Nhiệt huyết kết nối hợp tác du lịch Lâm Đồng - Kiên Giang

09:07, 21/07/2016

Lâm Đồng và Kiên Giang đã ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2010-2015, để khai thác thế mạnh của du lịch đặc trưng nhưng khác biệt của hai vùng miền. Vừa qua, hai địa phương đã tổ chức Hội nghị đánh giá, nhìn nhận lại chương trình hợp tác và đưa ra các giải pháp thúc đẩy liên kết phát triển du lịch trong thời gian tới.

Lâm Đồng và Kiên Giang đã ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2010-2015, để khai thác thế mạnh của du lịch đặc trưng nhưng khác biệt của hai vùng miền. Vừa qua, hai địa phương đã tổ chức Hội nghị đánh giá, nhìn nhận lại chương trình hợp tác và đưa ra các giải pháp thúc đẩy liên kết phát triển du lịch trong thời gian tới.
 
Thắng cảnh Hà Tiên
Thắng cảnh Hà Tiên
Kiên Giang nằm ở tận cùng phía tây nam của Việt Nam, có đủ các dạng địa hình từ đồng bằng, núi rừng và biển đảo; có đường biên giới với Campuchia dài 56,8 km ở phía Bắc, giáp tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau ở phía Nam, giáp vịnh Thái Lan ở phía Tây với đường bờ biển dài 200 km, giáp với các tỉnh là An Giang, thành phố Cần Thơ và Hậu Giang ở phía Đông. Kiên Giang có hơn 100 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó lớn nhất là đảo Phú Quốc và xa nhất là quần đảo Thổ Chu… Kiên Giang được nhiều người biết đến là vùng đất văn hóa và du lịch nổi tiếng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là thắng cảnh Hà Tiên và đảo Phú Quốc. 
 
Kiên Giang có tháng nhiệt độ từ 27 - 27,50C, rất ít thiên tai, không rét, không có bão đổ bộ trực tiếp... thuận lợi để phát triển kinh tế với nguồn lợi vô cùng to lớn là thủy sản. Đặc biệt, Kiên Giang có vị trí chiến lược quan trọng trong vùng vịnh Thái Lan, gần với các nước thuộc Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore... nên có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực, đồng thời đóng vai trò cầu nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ với bên ngoài.
 
So với đặc trưng du lịch của Lâm Đồng và vùng Tây Nguyên là các loại hình du lịch sinh thái rừng, du lịch văn hóa và các danh thắng vùng núi, thì Kiên Giang có sự khác biệt rất rõ là đặc trưng du lịch sinh thái miệt vườn và biển đảo. Nhận thức được sự khác biệt đó, ngành du lịch hai địa phương đã tổ chức ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch để khai thác thế mạnh của mỗi địa phương. Qua 5 năm triển khai, chương trình đã tạo được mối liên kết, trao đổi thông tin, kết nối tour tuyến qua các hoạt động du lịch ở mỗi địa phương.
 
Tuy nhiên, hoạt động liên kết thời gian qua chưa được cụ thể hóa, còn mang tính hình thức, chủ yếu do các cơ quan nhà nước tổ chức triển khai nên chưa tạo được hiệu ứng rõ nét. Hơn nữa, khoảng cách giữa Lâm Đồng và Kiên Giang khá xa, giao thông đường bộ chưa thuận tiện, đường hàng không còn đắt đỏ nên việc hợp tác phát triển các tour tuyến còn mờ nhạt. Do thiếu thông tin, các đại diện doanh nghiệp đến từ Kiên Giang lo ngại về các hiện tượng chặt chém ở Đà Lạt vào dịp lễ tết, cò mứt, cò khách sạn… Đây là những hiện tượng đã và vẫn còn xảy ra ở Đà Lạt, nhưng nếu biết tận dụng các liên kết, xác định các điểm đến uy tín, chất lượng… các doanh nghiệp lữ hành và du khách sẽ không gặp phải tình trạng trên. Ngành du lịch Lâm Đồng cũng công khai đường dây nóng số điện thoại của Chánh Thanh tra Sở VHTT&DL và Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch trên trang web của Sở và khẳng định sẽ xử lý nghiêm các vi phạm.
 
Nhiều doanh nghiệp Lâm Đồng, như đại diện Công ty Thử thách Việt, Công ty Du lịch Tam Anh… băn khoăn về tình trạng khách du lịch Trung Quốc tại các tỉnh ven biển ảnh hưởng đến môi trường du lịch các địa phương cũng được cơ quan nhà nước về du lịch và chính quyền khẳng định sẽ chấn chỉnh công tác quản lý để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực trong mùa du lịch hè hiện nay và ổn định môi trường du lịch nói chung. Về cải thiện mối liên kết giữa Lâm Đồng và Kiên Giang, các đại biểu của hai địa phương đều kiến nghị cần phải mở đường bay thẳng nối Đà Lạt và Phú Quốc để kết nối vùng điểm du lịch - hai vùng miền thông qua đường hàng không, nhằm rút ngắn thời gian đi lại.
 
Bà Võ Thị Hồng Loan - Giám đốc Công ty Hai Mùa - Đà Lạt, cho rằng: Kết nối tour tuyến giữa các địa phương ở Lâm Đồng được sự hỗ trợ của các ban, ngành rất nhiều. Đà Lạt và Kiên Giang muốn kết nối ngoài các giải pháp còn rất cần nhiệt huyết của doanh nghiệp các địa phương. Nhu cầu du lịch biển, người Đà Lạt thường chọn nơi gần vì không có nhiều thời gian. Kiên Giang thực sự rất hấp dẫn với du lịch đảo (đảo Ngọc, Phú Quốc), nhưng do khoảng cách địa lý quá xa, nên sự gắn kết và nhiệt huyết là điều quan trọng… Ông Mai Văn Huỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cam kết đồng hành với các đại diện, các doanh nghiệp lữ hành, tháo gỡ những vướng mắc đã nêu trong hội nghị, để khắc phục tình trạng hạ tầng du lịch còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ; một số tour tuyến còn phát triển tự phát, tính chuyên nghiệp chưa cao; công tác quảng bá xúc tiến của hai tỉnh còn thiếu nhiều thông tin; công tác quản lý về du lịch còn tạo ra phiền hà… 
 
Ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Hai bên thống nhất một số vấn đề: Về phía tỉnh Lâm Đồng: Sở VH-TT&DL chủ trì phối hợp cùng TTXTĐTTM-DL, Hiệp hội du lịch, UBND TP Đà Lạt và một số sở, ban, ngành tiếp tục trao đổi, nắm thông tin để tỉnh tham gia các sự kiện trong chương trình Năm Du lịch quốc gia 2016 tại Kiên Giang… Sử dụng tất cả các công cụ truyền thông để đưa thông tin, hình ảnh của tỉnh Kiên Giang và đảo Ngọc (Phú Quốc) lên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh Lâm Đồng; đồng thời, cung cấp kịp thời thông tin của Lâm Đồng đến Kiên Giang.
 
Trong thời gian sớm nhất, tỉnh sẽ phát hành văn bản gởi Vietnamairlines và các hãng hàng không đề xuất mở đường bay trực tiếp. Tuy nhiên, ông Đa cũng khuyến nghị, việc mở đường bay được mà có sống được hay không không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan nhà nước mà là của các doanh nghiệp lữ hành du lịch. Kết nối du lịch Đà Lạt - Phú Quốc còn là cơ sở để kết nối tam giác du lịch Đà Lạt - Phú Quốc và Singapore được đưa ra tại phiên họp của Tổng cục Du lịch Việt Nam và Singapore được tổ chức tại Đà Lạt trong tháng 6 vừa qua. Đặc biệt, ông Đa yêu cầu khi nhận được thông tin về những khó khăn, trục trặc, phiền hà phải xử lý ngay; đồng thời, tăng cường tần suất thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và có những công việc cụ thể để hoạt động liên kết giữa hai bên thực sự có hiệu quả.
 
NHẬT QUÂN