Phát triển du lịch chưa tương xứng tiềm năng hiện có

09:09, 22/09/2016

Hoạt động du lịch trên địa bàn Lâm Đồng thời gian qua tuy đạt được những kết quả nhất định, nhưng việc thực hiện "chiến lược đột phá, tăng tốc" phát triển kinh tế du lịch theo tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy còn nhiều hạn chế, yếu kém...

Hoạt động du lịch trên địa bàn Lâm Đồng thời gian qua tuy đạt được những kết quả nhất định, nhưng việc thực hiện “chiến lược đột phá, tăng tốc” phát triển kinh tế du lịch theo tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy còn nhiều hạn chế, yếu kém mà nổi bật trong đó là một số các chỉ tiêu đạt thấp hơn so với nghị quyết đề ra.
 
Lung linh đêm Đà Lạt - Ảnh: QUÝ SG
Lung linh đêm Đà Lạt - Ảnh: QUÝ SG

Cần nhắc lại rằng, Nghị quyết 04 - NQ/TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành cách đây 5 năm có tính chất của một nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, dịch vụ cho cả một giai đoạn 2011 - 2015. Bởi xuất phát từ chủ trương đúng đắn của Tỉnh ủy, xác định du lịch là một ngành kinh tế động lực, mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xã hội Lâm Đồng. Khi mà du lịch chưa trở thành “động lực” để thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển theo, hay sự đầu tư ở một số lĩnh vực chưa hội đủ mức độ cần phải có để tạo thêm sức hấp dẫn cho du lịch, thì vị trí “mũi nhọn” của du lịch, dịch vụ trong nền kinh tế sẽ vẫn còn “ở dạng tiềm năng” và chưa tương xứng với điều kiện hiện có. Điều này được thể hiện trong báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 04 mới đây. Trong đó đáng chú ý nhất đó là nhận định của Tỉnh ủy về những hạn chế, yếu kém khi triển khai thực hiện Nghị quyết 04 rằng: “Một số sở, ban, ngành và địa phương chưa tập trung đúng mức trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong nghị quyết; công tác phối hợp thiếu sự chủ động và thường xuyên”. Sự “chưa tập trung đúng mức” đối với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cũng như sự phối hợp thiếu tính chủ động và thường xuyên của các đơn vị dẫn tới các kế hoạch, chương trình đề ra không hoàn thành so với yêu cầu đặt ra. Nhìn tổng thể, đánh giá của Tỉnh ủy hoàn toàn sát thực tế kết quả hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua, khi các hạn chế còn biểu hiện trên những phương diện, nhất là các lĩnh vực góp phần tạo ra sự đột phá cho du lịch, dịch vụ. Đơn cử, chương trình trọng tâm, các công trình trọng điểm về du lịch triển khai chậm; công tác quy hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng, đầu tư các khu du lịch còn những bất cập; kết cấu hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế, trong đó có du lịch; thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch tốt nhưng tiến độ triển khai các dự án chậm, nhiều dự án đầu tư kéo dài thời gian thực hiện và số vốn đăng ký lớn nhưng thực tế triển khai chiếm tỷ lệ vốn/tổng đầu tư dự án thấp. Đó là chưa kể các sản phẩm du lịch, hoạt động liên kết phát triển du lịch hay nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực này tuy đã được quan tâm nhưng tựu trung chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. 
 
Từ những hạn chế, yếu kém được Tỉnh ủy đề cập trên đây chính là nguyên nhân dẫn đến một số chỉ tiêu đạt thấp hơn so với Nghị quyết 04. Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng lượng khách du lịch đến Lâm Đồng đều tăng qua từng năm với tốc độ tăng trưởng bình quân 9,65% mỗi năm. Và tính đến hết năm 2015, Lâm Đồng đã đón khoảng 21 triệu lượt khách, trong đó có 1 triệu khách quốc tế. Nếu so với Nghị quyết 04, chỉ tiêu về lượng khách du lịch đến Lâm Đồng vượt chỉ tiêu và trong vòng 5 năm qua, đạt vượt 103,6%. Song chỉ tiêu thành phần thu hút khách quốc tế lại đạt thấp nhất và chỉ đạt từ 43,85% đến 54,7% trong 5 năm dẫn đến việc thu hút trên 2 triệu lượt khách quốc tế, nhưng trong khi thực tế chỉ thu hút được 1,08 triệu lượt khách quốc tế, đạt 53,63% so với Nghị quyết 04. Ngoài chỉ tiêu thu hút khách đạt được, hầu hết 8/9 chỉ tiêu còn lại đều đạt thấp hơn so với Nghị quyết 04. Cụ thể, ngày lưu trú bình quân của khách 2,7 ngày mới đạt 90,47%, tổng số phòng nghỉ trên địa bàn toàn tỉnh 25.000 phòng mới đạt 62,3%, số phòng khách sạn từ 1 - 5 sao là 10.000 phòng mới đạt 86,94%, số phòng khách sạn từ 3 đến 5 sao là 5.000 phòng mới đạt 66,6%; giải quyết lao động tại các đơn vị du lịch 15.000 người mới thực hiện đạt 70%, trong đó lao động trực tiếp tại các đơn vị được đào tạo 90% nhưng mới thực hiện 70% và thu nhập xã hội từ du lịch đạt 10.000 tỷ đồng, mới đạt 91,8%. 
 
Khách nước ngoài đến Đà Lạt - Ảnh: PHAN NHÂN
Khách nước ngoài đến Đà Lạt - Ảnh: PHAN NHÂN

Vẫn biết rằng việc có tới 8 trong số 9 chỉ tiêu Nghị quyết 04 đề ra không đạt như mục tiêu ban đầu, thậm chí một số chỉ tiêu đạt thấp chịu sự ảnh hưởng của các yếu tố khách quan lẫn chủ quan trong quá trình triển khai thực hiện phát triển du lịch giai đoạn qua. Song nguyên nhân chủ quan cần phải được xem xét phân tích mổ xẻ một cách cụ thể nếu đặt trong xu thế nhu cầu du lịch ngày càng lớn từ sự phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế thế giới mang lại cho ngành công nghiệp không khói này. Theo nhận định, đánh giá của Tỉnh ủy: “Nhìn tổng thể, ngành du lịch còn nhiều hạn chế, chưa trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh; tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Lượng khách tăng trưởng hàng năm nhưng tỷ lệ khách quốc tế còn quá ít so với tổng lượng khách; thời gian lưu trú chưa cao. Hệ thống cơ sở lưu trú tuy tăng nhanh về số lượng nhưng tỷ lệ các khách sạn cao cấp còn thấp và chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Việc tổ chức các hoạt động du lịch còn manh mún, thiếu sự liên kết, thiếu tính chuyên nghiệp; các dịch vụ vui chơi, giải trí ít và đơn điệu, chưa đủ sức hấp dẫn thu hút khách…”. Bên cạnh đó, theo bảng tổng hợp danh sách các đơn vị, địa phương có kế hoạch thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, chỉ có 10/12 địa phương ban hành nghị quyết, chương trình hay kế hoạch thực hiện nghị quyết này. Đáng chú ý hơn chỉ có 7 sở, ngành có kế hoạch thực hiện bao gồm: Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch; trong khi lĩnh vực kinh tế du lịch đòi hỏi sự phối hợp đa ngành. Vì vậy, thông qua tổng kết phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2011 - 2015, Tỉnh ủy đã rút ra bài học kinh nghiệm là ngay sau khi ban hành nghị quyết, các sở, ban, ngành và địa phương liên quan cần xây dựng ngay kế hoạch thực hiện nghị quyết của đơn vị và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị khác trong quá trình triển khai. Đồng thời thành lập Ban kiểm tra, giám sát quá trình triển khai nghị quyết của các sở, ban, ngành và các địa phương nhằm đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện.
 
Với những hạn chế và bài học kinh nghiệm được nhận diện sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, sẽ là cơ sở vững chắc để thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy trong giai đoạn tới về phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020 mà trong đó đặt ra mục tiêu hàng đầu là “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành đô thị du lịch, là một điểm đến hấp dẫn, tạo sự khác biệt và có uy tín trên bản đồ du lịch của cả nước”. Phấn đấu đến năm 2020 với các chỉ tiêu cụ thể gồm: số khách du lịch hàng năm tăng từ 8 - 10%/năm, trong đó khách quốc tế chiếm từ 10 - 12%; số ngày lưu trú bình quân đạt 3 ngày và 85% lao động trực tiếp phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ.
 
HỒ XUÂN TRUNG