Đẩy mạnh truyền thông dân số

05:07, 09/07/2021

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Lâm Đồng hướng dẫn các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7 năm 2021 với mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp...

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Lâm Đồng hướng dẫn các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7 năm 2021 với mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng và định hướng về công tác dân số trong tình hình mới.
 
Chăm sóc sức khỏe trẻ em ở Trạm Y tế xã Đinh Lạc, huyện Di Linh
Chăm sóc sức khỏe trẻ em ở Trạm Y tế xã Đinh Lạc, huyện Di Linh
 
Các hoạt động truyền thông trên nhằm tăng cường sự tham gia đồng bộ, tích cực, trách nhiệm của các cấp, các ngành, mọi tầng lớp nhân dân và sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ về dân số và phát triển theo định hướng công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được UBND tỉnh phê duyệt.
 
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động vận động, truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT), tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ tầm soát, chẩn đoán và điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh, tăng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, đặc biệt là vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên, thanh niên (VTN/TN), tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân.
 
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7 năm 2021 tổ chức thực hiện tiết kiệm, lồng ghép hiệu quả với các hoạt động truyền thông thường xuyên tại mỗi cấp. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các huyện, thành phố căn cứ vào tình hình thực tiễn để triển khai cho phù hợp. Tổ chức các sự kiện truyền thông trọng điểm trên kênh truyền thông đại chúng các cấp và truyền thông trực tiếp tại cơ sở. Tuyên truyền về các vấn đề đang đặt ra đối với công tác dân số và phát triển. Tổ chức lồng ghép các hoạt động truyền thông trong các sinh hoạt văn hóa, hoạt động của các đoàn thể, sinh hoạt cộng đồng; tổ chức cung cấp sách mỏng, tờ rơi và nói chuyện chuyên đề ở cấp xã, tổ dân phố, thôn...
 
Triển khai các loại hình cung cấp thông tin, dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số cho người dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ưu tiên các nhóm đối tượng là NCT, phụ nữ mang thai và nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn).
 
Tập trung tuyên truyền các kế hoạch, đề án, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác dân số và phát triển. Tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn trực tiếp tại cộng đồng, truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, tư vấn nhóm tại hộ gia đình ưu tiên vùng sâu, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Tập trung vào nhóm đối tượng các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, VTN/TN như: chính sách hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; chương trình truyền thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030...
 
Lâm Đồng điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Nội dung cụ thể là chuyển hướng chính sách về quy mô dân số từ tập trung vào nỗ lực giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn tỉnh; thực hiện “vận động sinh ít con hơn ở nơi mức sinh còn cao, duy trì ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế và sinh thêm con ở những nơi mức sinh đã xuống thấp”.
 
Cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp với đặc điểm mức sinh của các địa phương có mức sinh khác nhau. Đối với địa phương có mức sinh cao, tiếp tục áp dụng và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hiện hành; hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, bao gồm phương tiện tránh thai; bồi dưỡng, hỗ trợ người thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ, người vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình… 
 
Đối với địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, trước mắt cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con; từng bước ban hành, thực hiện các chính sách khuyến khích sinh đủ hai con áp dụng cho các gia đình, cộng đồng; ở những địa phương có mức sinh dưới mức sinh thay thế, thí điểm, mở rộng thực hiện các chính sách hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh con, nuôi dạy con; đồng thời có chính sách khuyến khích không kết hôn muộn, sinh con muộn và sinh ít con. Các nhiệm vụ, hoạt động ưu tiên cần thực hiện ngay: Bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên... Sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các chính sách về lao động, việc làm, nhà ở; phúc lợi xã hội; giáo dục; y tế... đến việc sinh ít con; xây dựng, triển khai các mô hình can thiệp thích hợp. 
 
Các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quán triệt sâu sắc việc chuyển hướng công tác dân số từ tập trung vào việc giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế; thống nhất nhận thức trong lãnh đạo và chỉ đạo cuộc vận động thực hiện mỗi gia đình, cặp vợ chồng sinh đủ hai con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sinh ít con hơn ở những địa phương có mức sinh còn cao, duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế, sinh đủ hai con ở những nơi có mức sinh thấp.
 
Trên cơ sở xác định hiện trạng và xu hướng mức sinh của địa phương, đơn vị để xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch với chỉ tiêu cụ thể về việc điều chỉnh mức sinh của địa phương, đơn vị cho từng giai đoạn cụ thể hướng đến mục tiêu đạt mức sinh thay thế - mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng nên sinh hai con.
 
Cấp ủy đảng, chính quyền chủ trì, huy động các ngành, đoàn thể, tổ chức tham gia thực hiện kế hoạch; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương, đơn vị trong tổ chức thực hiện; thường xuyên giám sát, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện của các địa phương, đơn vị để có biện pháp điều chỉnh kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương trong từng thời kỳ.
 
Ban hành quy định đảm bảo sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện sinh đủ hai con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc; gắn kết quả thực hiện các mục tiêu điều chỉnh mức sinh được giao cho các địa phương, đơn vị với đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị, nhất là những người đứng đầu.
 
UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện kế hoạch này; điều chỉnh, công bố danh sách các huyện, thành phố theo vùng mức sinh giai đoạn 2026 - 2030 trên cơ sở báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2020 - 2025.
 
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030: Tăng 5% tổng tỷ suất sinh ở các huyện, thành phố có mức sinh thấp năm 2025; tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các huyện, thành phố có mức sinh thấp năm 2030. Giảm 5% tổng tỷ suất sinh ở các huyện, thành phố có mức sinh cao đến năm 2025; giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các huyện, thành phố có mức sinh cao năm 2030. Duy trì kết quả tại các huyện, thành phố đã đạt mức sinh thay thế.
 
AN NHIÊN