Du lịch không thể ''ăn xổi ở thì''

06:12, 12/12/2019

Đà Lạt thời gian gần đây đang trở thành một điểm du lịch "hot" bậc nhất trong nước khi sở hữu hàng trăm điểm "check in" hấp dẫn khiến giới trẻ cả nước "điên đảo"...

Đà Lạt thời gian gần đây đang trở thành một điểm du lịch “hot” bậc nhất trong nước khi sở hữu hàng trăm điểm “check in” hấp dẫn khiến giới trẻ cả nước “điên đảo”. Theo báo cáo của ngành Du lịch tỉnh Lâm Đồng, du lịch Đà Lạt gần đây tăng đáng kể về lượt khách lưu trú, các địa điểm du lịch mới, dịch vụ lưu trú… Tuy nhiên, đi kèm theo đó, tỉnh cũng đang “đau đầu” vì nảy sinh rất nhiều vấn đề mà các cơ quan, ban, ngành khó giải quyết và quản lý triệt để. Nổi bật nhất phải kể đến đó là sự bùng nổ của những điểm du lịch tự phát, tạm bợ kiểu đầu tư ngắn hạn, ít tiền để thu tiền nhanh.
 
Đường phố Đà Lạt đã được mở rộng hơn nhiều so với trước nhưng vẫn luôn đông đúc. Ảnh: Nghĩa Nguyễn
Đường phố Đà Lạt đã được mở rộng hơn nhiều so với trước nhưng vẫn luôn đông đúc. Ảnh: Nghĩa Nguyễn
 
Nở rộ du lịch “check in” kiểu ăn xổi
 
Có lẽ từ khóa đắt giá nhất, “hot” nhất trên google hiện nay khi tìm kiếm thông tin du lịch của các bạn trẻ đến Đà Lạt là từ “địa điểm check in”. Có thể khẳng định rằng, không thành phố nào trên đất nước Việt Nam lại có nhiều điểm “check in siêu ảo” như ở Đà Lạt. Bây giờ, nhắc đến Đà Lạt là du khách có thể kể ra một loạt các địa điểm như là “Nấc thang lên thiên đường”, “Cổng trời”, “Hồ vô cực”, “Cầu tình yêu, “Khu vườn bí mật”… Tất cả những địa điểm này đều chỉ mới xuất hiện tại Đà Lạt một, hai năm nay nhưng lại là những cái tên được tìm kiếm hàng đầu về địa điểm du lịch Đà Lạt và lẽ dĩ nhiên cũng trở thành một trong những lựa chọn đầu tiên của khách du lịch khi đến Đà Lạt. Điều đáng nói là những điểm này thực chất không mang giá trị nhiều về văn hóa, nghệ thuật hay lịch sử gì của Đà Lạt, thế mà lại đánh bật nhiều địa danh từng là danh thắng, địa điểm du lịch “lừng lẫy” suốt một thời gian dài của Đà Lạt như thác Prenn, Datanla, Cam Ly, dinh Bảo Đại, thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở…
 
Việc nở rộ những điểm du lịch kiểu không có chiều sâu văn hóa mà chỉ phục vụ nhu cầu check in theo kiểu làm du lịch tạm bợ, ăn xổi đã kéo theo những câu chuyện dở khóc dở cười của nhiều du khách. “Giờ các bạn trẻ đi du lịch theo xu thế chỉ cần có hình check in đẹp và ảo nên dịch vụ du lịch check in, chụp hình sống ảo cũng vì vậy càng nở rộ nhất là khi đầu tư dịch vụ kiểu như vậy không tốn nhiều kinh phí, nhanh lấy lại vốn, rủi ro ít. 
 
Một số khách du lịch đến tham quan “Nấc thang lên thiên đường” dở khóc dở cười bởi quá khác so với hình dung khi họ nhìn những tấm hình bạn bè hoặc du khách đăng trên facebook hoặc các trang quảng cáo về du lịch. Nguyễn Thành Công, du khách người TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Em với vợ lên Đà Lạt du lịch. Xưa nay trong hình dung của bọn em Đà Lạt là nơi rất đẹp, lãng mạn và sang trọng. Không khí yên bình, con người hiền hòa. Nhưng khi đến Đà Lạt thì thấy giờ khá khác so với tưởng tượng của bọn em. Vợ chồng em có đến tham quan và chụp hình chiếc cầu thang mà anh taxi giới thiệu đó là “nấc thang lên thiên đường”. Thực tế thì điểm du lịch này khác xa so với những tấm hình chúng em được xem và tưởng tượng về một khu làng du lịch canh nông với hệ thống nhà kính và chiếc cầu thang vươn thẳng lên trời xanh. Thực tế, nó chỉ là một chiếc cầu thang nhỏ và đơn sơ nếu không muốn nói là khá nguy hiểm, được dựng trên một miếng đất nhỏ hơn rất nhiều so với tưởng tượng của bọn em. Địa điểm này, theo em chỉ dành cho những bạn thích có một hoặc hai tấm hình sống “siêu ảo” để post facebook cho vui chứ không để lại ấn tượng gì đối với vợ chồng em nếu không muốn nói còn gây ít nhiều thất vọng”.
 
Tương tự, rất nhiều điểm du lịch khác hiện nay ở Đà Lạt, chủ nhân cũng chỉ tập trung vào việc đầu tư vài góc chụp hình sống ảo để du khách chụp hình và thu tiền mà không thật sự tạo ra những giá trị nhân văn mang tính bền vững cho du lịch Đà Lạt. Một số điểm làm tạm bợ khá nguy hiểm cho du khách. Thế nhưng, những điểm du lịch này lại có doanh thu khá lớn từ nguồn vé khách đến chụp hình check in và đang là xu hướng đầu tư của nhiều người muốn làm du lịch tại Đà Lạt.
 
Trên mạng đã có rất nhiều clip, bức hình chế của du khách để “troll” cách làm du lịch kiểu ảo, ăn xổi ở Đà Lạt khiến họ dở khóc dở cười. Diễn viên hài Mạc Văn Khoa còn ra hẳn 1 clip để troll và so sánh giữa “góc ảo” và thực tế của những điểm du lịch này. 
 
Nở rộ những điểm “check in ăn xổi” phần nào đang giúp Đà Lạt kéo lượng khách đến ngày càng tăng, nhưng lại khiến cho nhiều người lo lắng là bởi các dịch vụ phục vụ nhu cầu của du khách “sống vội” lại đang phát triển vượt mức về số lượng, làm biến chất du lịch của Đà Lạt vốn có xưa nay và những lo lắng này hoàn toàn có lý do…
 
Rất nhiều địa điểm check in sống ảo thường xuyên được cập nhật và lên top tìm kiếm của google.
Rất nhiều địa điểm check in sống ảo thường xuyên được cập nhật và lên top tìm kiếm của google.
 
Mai một giá trị truyền thống của Đà Lạt
 
Tuần trước, tôi tình cờ đọc được bài viết chia sẻ về những suy nghĩ của một người bạn là một nhà quay phim cực kỳ yêu và mê đắm Đà Lạt. Đại ý anh bày tỏ sự thất vọng của anh khi mỗi ngày lên Đà Lạt lại thấy cuộc sống của thành phố mộng mơ ngày nào của anh mỗi ngày thêm xô bồ, mất dần những giá trị xưa vốn làm nên một Đà Lạt khác biệt hẳn với những nơi khác; và đặc biệt, là dịch vụ “sống ảo” mọc lên như nấm sau mưa ở thành phố này đang “nắm tay” đẩy lùi những giá trị vốn dĩ là cái “hồn” của Đà Lạt. Đó là vẻ đẹp lãng mạn, sang trọng và sâu sắc chứ không phải những cái sến súa tạm bợ như hiện nay. Anh lo lắng rằng, cứ phát triển du lịch kiểu ăn xổi, tận thu như thế này, thì Đà Lạt tương lai sẽ như thế nào đây? Thế hệ con cháu của anh sau này sẽ lưu giữ về hình ảnh của Đà Lạt như thế nào? Và, Đà Lạt liệu có còn là thành phố du lịch nghỉ dưỡng sang trọng, giàu văn hóa trong lòng người dân cả nước trong tương lai hay không? 
 
Rõ ràng xưa nay, du lịch được coi là ngành công nghiệp không khói, vốn là niềm tự hào của người dân địa phương có du lịch phát triển. Nhưng thời gian gần đây, việc khách du lịch xuất hiện quá đông ở Đà Lạt vào dịp lễ - tết, hay cuối tuần lại dấy lên làn sóng “phản đối” của một bộ phận cư dân lâu năm của thành phố này và gây ra nhiều cuộc tranh cãi chưa có hồi kết. Theo cô Nguyễn Thị Hồng, Phường 3, Đà Lạt thì: “Việc khách du lịch lên Đà Lạt ồ ạt, đi du lịch kiểu lớt phớt, “check in sống ảo” mà không quan tâm đến chiều sâu văn hóa, đến nếp sống người Đà Lạt, đến những giá trị vốn là niềm tự hào của người Đà Lạt xưa nay khiến cho cô cảm thấy việc khách đến thành phố là rất phiền lòng. Những ngày cuối tuần, cô và gia đình thường cứ phải “núp” trong nhà, hạn chế ra ngoài, hoặc có hẹn đi chơi với bạn bè thì cũng tìm đến những nơi vắng vẻ, xa trung tâm để thấy thoải mái và không bị làm phiền”. Cô bảo, nếu ngày xưa, người ta lên Đà Lạt để tận hưởng không khí mát lạnh, được dạo phố phường, ngắm cây cối, nhà cửa, quan sát nếp sống, tìm hiểu văn hóa địa phương, lịch sử Đà Lạt hay nhâm nhi ly cà phê nóng ngắm phố phường chậm chậm thanh bình trôi cũng cảm nhận được thành phố này “sống” như thế nào thì nay đa phần khách tìm đến Đà Lạt để chen chúc, xếp hàng nhau chụp hình check in. Chỉ một bức tường với dòng chữ “Cối xay gió” màu vàng thôi thì cần gì phải lên Đà lạt, đâu cũng có thể có. Cô cũng phàn nàn rằng, những địa danh du lịch một thời là niềm tự hào bởi mang trong lòng những giá trị về lịch sử và văn hóa, tâm linh hiện rất ít được để ý đến. 
 
Thật sự, dạo một vòng thành phố từ trung tâm đến ngoại ô, có thể thấy các điểm du lịch nổi tiếng bây giờ để cạnh tranh với các địa điểm check in “ăn xổi” cũng đã phải đầu tư thêm những góc “check in sống ảo” để phục vụ khách dẫn đến phần nào đó phá vỡ không gian, cảnh quan và ý nghĩa vốn có của các danh thắng. Du lịch tập trung vào phát triển số lượng, rõ ràng đang gây ra không ít hệ lụy cho thành phố. Đó là tình trạng xây dựng tràn lan, lấn chiếm đất rừng, thu hẹp đất nông nghiệp bằng những công trình “tạm chế”, gây ra tình trạng lộn xộn của đô thị Đà Lạt những năm gần đây. 
 
Việc phát triển du lịch kiểu ăn xổi như hiện nay cũng khiến cư dân địa phương phải đối mặt với những sự “dịch chuyển” về lối sống. Một số “thu mình” lại để tự vệ, một số thì chạy theo nhu cầu của du khách, điều này chắc chắn sẽ khiến Đà Lạt phải đối mặt với xu hướng thay đổi, mai một về nếp sống truyền thống, về văn hóa ứng xử và ảnh hưởng đến nhịp sống, đời sống hằng ngày của người dân. Các giá trị về đất đai, chi phí sinh hoạt của người dân cũng đang bị đẩy lên và thực tế đang có những thay đổi rất lớn về sở hữu, nguy cơ sẽ ra khỏi tầm tay của một tỷ lệ lớn người địa phương. 
 
Một số người lạc quan đang hy vọng rằng, có lẽ, đến một độ tuổi nào đó, nhu cầu về du lịch và cách thức du lịch của con người, đặc biệt là giới trẻ cũng thay đổi. Và họ hy vọng rằng, xu hướng làm dịch vụ du lịch hiện nay ở Đà Lạt cũng như nhu cầu hưởng thụ dịch vụ du lịch của du khách vì vậy cũng sẽ sớm thay đổi và sẽ tập trung vào những giá trị nhân văn cao cả hơn, và du lịch nói chung, du lịch Đà Lạt nói riêng cũng sẽ nâng cao về chất hơn so với hiện nay. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là hy vọng, bởi hiện tượng làm du lịch và đi du lịch này không chỉ đang diễn ra ở Đà Lạt mà đang là xu hướng ở khắp các tỉnh, thành và cả một số nơi trên thế giới. Nên, để cân bằng và giữ gìn những giá trị thật sự của Đà Lạt vẫn rất cần sự định hướng, quản lý chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành liên quan và cả mong đợi vào ý thức, nhận thức của người đang trực tiếp làm dịch vụ du lịch ở Đà Lạt.
 
NGUYỄN NGHĨA