Đổ xô đi làm công nhân nông nghiệp

08:05, 22/05/2017

Từ khi các công ty sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đóng chân trên địa bàn xã Đà Loan và Tà Hine (Đức Trọng) đi vào hoạt động, đã thu hút một lượng lớn công nhân ở các xã lân cận Đa Quyn, Tà Năng, Ninh Loan... đến đây làm việc. Công việc và mức thu nhập ổn định đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, nhất là đối với người dân tộc thiểu số các xã Vùng Loan.

Từ khi các công ty sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đóng chân trên địa bàn xã Đà Loan và Tà Hine (Đức Trọng) đi vào hoạt động, đã thu hút một lượng lớn công nhân ở các xã lân cận Đa Quyn, Tà Năng, Ninh Loan... đến đây làm việc. Công việc và mức thu nhập ổn định đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, nhất là đối với người dân tộc thiểu số các xã Vùng Loan.
 
Người dân tộc thiểu số làm việc cho Công ty VinEco Đà Loan. Ảnh: H.Y
Người dân tộc thiểu số làm việc cho Công ty VinEco Đà Loan. Ảnh: H.Y
Hàng trăm việc làm chờ lao động
 
Năm 2015, Tập đoàn Vingroup chính thức công bố gia nhập lĩnh vực nông nghiệp với thương hiệu VinEco. VinEco đầu tư vào nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Farm Đức Trọng ở 2 xã Đà Loan và Tà Hine (Đức Trọng). Cùng với sự phát triển của NNCNC thì lao động là yếu tố quan trọng trong chuỗi hoạt động sản xuất của công ty. Ông Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Farm Đức Trọng, thuộc Công ty VinEco cho biết: “Với nền NNCNC mà công ty hướng đến thì những người lao động làm việc tại đây phải có tác phong công nghiệp, tuân thủ nghiêm các quy trình sản xuất. Vì vậy, chính những công nhân phải có khả năng làm chủ công nghệ sản xuất, quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt của công ty, được hưởng lương và các chế độ như các công nhân kỹ thuật cao làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Khi quá trình sản xuất đi vào ổn định thì công ty sẽ tiến hành đào tạo, hướng dẫn trồng trọt và theo dõi quá trình làm việc của toàn bộ các lao động (chủ yếu là lao động địa phương), đi cùng các quyền lợi để họ trở thành những “công nhân nông nghiệp” thực thụ phục vụ trong nền nông nghiệp tiên tiến”.
 
 Ông K’Hùng, thôn Che Ré, xã Đa Quyn nghe thông tin Công ty VinEco ở Đà Loan tuyển công nhân vào làm nông nghiệp ông đã nộp đơn xin việc ngay. Ông chia sẻ: “Mới đầu vào công ty, cứ nghĩ là nông nghiệp truyền thống của mình thì làm dễ ợt, vào đây rồi mới biết sản xuất NNCNC khó hơn rất nhiều, bỡ ngỡ lắm, nhưng được công ty đào tạo, giờ đã quen việc rồi, đã có tay nghề, các kỹ năng cơ bản về nghề trồng rau nhờ đó mà có thu nhập ổn định cho gia đình”. 
 
Ông Ya Then thôn Đà Thắng (xã Đà Loan) chia sẻ: “Gia đình tôi có diện tích đất rất ít, lại đông con, đời sống còn rất khó khăn, nhưng từ khi Công ty VinEco vào đây, tôi xin đi làm công nhân được gần một năm nay. Công việc ở đây thì vừa sức vì mình là nông dân nên chẳng ngại khó. Công ty trả lương đều đặn 4,5 triệu đồng/tháng, đó là chưa kể khoản bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế được công ty lo”. Còn chị Trần Thị Tuyết Loan, thôn Đà Thọ (Đà Loan) cho hay: Vào làm công nhân ở đây vì công việc đồng áng của gia đình nhàn rỗi, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa được tiếp xúc với nhiều người nên rất vui và mong muốn gắn bó lâu dài với công ty. 
 
Hiện tại, trên 100 lao động của Công ty VinEco đều nhận mức lương từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Với thu nhập này, những người nông dân có được cuộc sống ổn định. Và quan trọng hơn, những “công nhân nông nghiệp” này được làm việc trong một môi trường nông nghiệp hiện đại, có thêm kiến thức trong sản xuất nông nghiệp.
 
Ông Vũ Anh Tuấn cho biết thêm, thời điểm hiện tại công việc mới giai đoạn khởi động nhưng khi Farm Đà Loan và Tà Hine đi vào hoạt động hết công suất với 180 ha sản xuất vào năm 2018 thì nhu cầu tuyển dụng của công ty vào khoảng hơn 1.000 lao động. Công ty cũng cam kết sẽ tuyển 100% là người dân địa phương, nếu thiếu mới tuyển dụng thêm ở các tỉnh, thành khác. Với mong muốn hoạt động của công ty đi vào hiệu quả, công ty cũng sẽ hỗ trợ về nhà ở, hưởng lương tháng thứ 13 và các loại bảo hiểm theo quy định... để người công nhân yên tâm làm việc. Dự kiến đến cuối năm 2017, công ty sẽ tuyển khoảng 600 người lao động, góp phần giải quyết việc làm của địa phương.
 
Thay đổi nền sản xuất 
 
Khi có một công ty nông nghiệp đến làm ăn sẽ thu hút lao động, tạo chuyển biến mạnh mẽ nền sản xuất của địa phương, đồng thời kéo theo đó là dịch vụ thương mại cũng rộng mở, phát triển.
 
Trước đây, người dân, nhất là bà con vùng đồng bào DTTS ở các xã Vùng Loan có đời sống kinh tế khó khăn bởi vẫn giữ phương thức canh tác truyền thống đã lạc hậu... Thế nhưng, từ “luồng gió” mới của các công ty sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp làm thay đổi nhận thức của nông dân nên họ đã chủ động, mạnh dạn chuyển đổi sản xuất để làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
 
Theo ông Đặng Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã Đà Loan, để đưa nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại thì trước hết phải thay đổi văn hóa làm nông nghiệp của nông dân. Bởi nếu không thay đổi được nhận thức, tập quán sản xuất cũ lâu nay thì rất khó có thể áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Đó là cách để họ học tập kinh nghiệm, thay đổi nhận thức và mạnh dạn chuyển đổi sản xuất. Và, Công ty VinEco đã làm được điều đó. Cho đến hiện tại, diện tích sản xuất rau, quả theo hướng NNCNC của xã là 223,54 ha, bao gồm: 26,54 ha nhà kính, nhà lưới sản xuất rau, 26,5 ha gieo ươm giống (của Công ty Rau nhiệt đới, Công ty VinEco và các hộ dân); 100 ha sản xuất tưới phun tự động, 5 ha phủ màng polyme sản xuất rau, quả. 
 
Bà Hứa Thị Xá, thôn Tà Sơn (Tà Năng) đã mạnh dạn chuyển 4 sào diện tích lúa một vụ sang trồng ớt sừng. Nhận thấy thu nhập từ đây cao và ổn định hơn khi để đất trống, bà Xá tiếp tục chuyển đổi thêm 6 sào để trồng cà pháo. Bà Xá nói: “Bây giờ diện tích lúa một vụ bà con chuyển trồng rau màu rất nhiều. Nhờ diện tích này mà kinh tế người nông dân khá hơn nhiều. Đấy cũng là nhờ một phần nông dân học tập chuyển đổi theo các doanh nghiệp”. 
 
Ông Hồ Đăng Thành, Bí thư Đảng ủy xã Đa Quyn cho biết: “Nhiều lao động là người đồng bào DTTS ở Đa Quyn khi làm việc cho các công ty đã có mức thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, họ đã biết áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp trong gia đình. Điều đó góp phần lớn vào quá trình giảm nghèo nhanh, bền vững trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.  
 
HOÀNG YÊN