ triển khai thí điểm một số mô hình như: Mô hình công viên nhạc nước tại Vườn hoa thành phố; mô hình khu phố đi bộ; mô hình chợ đêm; mô hình tuyến phố ẩm thực, mô hình tuyến phố đêm…
 
Bên cạnh đó, để tiếp nối thành công của sự kiện Tuần lễ vàng Du lịch Lâm Đồng, với sự chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt đang dự kiến sẽ tổ chức sự kiện Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX trong quý 4/2022 sau một năm tạm hoãn vì tình hình dịch bệnh căng thẳng. Khác với các kỳ Festival hoa lần trước, Festival hoa Đà Lạt 2022 không tổ chức tập trung thành tuần hội mà sẽ được tổ chức thành chuỗi các hoạt động xuyên suốt trong tháng 10, 11, 12 với nhiều chương trình hấp dẫn, đặc sắc…
 
Chúng tôi tin rằng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, sự ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, thành phố Đà Lạt sẽ thực hiện được quyết tâm phát triển du lịch  theo hướng bền vững, đưa thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng ngày càng lan tỏa, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.
 
•  PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
 
Chính quyền thành phố cũng chấn chỉnh môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh, kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch.
Chính quyền thành phố cũng chấn chỉnh môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh, kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch.
 
HỒNG THẮM thực hiện