Vấn đề đào tạo hướng dẫn viên du lịch thể thao mạo hiểm

09:04, 13/04/2017

Sau hơn 10 ngày (từ 27/3 - 7/4), hai khóa tập huấn nghiệp vụ cho hướng dẫn viên (HDV) du lịch thể thao mạo hiểm (DLTTMH) hoàn thành, 60 HDV được trao chứng chỉ Level 1-2 của Liên đoàn leo núi (LĐLN) Singapore và giấy chứng nhận do Tổng cục Thể dục Thể thao phối hợp với Sở VH-TT&DL Lâm Đồng cấp...

Sau hơn 10 ngày (từ 27/3 - 7/4), hai khóa tập huấn nghiệp vụ cho hướng dẫn viên (HDV) du lịch thể thao mạo hiểm (DLTTMH) hoàn thành, 60 HDV được trao chứng chỉ Level 1-2 của Liên đoàn leo núi (LĐLN) Singapore và giấy chứng nhận do Tổng cục Thể dục Thể thao phối hợp với Sở VH-TT&DL Lâm Đồng cấp. Tuy nhiên, việc HDV được nhận chứng chỉ và chứng nhận chỉ là cơ sở, chứ chưa khẳng định được năng lực tổ chức - hướng dẫn và khả năng đảm bảo an toàn cho người chơi.
 
Ông Edwin Siew Choek Wai - Giám đốc Công ty TNHH Incredible Journeys (Singapore), chuyên gia huấn luyện trực tiếp về kỹ thuật, kỹ năng leo núi có sử dụng dây của 2 khóa huấn luyện, nhận xét rằng, các học viên tham gia khóa học với tinh thần học hỏi và thái độ nghiêm túc. Họ chắc đã thu được nhiều điều thú vị từ 2 khóa học này - không chỉ là kiến thức mà còn nhiều điều khác. Các học viên rất tin tưởng vào những gì họ làm. Họ có rất nhiều câu hỏi và những câu hỏi này luôn xoay quanh vấn đề an toàn cho du khách và an toàn cho chính bản thân họ. Quá trình làm việc thực tế sẽ khó khăn hơn, nhưng tôi tin họ có thể vận dụng kiến thức, kỹ thuật và kỹ năng từ khóa học để hoàn thiện công việc của mình.
 
Thao tác với dây, thực hiện các mối thắt và sử dụng khóa móc để tạo nên điểm neo đậu an toàn khi tham gia hoạt động DLTTMH. Ảnh: L.Hoa
Thao tác với dây, thực hiện các mối thắt và sử dụng khóa móc để tạo nên điểm neo đậu an toàn khi tham gia hoạt động DLTTMH. Ảnh: L.Hoa
Đòi hỏi nhiều kỹ năng
 
Đặc điểm của thể thao mạo hiểm (TTMH) được xác định đầu tiên là các hoạt động thể thao ngoài trời, gắn liền với thiên nhiên có địa hình khác biệt như hồ, thác, núi… Và, tham gia hoạt động TTMH, người chơi còn phải tìm hiểu đặc điểm địa hình, địa chất, cảnh quan ở nơi diễn ra hoạt động. Đó là yếu tố khác biệt khiến TTMH gắn với hoạt động du lịch tạo nên loại hình du lịch TTMH, trong đó, cảnh quan thiên nhiên chính là môi trường của hoạt động du lịch. Ngay cả sơ cấp cứu trong môi trường hoạt động TTMH cũng rất khác. Đó cũng là khác biệt trong nội dung làm việc của HDV du lịch TTMH với các HDV du lịch khác. 
 
DLTTMH là hoạt động mang 2 nội dung: du lịch và thể thao mạo hiểm - mà, thể thao mạo hiểm là loại hình thể thao có điều kiện. TTMH lại nằm trong loại hình của thể thao dã ngoại, là các hoạt động thể thao ngoài trời và có phần khác với thể thao giải trí (đua xe đạp nước, chèo thuyền…). Thể thao dã ngoại (cắm trại, teambuilding…) có thể phổ biến cho các lứa tuổi, nhưng TTMH không phải là hoạt động thể thao phổ thông. Người tham gia hoạt động TTMH có thể không cần năng khiếu và sự rèn luyện và không gây nên sự lan tỏa như các hoạt động thể thao sự kiện (đua xe địa hình, đua xe đạp…).
 
Anh Trần Văn Khanh - HDV của Công ty (Cty) Mạo hiểm Việt tại Đà Lạt, là một trong 4 HDV đầu tiên của Cty được đào tạo bài bản về bộ môn leo núi. Trước khi nhận chứng chỉ leo núi của LĐLN Singapore, anh và các đồng nghiệp được tham gia huấn luyện ở Canada, Mỹ… Làm việc ở Cty Mạo hiểm Việt từ năm 2004, anh Khanh ban đầu chỉ được hướng dẫn cho khách các môn chơi đơn giản. Thời gian còn lại, anh đi theo các bậc đàn anh đã dày dạn kinh nghiệm, tham gia các khóa học từ các chuyên gia quốc tế được Cty mời dạy lý thuyết và huấn luyện thực hành. 
 
Theo anh Khanh, đối với hoạt động leo núi nói riêng và TTMH nói chung, kinh nghiệm mới là quan trọng. Chứng chỉ chỉ đơn giản là tham gia một khóa huấn luyện từ 7-10 ngày là có, nhưng chưa thể khẳng định khả năng hoàn thiện bộ môn đó của người có chứng chỉ. Còn kinh nghiệm phải trải qua quá trình hoạt động thực tế mới có và ngày càng cần được bồi đắp, tích lũy. Trong các môn học về TTMH thì môn giải thoát - cứu nạn (rescue) rất quan trọng để ứng cứu và xử lý với các tình huống khách bị té ngã, bị xỉu, bị kẹt vào vách đá, trầy xước…
 
Cty Mạo hiểm Việt tại Đà Lạt hiện có 12 HDV có chứng chỉ, nhưng khoảng 2/3 đủ khả năng chịu trách nhiệm chính, dựa vào kỹ năng xử lý của họ trong thực tế, được đưa khách đi, còn những anh em khác đang trong quá trình huấn luyện nội bộ của Cty, đi cùng để vừa hỗ trợ đoàn khách, vừa trải qua rèn luyện thực tế. Mục đích chính của Cty trong huấn luyện nội bộ là đảm bảo an toàn tính mạng của du khách. Bởi HDV không phải chỉ hướng dẫn cho khách các thao tác khi đu dây leo núi; mà còn phải bình tĩnh khi có sự cố xảy ra, tỉnh táo xử lý tình huống, bản lĩnh tham gia cứu hộ - trấn tĩnh được khách và yêu cầu họ hợp tác để thoát khỏi tình huống nguy hiểm… Tất cả những tính cách đó của người HDV chỉ có được qua kinh nghiệm.
 
Nhận diện rủi ro từ khi làm tour
 
Học viên trong giờ kiểm tra chất lượng về kỹ thuật đu dây. Ảnh: L.Hoa
Học viên trong giờ kiểm tra chất lượng về kỹ thuật đu dây. Ảnh: L.Hoa
Ông Võ Đức Trung - Giám đốc Cty Mạo hiểm Việt tại Đà Lạt, cho biết: Khóa học vừa rồi chỉ là bước khởi đầu để DLTTMH đi lên chuyên nghiệp hóa. Quá trình học hỏi phải liên tục, cần được bồi đắp, tích lũy nhưng vẫn phải đảm bảo được mức độ nghiêm ngặt của quy trình… Các học viên cũng mới được đào tạo một kỹ năng leo núi có sử dụng dây - là hoạt động TTMH đang phổ biến ở Đà Lạt. Chuyên nghiệp hóa không thể nói chung chung được, nó là một quá trình đào tạo, một quy trình được ôn luyện, tạo thành thói quen nghề nghiệp… Mỗi thao tác của hoạt động TTMH đều gắn liền với mức độ an toàn để bảo vệ tính mạng của mình và du khách. 
 
Đối với Cty Mạo hiểm Việt, chuẩn bị một tour DLTTMH là phản xạ. Trước khi đi tour phải kiểm tra đồ nghề, trang thiết bị an toàn, dụng cụ y tế và các tình huống cứu hộ, cứu nạn… Yêu cầu về kỷ luật hoạt động và đào tạo nội bộ nghiêm ngặt được hình thành ở Cty Mạo hiểm Việt từ những ngày đầu hoạt động TTMH liên kết với chuyên gia nước ngoài. Đó là từ năm 1996, Cty hợp tác với người Pháp hoạt động dù lượn, nhưng thời điểm đó không phát triển được vì không có đồ nghề do cả người tổ chức và người chơi không có năng lực tài chính. Sau năm 2000, Cty gặp đối tác khác có những điều kiện về chuyên môn, thiết bị, đồ nghề...; hỗ trợ đào tạo và huấn luyện cho nhân viên của Cty…
 
Dần dần, đi vào hoạt động chuyên nghiệp, Cty không chỉ vận hành tour mà còn triển khai khảo sát địa hình, thiết kế ra sản phẩm và vận hành tour bài bản hơn, có chiều sâu, hấp dẫn du khách... Quá trình khảo sát, thiết kế tour DLTTMH cũng là quá trình nhận diện các rủi ro và tìm giải pháp xử lý những rủi ro đó. Xử lý rủi ro là vấn đề quan trọng khi thuyết phục khách tham gia trò chơi, thông qua giải trình và trả lời các câu hỏi của du khách. Vì vậy, mặc dù có bề dày hoạt động, nhưng chúng tôi vẫn luôn học hỏi - ông Trung khẳng định. 
 
Cty Mạo hiểm Việt đang xúc tiến cho các HDV tham gia học một khóa đào tạo ở nước ngoài để được cấp chứng nhận quốc tế về “Thiết kế và vận hành tour cho học sinh”, dù họ đã thực hiện rất nhiều. Ông Trung cho rằng, bổ sung kiến thức và kỹ năng như thế này, Cty sẽ có thêm niềm tin từ khách hàng - đó là cách làm du lịch đi vào chuyên sâu hóa, thu hút khách đúng nghĩa từ uy tín, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng và thể hiện đẳng cấp chuyên nghiệp…
 
Chứng chỉ leo núi cấp cho 60 HDV vừa tham dự hai khóa đào tạo nghiệp vụ DLTTMH vừa qua, được cơ quan quản lý nhà nước xác định là để hoạt động DLTTMH trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung đi vào hoạt động chuyên nghiệp. Trong đó, chứng chỉ cấp 1 xác định khả năng người có chứng chỉ đã học cách chơi và có thể tự chơi, tự thực hiện các thao tác sử dụng và xử lý dây đơn giản, nhưng chưa thể hướng dẫn cho người khác được; chứng chỉ cấp 2 chứng nhận khả năng người có chứng chỉ có thể hướng dẫn để đưa được 1 người khách đu dây xuống vách an toàn, tức là tổ chức và hướng dẫn được cho người chưa có kỹ năng chơi. 
 
Các học viên của hai khóa đào tạo hầu hết đã tham gia hoạt động này, nhưng do họ học từ nhiều nguồn, nên quan điểm của họ khác nhau. Qua khóa học, nhận thức của họ thống nhất, hiểu được nguyên tắc của trò chơi… Đó là nguyên tắc về điểm neo đậu an toàn. Lý do các tai nạn xảy ra về kỹ thuật là không có điểm neo đậu an toàn, dẫn đến HDV hoặc người chơi bị nước cuốn… Vấn đề đào tạo nội bộ và kỷ luật nội bộ cũng rất quan trọng… nên nhận chứng chỉ chỉ là bước khởi đầu chứ không phải đỉnh cao và chỉ có người cẩn trọng, nghiêm túc, kỷ luật… mới nên tồn tại ở nghề HDV du lịch TTMH.
 
Thầy Lê Thành Vinh - Trưởng phòng Đào tạo (Trường CĐ Nghề Du lịch Đà Lạt) cho biết: Khóa đào tạo do Sở VH-TT&DL chủ trì tổ chức. Trường là đơn vị phối hợp, chuẩn bị cơ sở vật chất lớp học, địa hình thực hành và các công tác hậu cần khác. Chuyên gia đánh giá địa hình của Trường phù hợp với yêu cầu đào tạo của loại hình DLTTMH, mà cụ thể ở đây là loại hình đu dây - leo vách đá… Tuy nhiên, đây là môi trường đào tạo, lại có huấn luyện viên và đồng nghiệp cùng tham gia huấn luyện, nên mức độ nguy hiểm không cao. Nhưng, môi trường hoạt động thực tế của các HDV không phải dễ dàng như thế này, vì vậy, các học viên không nên chủ quan… Với chức năng của Trường, chắc chắn sẽ có thêm các khóa đào tạo khác về DLTTMH.
 
NHẬT QUÂN