Du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng trên bước đường cạnh tranh

08:02, 03/02/2016

Mùa dã quỳ chưa đi qua, bên đồi thông vẫn còn lác đác những cánh hoa vàng sót lại, thì đây đó đã xuất hiện những nụ hoa đào màu hồng thắm khoe sắc trong cái se lạnh trên thành phố cao nguyên chuẩn bị đón xuân sang. Các khách sạn, khu du lịch lên mạng chào mời và sửa sang để đón tết và đón khách, các hãng lữ hành đang hối hả kết nối tour, tuyến. Mọi người đều mong ngành du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng một năm mới bội thu.

Mùa dã quỳ chưa đi qua, bên đồi thông vẫn còn lác đác những cánh hoa vàng sót lại, thì đây đó đã xuất hiện những nụ hoa đào màu hồng thắm khoe sắc trong cái se lạnh trên thành phố cao nguyên chuẩn bị đón xuân sang. Các khách sạn, khu du lịch lên mạng chào mời và sửa sang để đón tết và đón khách, các hãng lữ hành đang hối hả kết nối tour, tuyến. Mọi người đều mong ngành du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng một năm mới bội thu.
 
Thi đua xây dựng sân vườn đẹp trong các biệt thự và nhà có sân vườn
Thi đua xây dựng sân vườn đẹp trong các biệt thự và nhà có sân vườn
Từ lâu ai cũng biết và ai cũng nói Đà Lạt là một thành phố đẹp, một thành phố được thiên nhiên ưu đãi rất nhiều từ cảnh quan, hữu tình cho đến khí hậu tuyệt vời, thậm chí nhiều du khách phương xa đến tránh cái nắng gió của miền nhiệt đới đã nói rằng: “Người nào sinh ra có phúc mới được sống trên thành phố này”. Bởi vậy, cũng từ rất lâu Đà Lạt đã là một điểm đến tham quan, nghỉ dưỡng lý tưởng của khách bốn phương kể cả trong và ngoài nước. Từ đó mà ngành du lịch Đà Lạt đã hình thành từ rất sớm, nó hình thành ngay từ trong ý tưởng của người Pháp khi bắt đầu quy hoạch và xây dựng thành phố. Theo năm tháng, Đà Lạt lớn lên thì ngành du lịch cũng ngày càng phát triển về quy mô, nâng cao về chất lượng. Nhất là sau năm 1975, chúng ta nhập các tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức vào với Đà Lạt thì những vùng du lịch phụ cận cũng đã theo đó mà hình thành tên tuổi, làm cho không gian du lịch của Đà Lạt - Lâm Đồng trở nên lớn, rộng và đa dạng hơn; ngành du lịch được đầu tư nhiều hơn; khách sạn, khu điểm tham quan to đẹp hơn.
 
Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thì hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 936 cơ sở lưu trú du lịch, với tổng số 15.183 phòng. Trong đó, có 307 khách sạn từ 1-5 sao với 8.539 phòng, bao gồm 27 khách sạn cao cấp từ 3-5 sao với 2.644 phòng, riêng Tp. Đà Lạt có 737 cơ sở lưu trú du lịch, với tổng số 12.700 phòng, trong đó có 255 khách sạn từ 1-5 sao với 7.366 phòng và 25 khách sạn cao cấp từ 3-5 sao với 2.375 phòng. Chất lượng các dịch vụ phục vụ khách ngày càng được đầu tư nhiều như: nhà hàng, vũ trường, Spa, karaoke, hồ bơi, chăm sóc sức khỏe, hội nghị - hội thảo, lữ hành… Hoạt động lữ hành đã được phát triển tương đối, đến nay, toàn tỉnh có 42 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch, trong đó, có 12 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, 30 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa và vận chuyển du lịch. Cùng với 33 khu, điểm tham quan du lịch được đầu tư và khai thác kinh doanh, và hơn 60 điểm tham quan miễn phí. Khách đến với Đà Lạt - Lâm Đồng thường chọn các tour tham quan danh lam thắng cảnh, kiến trúc, tìm hiểu văn hóa bản địa, du lịch sinh thái, dã ngoại, leo núi, vượt thác, thể thao mạo hiểm…

Hạ tầng du lịch đã phát triển lên nhiều so với những năm trước đây, sản phẩm du lịch cũng đa dạng hơn, phong phú hơn, lượng khách có tăng và ngày lưu trú dài hơn. Nhưng điều đáng nói là sức cạnh tranh lại bắt đầu yếu hơn vì không chỉ một mình Đà Lạt phát triển mà các tỉnh xung quanh cũng phát triển du lịch, thậm chí phát triển nhanh, đúng hướng, “bấm trúng huyệt” làm bật dậy thế mạnh tiềm năng của họ đã có từ lâu! Ví như ngày xưa, nói đến Phan Thiết thì người ta thường nghĩ ngay đến nước mắm chứ không ai nói đó là địa bàn du lịch, nhưng hôm nay Khu du lịch Hòn Rơm, Mũi Né, Rừng Dương đã trở thành những điểm tham quan nghỉ dưỡng gắn với các trò chơi biển có một sức thu hút du khách khá lớn. Chỉ với một điểm nhấn Vinpearl, Nha Trang đã bứt phá trên đường cạnh tranh. Cũng không ai nói Bình Dương là địa phương du lịch, nhưng khi Đại Nam ra đời thì Bình Dương đã trở thành nơi mà du khách bốn phương tìm đến. Chưa kể Vũng Tàu với sẵn truyền thống du lịch là nơi nghỉ cuối tuần khá thuận lợi của trung tâm kinh tế lớn Sài Gòn và ngày càng được đầu tư hạ tầng giao thông cũng như cảnh quan khá hấp dẫn. Lại nữa, trong tình hình mở cửa hội nhập, nhất là các nước ASEAN đã hình thành khối cộng đồng kinh tế (AEC), rồi sắp đến hòa vào thị trường châu Á Thái Bình Dương (TPP) và các thị trường thương mại tự do (FTA) có hiệu lực... chúng ta sẽ còn phải đương đầu với sức cạnh tranh rất chuyên nghiệp của các nước chung quanh như Thái Lan, Singapore, ngay cả Campuchia trong những năm gần đây cũng đã chia sẻ một lượng khách rất lớn với chúng ta! Những dịp cuối tuần, những ngày lễ, ngày nghỉ... khách từ Việt Nam đổ sang Campuchia chơi trò đen đỏ trong khu casino ở bên kia biên giới, hoặc đi lên cố đô Siemriep với Angco thơm, Angco wat nổi tiếng, đi về Pnompenh mua sắm không thua Thái Lan, đi xuống phía nam với cảng Sihanouk ville lịch sử, vòng qua phía đông lên núi Pokor khí hậu mát mẻ mà người Campuchia gọi là Đà Lạt hai đang được đầu tư khá hiện đại, đường sá giao thông thuận tiện... Có thể nói, nếu tự so sánh với chính mình thì du lịch Đà Lạt có phát triển, nhưng nếu so với xung quanh thì ta đang tụt lại phía sau, nếu không muốn nói là đang tụt lại ngày càng xa! 

Chúng ta đều biết con người đi du lịch vì nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, thưởng ngoạn cái đẹp, thẩm nhận các giá trị văn hóa khác lạ của nơi đến... Vậy nên, nếu sản phẩm du lịch Đà Lạt trùng lắp với sản phẩm của các địa bàn xung quanh thì phải đạt đẳng cấp cao hơn mới có sức cạnh tranh, bên cạnh đó phải có cái khác lạ, mang tính đặc trưng mà các nơi khác khó có thể có được. Còn rất nhiều vấn đề phải bàn về du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng như: giao thông; đầu tư hạ tầng du lịch; chất lượng dịch vụ; đào tạo nghiệp vụ nâng lên thành kỹ năng cho đội ngũ làm du lịch; xây dựng môi trường xã hội an toàn, thanh lịch, hiếu khách; sản phẩm mới hấp dẫn v...v... Nhưng những thứ đó đòi hỏi tốn nhiều tiền bạc và cần nhiều thời gian, phải thực hiện dần từng bước trong điều kiện có thể. Trong lúc đó, khí hậu ưu việt và môi trường cảnh quan hữu tình của Đà Lạt vừa là tài nguyên vừa là thành phần cấu tạo chủ yếu của sản phẩm du lịch, là cái riêng có, là thế mạnh của ta mà các địa phương khác kể cả các nước bạn quanh ta khó có thể có được! Bởi vậy, việc ưu tiên tập trung sức gìn giữ, khôi phục và nâng cấp môi trường cảnh quan có tính quyết định để mở đường cho những nhiệm vụ nêu trên phát triển tạo sức cạnh tranh mới trong lĩnh vực du lịch. Môi trường cảnh quan tốt sẽ gìn giữ và làm cho khí hậu ngày càng tốt hơn, nó không chỉ hấp dẫn đối với du khách mà còn hấp dẫn các nhà đầu tư. Việc làm này không đòi hỏi tốn kém nhiều ngân sách của nhà nước nếu chúng ta có chủ trương, chính sách, kế hoạch hợp lý thì chính nhân dân sẽ là lực lượng chủ yếu làm nên cái đẹp cho thành phố, cho địa phương của mình. 
 
Đường hoa cẩm tú cầu, mỗi con đường một loài hoa sẽ rất hấp dẫn du khách
Đường hoa cẩm tú cầu, mỗi con đường một loài hoa sẽ rất hấp dẫn du khách
Năm 2005, Sở Du lịch Thương mại Lâm Đồng đã xây dựng đề án “Khôi phục, nâng cấp môi trường cảnh quan Đà Lạt - Lâm Đồng...”. Ngày 26/7/2005, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ra Thông báo kết luận số 75/TB-UBND về việc thực hiện đề án. Năm 2008, Sở tiếp tục chủ trì đề tài khoa học “Xây dựng môi trường du lịch nhằm đảm bảo phát triển du lịch Đà Lạt theo hướng bền vững”. Các đề tài đó được thực hiện khá công phu với sự cộng tác của rất nhiều nhà chuyên môn trên các lĩnh vực trong tỉnh và thành phố Đà Lạt, đã được đánh giá tốt. Những việc làm trên của ngành du lịch Lâm Đồng nhằm mong muốn tạo nên những đột phá cho du lịch cất cánh. Nhưng tất cả vẫn còn đó như xưa! Đôi cánh chim trắng của du lịch vẫn cứ bay chấp chới, là đà! Đề án nêu ý tưởng mỗi con đường một loài cây, một loài hoa đặc trưng của Đà Lạt; các tháp hoa ở những giao lộ trong thành phố nên thay bằng những tiểu cảnh hình con công, chim bồ câu hoặc các loài chim thú rừng Tây Nguyên thẩm mỹ và nhẹ nhàng, không che chắn tầm nhìn; trang trí hoa cho các bờ rào, balcon; trồng cây tập trung ở những thung lũng, triền đồi tạo nên những mảng lớn cây có hoa để tạo thành những thung lũng mimosa, đồi hoa sim, rừng anh đào, phượng tím... Trả lại hình thái thiên nhiên cho những con suối, hồ nước v...v... và v...v...
 
Chính quyền chỉ có việc lên quy hoạch, làm kế hoạch, phát động thi đua, treo giải thưởng, hỗ trợ kỹ thuật để dân phố làm; trường học, cơ quan, doanh nghiệp làm; các đoàn thể tham gia chỉ đạo đôn đốc thực hiện. Nhất là vào những mùa festival hoa, cần phát động nhân dân hưởng ứng festival bằng việc trang trí nhà đẹp, balcon đẹp, sân vườn, bờ rào đẹp, đường phố hoa và cây xanh theo quy hoạch để cứ sau mỗi mùa lễ hội để lại cho thành phố và các địa phương một môi trường cảnh quan mới xanh hơn, sạch hơn, nhiều hoa hơn. Từ việc làm của người dân sẽ tác động vào môi trường xã hội, con người dần có ý thức hơn về môi trường sống của mình, nét văn hóa, văn minh hình thành dần một cách tự nhiên.
 
Đà Lạt luôn được mệnh danh là thành phố hoa thì không chỉ có vinh danh những nhà trồng hoa hay các doanh nghiệp hoa mà phải là vinh danh tất cả nhân dân Đà Lạt, lôi cuốn họ vào các hoạt động rộng rãi của lễ hội thì lễ hội càng có ý nghĩa biết bao! Cần biến festival hoa thành mùa lễ hội của nhân dân và cả của du khách chứ không chỉ là việc làm của chính quyền và một vài doanh nghiệp với các show diễn cho người dân đi xem! Môi trường cảnh quan đẹp, môi trường xã hội văn minh là thế mạnh có ý nghĩa cạnh tranh về thu hút du khách và thu hút các nhà đầu tư chân chính, đồng thời có chính sách thông thoáng, thân thiện, nhưng không tiêu cực nhằm hạn chế các nhà đầu tư nhỏ lẻ, làm ăn chụp giựt như người Đà Lạt vẫn thường nói: “Đà Lạt như một cô gái đẹp, hãy tỉnh táo để chọn những chàng rể xứng đáng...”. Không cần nhiều, chỉ cần một vài nhà đầu tư lớn, tâm huyết làm ăn với du lịch Đà Lạt để tạo ra sản phẩm mới, cao cấp, trở thành điểm nhấn khác biệt với xung quanh cùng với những nét đặc thù của mình sẽ là yếu tố quan trọng cho du lịch Đà Lạt cất cánh.
 
HOÀNG NGUYÊN