Nông dân Đà Lạt nỗ lực xử lý rác thải tại nguồn

06:06, 23/06/2022
Là địa phương đứng đầu trong cả nước về sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, những năm qua, giá trị kinh tế của ngành Nông nghiệp Đà Lạt mang lại đã góp phần ổn định, nâng cao đời sống cho hơn 13.000 hộ gia đình. Tuy nhiên, mặt trái của việc sản xuất nông nghiệp này cũng để lại nhiều hệ lụy về môi trường với hàng trăm tấn chất thải mỗi năm…
 
Hàng trăm thùng chứa rác thải BVTV đã được lắp đặt trên đồng ruộng, giúp nông dân Đà Lạt thu gom, phân loại, tập kết rác thải nguy hại tại nguồn
Hàng trăm thùng chứa rác thải BVTV đã được lắp đặt trên đồng ruộng, giúp nông dân Đà Lạt thu gom, phân loại, tập kết rác thải nguy hại tại nguồn
 
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, thành phố Đà Lạt có trên 10.690 ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó hơn 62% diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Hàng năm, cung cấp cho thị trường trên 2,7 tỷ cành hoa và hơn 450.000 tấn rau các loại; giá trị thu hoạch bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt tới 400 triệu đồng/năm. Trong cơ cấu kinh tế của thành phố, hàng năm, giá trị của ngành Nông nghiệp đã đóng góp khoảng 14%, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho hơn 13.000 hộ gia đình, giải quyết công ăn việc làm cho trên 35.000 lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị to lớn mà ngành Nông nghiệp đóng góp cho sự phát triển của thành phố, hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng để lại hệ lụy không nhỏ với hàng trăm tấn chất thải ra môi trường mỗi năm, trong đó nhiều rác thải nông nghiệp nguy hại là bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng.
 
Phát biểu tại lễ ra quân thu gom rác thải nông nghiệp tại khu vực Phường 12, TP Đà Lạt do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tỉnh Đoàn Lâm Đồng cùng UBND TP Đà Lạt tổ chức mới đây, đại diện Hội Nông dân TP Đà Lạt cho biết: Trước đây, nguồn rác thải từ phế phẩm nông nghiệp chưa được thu gom và xử lý đúng quy định, chủ yếu người dân tự chôn lấp, đốt, bỏ chung với rác thải sinh hoạt, hoặc vứt xuống mương suối. Đây là một trong những nguồn ô nhiễm độc hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Đặc biệt, đối với TP Đà Lạt, rác thải nông nghiệp nói chung và bao bì thuốc BVTV nói riêng chưa được thu gom, xử lý đúng cách còn làm xấu đi cảnh quan môi trường, ảnh hưởng đến dịch vụ du lịch. Không chỉ vậy, việc bỏ chung rác thải nông nghiệp với rác thải sinh hoạt cũng làm phát sinh lượng rác thải lớn, hàng ngày Công ty Cổ phần dịch vụ đô thị Đà Lạt phải thu gom, vận chuyển đi xử lý tập trung, gây tốn kém không nhỏ cho ngân sách nhà nước và gây lãng phí nguồn phân hữu cơ có thể phục vụ trở lại sản xuất của nông dân.
 
Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Đà Lạt, Hội Nông dân tỉnh, các cấp Hội Nông dân TP Đà Lạt đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân không xả rác thải ra môi trường; tích cực tham gia các chương trình bảo vệ môi trường do thành phố phát động, như chương trình đổi rác lấy quà tặng; nói không với rác thải nhựa; phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể tham gia ngày Chủ nhật xanh, ra quân thu gom rác và khơi thông các dòng suối, dọn rác ở khu vực công cộng; tập trung xử lý rác thải tại nguồn khởi phát, góp phần giữ gìn cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
 
Cùng với đó, Hội Nông dân Đà Lạt cũng đã thực hiện nhiều chương trình, dự án xử lý rác thải nông nghiệp, bảo vệ môi trường. Nổi bật là việc thực hiện mô hình “Xử lý phế phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ vi sinh”, đồng thời tham mưu cho Hội Nông dân tỉnh xây dựng mô hình “Hội Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn” ở xã Xuân Thọ. Đáng chú ý, từ năm 2017, Hội Nông dân TP Đà Lạt đã triển khai thực hiện dự án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và xây dựng mô hình thí điểm thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng tại Phường 12, TP Đà Lạt”. Kết quả, dự án đã tuyên truyền, hướng dẫn cho hơn 1.200 lượt nông dân thực hiện quy định quản lý và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; lắp đặt hơn 100 bể thu gom bao bì thuốc BVTV...
 
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Trần Vũ Thị Loan cho biết, Đà Lạt là địa phương sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đứng đầu trong cả nước, đặc biệt là các sản phẩm rau, hoa chất lượng cao.Chương trình nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, góp phần đáng kể trong tăng trưởng kinh tế của thành phố. Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực về cảnh quan môi trường. Vì vậy, UBND TP Đà Lạt xác định việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải gắn liền với việc bảo vệ môi trường, hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở đô thị và nông thôn, xây dựng nông thôn mới, phát triển bền vững, góp phần xây dựng thành phố phát triển xanh và bền vững. 
 
Trên tinh thần đó, cũng theo bà Vũ Thị Loan, trong 5 năm qua, thành phố đã khảo sát, lắp đặt đưa vào sử dụng 243 bể chứa, thùng chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Và, đã thu gom, xử lý theo quy trình xử lý rác thải nguy hại được hơn 25 tấn bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Số lượng bao bì thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom, xử lý hàng năm đều tăng, điều đó khẳng định ý thức trong việc thu gom, tập kết và xử lý rác thải tại nguồn của nông dân Đà Lạt ngày một nâng cao rõ rệt.
 
Tính đến nay, toàn thành phố đã lắp đặt được 395/2.679 bể chứa chuyên dụng chứa bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Và, đã thu gom, xử lý theo quy trình rác thải nguy hại trên 25 tấn bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho trên 2.000 hội viên nông dân thành phố trong việc sử dụng, thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. 
 
THỤY TRANG