Xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp điểm ở Lâm Đồng: Những vấn đề đặt ra

09:11, 05/11/2015

Du lịch nông nghiệp (DLNN) là thuật ngữ chỉ những hoạt động tham quan, trải nghiệm và thưởng thức sản vật của du khách ở khu vực sản xuất, hoặc kinh doanh nông nghiệp… DLNN khai thác các giá trị trong chuỗi sản xuất, kinh doanh nông nghiệp để tạo nguồn thu nhập thêm cho nông dân. 

Du lịch nông nghiệp (DLNN) là thuật ngữ chỉ những hoạt động tham quan, trải nghiệm và thưởng thức sản vật của du khách ở khu vực sản xuất, hoặc kinh doanh nông nghiệp… DLNN khai thác các giá trị trong chuỗi sản xuất, kinh doanh nông nghiệp để tạo nguồn thu nhập thêm cho nông dân. Lâm Đồng có lợi thế và tiềm năng rất lớn về DLNN. Ngành Du lịch cũng đang xúc tiến xây dựng mô hình DLNN điểm tại Tổ dân phố (TDP) Hồ Xuân Hương (Đà Lạt).
 
Du khách muốn được trải nghiệm thực tế để hiểu tường tận đời sống nông nghiệp
Du khách muốn được trải nghiệm thực tế để hiểu tường tận đời sống nông nghiệp
Mô hình du lịch nông nghiệp ở TDP Hồ Xuân Hương
 
TDP Hồ Xuân Hương, phường 9, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5km, có trục đường chính dài khoảng 500m, nằm trên tuyến đường bộ đến tỉnh Khánh Hòa và tiếp giáp với tuyến đường xe lửa phục vụ du lịch đi Trại Mát, nằm kề Khu du lịch (KDL) hồ Than Thở và cách Làng hoa Thái Phiên chỉ 5 phút đi xe. TDP Hồ Xuân Hương là khu dân cư có truyền thống làm nông nghiệp trồng rau và hoa từ hơn 30 năm trước. HTX Xuân Hương đóng chân trên địa bàn TDP Hồ Xuân Hương, có xã viên là bà con cùng TDP chuyên trồng các loại rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, được rất nhiều đoàn khách đến tham quan, học hỏi mô hình sản xuất nông nghiệp, đặc biệt, đã vinh dự được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm năm 2012. 
 
* Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng: Làm du lịch nông nghiệp cần cho du khách khắp nơi biết, Lâm Đồng đang thực sự có cái gì, theo công nghệ nào; đồng thời, có những chỉ dẫn địa lý rõ ràng và ghi nhận cam kết cụ thể về mức độ an toàn của sản phẩm, nhất là an toàn sản phẩm nông nghiệp, xây dựng niềm tin cho sản phẩm, cho doanh nghiệp… tạo nên uy tín cho địa phương, tạo nên thương hiệu cho Lâm Đồng.
 
* Ông Trần Đức Quang - Chủ nhiệm HTX Xuân Hương: Vấn đề của HTX Xuân Hương là các vườn rau đều nằm sát bên suối. 2 trận lụt trong tháng 5/2015 (ngày 2 và 31), hầu như nhà nào cũng mất trắng 2 lứa rau, do nước dâng cao ngập úng hết cả vườn. Cách đây 3 năm, các hộ dân đã tự nguyện nạo vét, trả lại mặt suối; thành phố cũng cắm mốc và có chủ trương xây kè, nhưng chưa làm được. Xây kè hai bên suối (như đoạn từ hồ Xuân Hương đến thác Cam Ly), người dân sẽ không xả rác thải và phế phẩm nông nghiệp xuống suối, vừa khơi thông đường đi ổn định cho dòng chảy, vừa tạo nguồn nước sạch cho Hồ Xuân Hương, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường và tạo cảnh quan thoáng đẹp cho KDL nông nghiệp. 
 
* Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lâm Đồng: Lâm Đồng có tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và nhân văn; khí hậu, đất đai thích hợp để phát triển nông nghiệp và đã hình thành các vùng chuyên canh về nông nghiệp công nghệ cao, tạo nền tảng quan trọng để xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp, bên cạnh những sản phẩm du lịch đặc thù đã có của Đà Lạt - Lâm Đồng… Việc phát triển du lịch nông nghiệp là một hướng đi mới, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường du lịch, góp phần nâng cao chất lượng và tính hấp dẫn của du lịch Lâm Đồng.                                 
TIỂU VÂN (ghi)

Hiện tại, trong TDP Hồ Xuân Hương đã có một số nhà vườn cho khách tham quan, như: vườn Ysaorchid chuyên về hoa lan, xương rồng, sen đá; vườn dâu Thanh Trung; các vườn rau an toàn của HTX Xuân Hương… Sản phẩm DLNN tại TDP Hồ Xuân Hương bước đầu nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền; đồng thời người dân cũng mong muốn tham gia vào hoạt động DLNN nên sẵn sàng đầu tư và phát triển sản phẩm phục vụ DLNN. TDP Hồ Xuân Hương có giao thông thuận lợi, dễ dàng đi đến các điểm sản xuất nông nghiệp khác ở khu vực lân cận, như: Làng hoa Thái Phiên, HTX Dịch vụ - Nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến, Công ty trà Atiso Ngọc Duy… để hình thành nên các tour du lịch phong phú, có thể đáp ứng nhu cầu tham quan đa dạng của du khách.

Tuy nhiên, hệ thống giao thông nội bộ dẫn đến các nhà vườn nhỏ - hẹp, chưa có bãi đậu xe, đặc biệt là tuyến đường 2 bên suối từ hồ Than Thở chưa được đầu tư, đã ảnh hưởng đến việc liên kết các hộ dân trong khu vực để hình thành nên chuỗi sản phẩm DLNN, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, làm xấu cảnh quan… Trong TDP có 3 điểm sơ chế, đóng gói, nhưng chỉ là nơi đóng hàng xuất đi, chưa đáp ứng các điều kiện phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tham quan của khách du lịch và xuất khẩu tại chỗ… Các nhà vườn đón khách mang tính tự phát, chưa có sự liên kết hình thành nên sản phẩm du lịch đặc trưng...
 
Du lịch nông nghiệp phải gắn với văn hóa và ẩm thực 
 
Nhu cầu trải nghiệm đời sống nông nghiệp thường gắn với nhu cầu tham quan cảnh sắc thiên nhiên. Mỗi điểm đến của di tích hay danh thắng đều có nguồn gốc, lịch sử hoặc truyền thuyết. Mỗi điểm đến của cơ sở sản xuất nông nghiệp đều có phương thức canh tác, nuôi trồng, sơ chế riêng. Mỗi loại sản phẩm nông nghiệp lại có cách chế biến và công dụng khác nhau... Tất cả những điều đó tạo nên những đặc điểm văn hóa và ẩm thực đặc trưng. Đây cũng là tài nguyên DLNN để tạo ra các lợi thế thu hút du khách nếu biết tổ chức và khai thác. Làm được điều này cần có sự tham gia của cả cộng đồng nông nghiệp và sự định hướng, hỗ trợ của chính quyền.
 
Ở Lâm Đồng, số lượng nông dân muốn làm du lịch không nhiều, vì thu nhập từ hoạt động du lịch trên đồng ruộng cho đến thời điểm này không đáng kể. Du khách đến vườn còn làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người nông dân, hư hại cây trồng, mất thời gian đón tiếp… Vì vậy, có những hộ nông dân, HTX như ở TDP Hồ Xuân Hương đồng ý tham gia vào hoạt động DLNN là rất quý, cần khuyến khích và hỗ trợ trên nhiều phương diện; đồng thời, chú trọng khai thác các giá trị văn hóa và đặc điểm của cây trồng để phần thuyết minh, hướng dẫn không khô khan, đơn điệu, mà thêm đặc sắc và cuốn hút…
 
Làm DLNN nhất định phải có phần trải nghiệm đời sống nông nghiệp. DLNN ở Lâm Đồng chủ yếu thực hiện đối với cây trồng. Chắc chắn du khách muốn được làm tất cả các công đoạn mà người nông dân đang làm trên đồng ruộng, thay vì chỉ đứng nhìn và nghe. Do đó, các nhà vườn nhất định phải quy hoạch một phần diện tích để du khách được gieo trồng, được chăm sóc, được thu hoạch… Chế biến và thưởng thức cũng nên là một phần quan trọng để tạo nên hương vị về một chuyến DLNN hoàn hảo cho du khách. Nếu du khách có nhu cầu nghỉ đêm, cũng cần thiết kế nội dung khác với việc cùng chủ nhà xem tivi rồi đi ngủ… Viễn cảnh về một khu du lịch nông nghiệp với từng tốp du khách đạp xe giữa các vườn rau, vườn hoa, reo hò vui vẻ với những sản phẩm vừa thu hoạch được là điều không khó. Nhưng…
 
Đi DLNN đang là nhu cầu của nhiều đối tượng du khách
Đi DLNN đang là nhu cầu của nhiều đối tượng du khách
Giải pháp then chốt đầu tư đồng bộ, hiệu quả 
 
Thúc đẩy phát triển DLNN, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng và ngành Du lịch đã tổ chức nhiều hội thảo gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, có sự tham dự của các chính khách trong khu vực (Lào, Campuchia…) và chuyên gia quốc tế (Nhật Bản, Hàn Quốc…). Một khóa tập huấn về DLNN và xây dựng thương hiệu cũng được tổ chức cho các cán bộ quản lý chuyên ngành và doanh nghiệp, chủ vườn làm DLNN. Xét về mặt tư duy và nhận thức, đã có thể đáp ứng cho hoạt động DLNN.
 
Nếu lấy TDP Hồ Xuân Hương làm điểm để phát triển DLNN thì hệ thống cơ sở vật chất tại địa phương chưa có gì. đến lúc này, chỉ duy nhất một công trình do nhà nước hỗ trợ là Nhà văn hóa khu phố vừa mới chỉnh trang xong. Quá trình quy hoạch, xây dựng một cộng đồng dân cư làm nông nghiệp gắn với du lịch không đơn giản như những gì chúng ta đang thấy và đang làm hôm nay. Nó liên quan trực tiếp tới chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động cộng đồng tại khu vực dân cư làm DLNN (nông hộ, trang trại, HTX…). Vì vậy, hoàn thiện quy hoạch du lịch cho địa phương, tăng cường quản lý nhà nước, tăng cường đầu tư hạ tầng, đầu tư cơ sở vật chất là việc cần làm của các cấp, ngành trong phát triển DLNN.
 
Lâm Đồng đang xây dựng bộ tiêu chuẩn du lịch trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, lữ hành… Chúng ta cũng cần xây dựng bộ tiêu chuẩn về DLNN và sản phẩm DLNN, để có thể đồng bộ ngay từ tên gọi và nội dung trong quản lý và quảng bá sản phẩm; đồng thời, cũng tạo được sự thống nhất trong quá trình thuyết minh, đón tiếp du khách và tiếp thị các sản vật của nông hộ. Liên kết rất chặt chẽ với các nông hộ, các trang trại khác để cùng đón tiếp du khách và đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách… Để đạt được những mục tiêu cơ bản trong DLNN thì sản phẩm phải luôn luôn mới, cũng cần có sự liên kết của Nhà nước - doanh nghiệp - nhà khoa học - và nhà nông. Tất cả những điều đó, cần có những quyết sách mạnh mẽ và thống nhất từ các cấp chính quyền về chủ trương, về cơ chế, về vốn, về thuế, về kỹ thuật - công nghệ…
 
NHẬT QUÂN