Cuộc truy tìm COVID-19 trong thầm lặng

05:06, 07/06/2021

Trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, cùng chung chiến tuyến với đội ngũ y, bác sĩ chữa trị cho bệnh nhân, còn có sự cống hiến thầm lặng của những cán bộ và nhân viên y tế dự phòng. Họ như những "chiến sĩ" luôn đi đầu, bất kể ngày đêm, thần tốc truy vết dịch tễ, cập nhập tình hình dịch bệnh không ngoài khát vọng góp phần bảo vệ sức khỏe, sự an toàn cho người dân trong cơn đại dịch. Chúng tôi đã có những ngày đêm bên họ để hiểu hơn về sự hy sinh thầm lặng của cán bộ y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng.

Trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, cùng chung chiến tuyến với đội ngũ y, bác sĩ chữa trị cho bệnh nhân, còn có sự cống hiến thầm lặng của những cán bộ và nhân viên y tế dự phòng. Họ như những “chiến sĩ” luôn đi đầu, bất kể ngày đêm, thần tốc truy vết dịch tễ, cập nhập tình hình dịch bệnh không ngoài khát vọng góp phần bảo vệ sức khỏe, sự an toàn cho người dân trong cơn đại dịch. Chúng tôi đã có những ngày đêm bên họ để hiểu hơn về sự hy sinh thầm lặng của cán bộ y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng.
 
Bài 1: Bất kể giờ giấc, ngày đêm 
 
Ngay từ khi khởi đầu dịch COVID-19 từ hơn một năm nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng (CDC Lâm Đồng) luôn sáng đèn bất kể ngày đêm và được mọi con mắt đổ dồn về theo dõi. Bởi từ đây, trong quá trình truy vết lấy mẫu xét nghiệm, chỉ cần phát hiện trường hợp dương tính với virus Corona sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân Lâm Đồng.
 
Các “chiến sĩ” làm việc không kể ngày đêm
Các “chiến sĩ” làm việc không kể ngày đêm
 
Khẩn tốc truy vết dịch tễ
 
Còn nhớ, cách đây gần một tháng, chính xác là ngày 8/5, ngay khi nhận thông tin về trường hợp bệnh nhân 3141 từng đến Đà Lạt du lịch, Ban Giám đốc CDC Lâm Đồng đã tổ chức họp khẩn cấp, phát lệnh cho 4 đội phản ứng nhanh gồm đội dịch tễ, xét nghiệm, khử khuẩn và thống kê lập tức vào cuộc điều tra, truy vết, khoanh vùng, cách ly, khử khuẩn, lấy mẫu, xét nghiệm các trường hợp F1, F2 liên quan đến ca bệnh.
 
Ngay sau đó, CDC Lâm Đồng xác định mốc dịch tễ đầu mối tại Khách sạn Hoàng Quân. Cuộc chay đua cùng thời gian xuyên đêm để tới 4 giờ sáng ngày 9/5, hơn 20 mốc dịch tễ được xác định và khử khuẩn; 329 trường hợp F1, F2, trong đó có 278 trường hợp ở Đà Lạt và 51 nhân viên Cảng Hàng không Liên Khương được sàng lọc, lấy mẫu và thực hiện cách ly. Đến 9 giờ sáng cùng ngày, toàn bộ 329 mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính lần một, mang lại niềm vui không chỉ cho các trường hợp F1, F2 liên quan mà cả người dân Đà Lạt, Lâm Đồng. 
 
Để có kết quả âm tính trên mà khi công bố bất cứ ai nghe được tin này cũng tạm thời thở phào, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế CDC Lâm Đồng đã vắt sức liên tục hơn 15 tiếng làm việc xuyên đêm với tinh thần khẩn trương, nhanh chóng, quyết liệt. 
 
Người dân Lâm Đồng chưa kịp vui trọn vẹn khi các trường hợp F1, F2 tiếp xúc gần với bệnh nhân 3141 đều âm tính lần ba với COVID-19 thì tối ngày 28/5 CDC Lâm Đồng phát thông báo khẩn về trường hợp bệnh nhân 6437 đã đến Đà Lạt du lịch ngày 22 và 23/5. Chưa kịp nghỉ ngơi hồi sức bởi cuộc truy tầm theo dấu vết liên quan đến bệnh nhân “3141”, đội ngũ y tế CDC Lâm Đồng lại tiếp tục bước vào “cuộc chiến” mới truy vết dịch tễ liên quan đến bệnh nhân 6437. Tất cả hoạt động được quyết định và thực hiện ngay khi nhận thông tin, lập trực bất kể giờ giấc ngày hay đêm, họ có mặt kịp thời tại hiện trường, làm việc không ngừng nghỉ để kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh hòng tránh lây lan ra cộng đồng. 
 
“Kể từ ngày dịch COVID-19 căng thẳng trở lại, đã nhiều đêm, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên y tế của CDC Lâm Đồng dường như chưa có được giấc ngủ tròn giấc, họ luôn trong tư thế sẵn sàng “chiến đấu” khi có thông tin về trường hợp nghi nhiễm trong cộng đồng” - lãnh đạo CDC Lâm Đồng cho hay. 
 
Quả thực, đêm muộn nhưng những căn phòng làm việc ở đây vẫn luôn sáng đèn, mỗi người một việc, ai cũng bận rộn với nhiệm vụ của mình. Bác sĩ Nguyễn Xuân Song Hà - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Lâm Đồng cho biết: Từ khi xuất hiện dịch bệnh cho đến nay, 22 cán bộ, nhân viên y tế luôn luân phiên, túc trực 24/24 nhằm đảm bảo thực hiện kịp thời các nhiệm vụ truy vết dịch tễ, sàng lọc, nắm thông tin các bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, các trường hợp từ vùng dịch về, từ đó đưa ra biện pháp cách ly phù hợp. 
 
Trường hợp bệnh nhân 3141 và 6437 xuất hiện ở Đà Lạt là bất ngờ, nhưng cũng đã nằm trong “kịch bản” dự liệu của Lâm Đồng. Vì trước đó CDC Lâm Đồng đã xây dựng kịch bản khi có ca bệnh xuất hiện trên địa bàn và thực hiện diễn tập. Đội ngũ nhân viên được tập huấn các nghiệp vụ điều tra, truy vết, phản ứng nhanh. Do vậy, khi xuất hiện trường hợp có ca bệnh đã phản ứng một cách nhanh chóng, kịp thời. 
 
Việc truy vết dịch tễ có thể nói là nhiệm vụ vất vả, nhất là đối với những trường hợp bệnh nhân đã đi nhiều nơi trong cộng đồng. “Đối với trường hợp 3141, bệnh nhân này đã đi nhiều điểm du lịch đông người, bệnh nhân không nhớ hết lịch trình; do vậy, thông tin bị nhiễu nên việc điều tra, truy vết hoàn toàn không đơn giản. Đội phải xác minh qua nhiều thông tin để có được thông tin chính xác nhất, tránh để sót F1, F2 ra ngoài cộng đồng”, bác sĩ Hà cho biết. 
 
Theo bác sĩ Hà, để có thể truy vết được các trường hợp F1, F2 liên quan, đội thu thập từ những nguồn thông tin nhỏ nhất từ bệnh nhân, từ đó xác định mốc dịch tễ, sàng lọc các trường hợp liên quan. Chẳng hạn, bệnh nhân cung cấp thông tin đã từng ăn hủ tiếu ở đường Phạm Ngũ Lão, các nhân viên y tế sẽ đến, chụp hình tất cả những quán hủ tiếu ở tuyến đường này gửi ảnh để bệnh nhân 3141 chứng thực. Sau khi thống nhất là quán hủ tiếu Nam Vang 2 tô, mọi người sẽ khử khuẩn, lấy thông tin những trường hợp tiếp xúc gần, để rồi sau đó tiếp tục liên lạc, tiến hành sàng lọc các trường hợp liên quan để cách ly. 
 
Tập trung cao độ cho công việc để cập nhật số liệu, thông tin về dịch bệnh chính xác nhất
Tập trung cao độ cho công việc để cập nhật số liệu, thông tin về dịch bệnh chính xác nhất
 
Áp lực cao độ 
 
Không chỉ xông pha vào vùng nguy hiểm để điều tra dịch tễ, trở về phòng làm việc, những cán bộ, nhân viên y tế của Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm còn tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ theo dõi, kiểm soát, tổng hợp các thông tin, số liệu liên quan đến dịch COVID-19. Bác sĩ Phùng Xuân Bách - Phó Giám đốc CDC Lâm Đồng chia sẻ: “Các nhân viên, y, bác sĩ ở Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm sẵn sàng trực chiến 24/24, đêm có ít nhất 2 đến 3 người trực. Lãnh đạo CDC cùng các y, bác sĩ của Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm còn đảm nhận trách nhiệm tiếp nhận điện thoại, trả lời những thông tin, thắc mắc về dịch bệnh của người dân qua số đường dây nóng”. 
 
Sau một ngày dài trực thâu đêm, sáng hôm sau họ lại bắt đầu một ngày làm việc mới với công việc chuyên môn thường nhật. Mỗi y, bác sĩ của Khoa đều có mảng hoạt động riêng từ sốt rét, sốt xuất huyết, lao... cần phải giải quyết. “Ngay từ đầu, lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế CDC Lâm Đồng luôn xác định chống dịch COVID - 19 là nhiệm vụ trường kỳ. Do vậy, vừa chống dịch vừa phải hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn khác. Đặc biệt không để dịch chồng dịch”, bác sĩ Hà nói. 
 
Với khối lượng công việc lớn gấp đôi, gấp ba so với thường nhật, đội ngũ y, bác sĩ của Khoa phải làm việc liên tục, thời gian nghỉ ngơi hầu như không có, giấc ngủ khó mà tròn giấc khi áp lực công việc luôn trực chờ. Trong mạch câu chuyện, bác sĩ Hà kể: Anh em nhiều khi mệt quá thì luân phiên nhau nằm nghỉ lưng tại chỗ nhưng vẫn phải mang điện thoại bên cạnh để kịp thời trả lời khi người dân cần hỏi. Nằm được một tiếng thì lại thấp thỏm dậy kiểm tra máy tính xem có thông tin, mail báo cáo nhanh từ huyện gửi lên không. Một ngày có đến hơn cả trăm email và rất nhiều cuộc điện thoại phải tiếp. Nhiều khi giấc ngủ hay bữa cơm cũng phải dở dang để nghe điện thoại. “Chúng tôi hay đùa nói với nhau rằng điện thoại reo mù mịt”, bác sĩ Hà cười.
 
Việc nhiều, vừa ăn vừa làm là chuyện bình thường đối với họ, những bữa ăn vội chỉ có mì gói hay món ăn nhanh đặt từ bên ngoài, bữa cơm gia đình cũng trở nên hiếm hoi trong những lần bùng phát dịch. “Vì công việc nhiều, đòi hỏi sự tập trung cao độ nên một khi đã đến phòng làm việc thì mọi chuyện cá nhân, gia đình đều gác lại. Nhiều y, bác sĩ có con nhỏ không có thời gian chăm sóc, đành phải gửi con để nhờ người khác chăm cho, không thì đứa lớn chăm đứa nhỏ”, Y sĩ Phan Thị Như Thảo - cán bộ chuyên trách tiêm chủng mở rộng kiêm nhiệm vụ thống kê, báo cáo chia sẻ.
 
“Sáng ra, nhìn thấy những gương mặt đờ đẫn vì mệt mỏi, mất ngủ, nhìn anh em thấy thương, xót lắm, nhưng rồi cũng động viên mọi người cố gắng đứng dậy tiếp tục chiến đấu, vì sự an toàn, sức khỏe của Nhân dân”, bác sĩ Hà chia sẻ . 
 
Công việc của những “chiến sĩ” Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm vẫn chưa gói gọn ở đó, họ còn có trách nhiệm phối hợp với quân đội tổ chức các khu cách ly, hướng dẫn và đưa người vào khu cách ly. Trong khu cách ly lại là những câu chuyện “dở khóc, dở cười” mà ít ai biết đến. Bác sĩ Đặng Văn Huyên - Phó khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - người được mọi người đùa với mệnh danh là “chuyên gia” chia sẻ tâm tư, tình cảm của những người cách ly kể: Có những trường hợp vì chưa giải quyết xong việc bên ngoài đã phải đi cách ly nên có nhiều bức xúc, nhiều người cũng nhắn tin, gọi điện thoại cho tôi, có khi là những lời nhắn động viên, chia sẻ buồn vui ở khu cách ly và cũng có những lời hăm dọa. Nhiều trường hợp đi từ vùng dịch về nhưng vì lý do riêng lại không muốn đi cách ly, hay có trường hợp còn đòi tuyệt thực, tự tử vì muốn được ra ngoài. 
 
Đối với những trường hợp này, đội ngũ y tế phải thường xuyên túc trực theo dõi và nói chuyện, động viên tinh thần, nhẹ nhàng giải thích để họ hiểu mà cố gắng hoàn thành thời hạn cách ly. Đó là trách nhiệm chung của toàn dân, là việc nên làm để bảo đảm dịch bệnh không lây lan ra cộng đồng. 
 
Nhưng đó cũng chỉ là số ít, đa phần người dân đều có ý thức phòng, chống dịch bệnh COVID-19, họ nghiêm túc chấp hành cách ly tập trung, động viên đội ngũ y tế rất nhiều. Nhiều người dân khi phát hiện người từ vùng dịch về hoặc liên quan đến ca bệnh đã chủ động gọi cung cấp thông tin cho đội ngũ y tế. Nhiều ngày phải thức trắng, mất ngủ, ăn uống không đúng giờ, việc nhiều cùng với những áp lực vô hình, hữu hình đã khiến nhiều y, bác sĩ kiệt sức. Nhưng rồi, bằng trách nhiệm, sự sẻ chia của đồng nghiệp và mọi người, họ vẫn tiếp tục kiên cường chiến đấu trong cuộc chiến không tiếng bom đạn này. Bởi, khi mọi người cùng đoàn kết, chúng ta càng mạnh mẽ hơn trước những khó khăn, dịch bệnh ắt sẽ được đẩy lùi!
 
Bài 2: Vỡ òa màu xanh SARS-CoV-2 
 
NHẬT QUỲNH