Đạ Tẻh: Nâng cao giá trị kinh tế từ cây ăn trái

06:06, 25/06/2021

Phát huy thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, những năm gần đây huyện Đạ Tẻh đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là đẩy mạnh đưa cây ăn trái vào trồng xen canh được nhiều nông dân ưu tiên lựa chọn, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích.

Phát huy thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, những năm gần đây huyện Đạ Tẻh đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là đẩy mạnh đưa cây ăn trái vào trồng xen canh được nhiều nông dân ưu tiên lựa chọn, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích.
 
Người dân huyện Đạ Tẻh ưu tiên lựa chọn các loại cây ăn trái nhằm nâng cao giá trị kinh tế
Người dân huyện Đạ Tẻh ưu tiên lựa chọn các loại cây ăn trái nhằm nâng cao giá trị kinh tế
 
Năm 2017, tình cờ một lần thông qua người bạn, ông Lê Hồng Khanh, xã Đạ Kho, Đạ Tẻh nhận thấy mô hình cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao nên quyết định phá bỏ toàn bộ diện tích cà phê và điều (cho thu nhập khoảng 60-70 triệu đồng/năm) chuyển sang trồng bưởi da xanh. 
 
Hiện tại, trên mảnh đất 1,7 ha, ông Khanh trồng xen hơn 500 gốc bưởi da xanh và 100 gốc sầu riêng. Với đợt thu bói bưởi da xanh đầu tiên, ông Khanh bật mí số lượng bán đi với giá cắt tại vườn là 20.000 đến 30.000 đồng/kg (tùy theo loại). “Từ khi chuyển sang trồng xen canh các loại cây ăn trái, thu nhập của gia đình tôi đã tăng nhiều lần so với trồng cà phê hay điều như trước đây. Bên cạnh đó, khi chuyển qua trồng trái cây, gia đình không lo tìm đầu ra mà các thương lái họ sẽ chủ động tới mua với giá thành cao hơn so với mình tự động mang ra bán ngoài”, ông Khanh chia sẻ.
 
Không chỉ phát triển nhiều với diện tích nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình như hộ ông Khanh, thời gian gần đây, đã xuất hiện nhiều hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đạ Tẻh tổ chức sản xuất theo quy trình kỹ thuật, tạo ra nông sản đồng đều về mẫu mã, chất lượng cao và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Hiện trên địa bàn huyện có 4 HTX trồng cây ăn trái với 75 thành viên. 
 
Điển hình như HTX Sản xuất nông nghiệp và dịch vụ trái cây Mỹ Đức (xã Mỹ Đức) với 40 ha trồng cây ăn trái, gồm sầu riêng và bưởi da xanh được sản xuất theo quy trình VietGAP, đảm bảo sạch, an toàn từ chăm sóc đến thu hái, bảo quản. Ông Phạm Văn Xã - Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp và dịch vụ trái cây Mỹ Đức cho biết: Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ trái cây an toàn của thị trường ngày càng cao, các xã viên của HTX mạnh dạn góp vốn, góp đất để triển khai mô hình trồng trái cây hữu cơ. Hiện HTX đã có 12 ha sầu riêng và 3 ha bưởi da xanh đang cho thu hoạch, tất cả đều đạt năng suất, được thị trường đón nhận và có một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Chúng tôi chưa tính toán chi li, nhưng chỉ tính riêng diện tích trồng sầu riêng và bưởi năm ngoái thì thu về được trên 6 tỷ đồng/năm.
 
Ông Nguyễn Hữu Tiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Đức cho hay: Thời gian qua, việc phát triển cây ăn trái chất lượng cao trên địa bàn xã là một trong những giải pháp cứu cánh cho nông dân địa phương. Khoảng 3 năm trở lại đây, người dân địa phương đã bắt đầu biết học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn đầu tư trồng xen cây ăn trái. Đến thời điểm hiện tại, toàn xã Mỹ Đức có 278,52 ha, đạt 105,1% so với kế hoạch. 
 
Theo thống kê, huyện Đạ Tẻh có diện tích cây ăn trái được phân bổ trên địa bàn các xã, thị trấn với 1.890 ha, trong đó, diện tích trong giai đoạn cho sản phẩm thu hoạch ổn định khoảng 450 ha. Hiện, loại cây ăn trái phổ biến, hiệu quả cao là sầu riêng, bưởi da xanh, quýt với giá trị sản phẩm thu hoạch trên đơn vị diện tích đạt từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha. Xác định phát triển cây ăn trái là một trong những hướng đi quan trọng góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện Đạ Tẻh hỗ trợ, khuyến khích người dân đầu tư, mở rộng diện tích các loại cây ăn trái ở các khu vực có điều kiện địa hình, thổ nhưỡng phù hợp. Giai đoạn 2021 - 2025, huyện tiếp tục chủ trương phát triển cây ăn trái theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; trong đó, xác định các mục tiêu xây dựng và phát triển nhãn hiệu Bưởi da xanh Đạ Tẻh, hình thành vùng sản xuất trái cây áp dụng quy trình sản xuất GAP, hữu cơ với diện tích 500 - 600 ha, hướng dẫn, hỗ trợ các HTX trồng cây ăn trái xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc nông sản để thuận lợi trong việc tiêu thụ và xuất khẩu.
 
Ông Phạm Xuân Tiện, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh nhận định: Đạ Tẻh là vùng đất phù hợp gieo trồng một số loại cây ăn trái như sầu riêng, bưởi da xanh, cam, quýt, mít, măng cụt. Trong những năm qua UBND huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung phát triển cây ăn trái ở những địa bàn có điều kiện thuận lợi theo hướng đầu tư quy trình công nghệ chăm sóc, tưới nước, bón phân tự động, sử dụng giống tốt, có khả năng phòng chống sâu bệnh. 
 
Cũng theo ông Tiện, việc trồng trái cây được xem là mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên, ngành nông nghiệp huyện cũng luôn hướng dẫn nông dân thực hiện một cách thận trọng. Không để cây ăn trái lấn át cây thuần và không phát triển một cách ồ ạt. Ngành nông nghiệp xác định cây dâu tằm vẫn là cây chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương.
 
THÂN THU HIỀN