Giành lại vỉa hè cho người đi bộ: Cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ

05:05, 19/05/2016

Tình trạng lấn chiếm lòng - lề đường thời gian qua trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên, tình trạng này vẫn là vấn đề nóng, cần các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm.

Tình trạng lấn chiếm lòng - lề đường thời gian qua trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên, tình trạng này vẫn là vấn đề nóng, cần các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm.
 
Nhiều tuyến đường bị chiếm dụng làm nơi buôn bán
Nhiều tuyến đường bị chiếm dụng làm nơi buôn bán
Lòng - lề đường, vỉa hè là nơi dành cho phương tiện lưu thông và người đi bộ, song tình trạng này dường như đang ngày một phổ biến, khiến lòng đường, vỉa hè của Đà Lạt vốn nhỏ hẹp nay lại càng chật hẹp hơn.
 
Ông Phạm Tuấn Sơn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt cho hay: “Hiện tại, tình trạng lấn chiếm lòng - lề đường tại thành phố Đà Lạt diễn ra phức tạp. Chỉ mỗi khi thấy bóng dáng của lực lượng chức năng, người vi phạm mới vội vã dọn hết các rổ rau, trái cây, mớ cá,… đem vào khu vực bên trong nhưng một lúc sau thì đâu lại vào đấy.
 
Vì vậy, nơi nào có lực lượng kiểm tra, mạnh tay xử lý thì tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lấn chiếm lòng - lề đường giảm bớt, nơi nào lơ là thì tình trạng này vẫn cứ tái diễn. Mặt khác, hầu hết người vi phạm chủ yếu là những đối tượng buôn thúng bán bưng nên khi bị cơ quan chức năng xử phạt họ thường “bỏ của chạy lấy người” khi tang vật có giá trị thấp hơn mức phạt.
 
Thực tế, đa số những đối tượng chiếm dụng lòng - lề đường, vỉa hè để buôn bán đều ý thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình. Song, họ vẫn cố tình vi phạm, điều này một phần cho thấy chế tài xử lý vẫn chưa thích đáng nên một bộ phận người dân còn xem thường pháp luật.
 
Đại tá Lê Hồng Phong - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, đường phố Đà Lạt nhỏ hẹp, mật độ dân cư đông, lao động tự do vào đây buôn bán, lại là thành phố du lịch, mỗi dịp lễ lượng khách đổ về đây nhiều nên vấn đề trật tự diễn biến khá phức tạp. Quá trình tuần tra, xử phạt những đối tượng buôn bán lấn chiếm lòng - lề đường, vỉa hè gặp không ít khó khăn. Thực tế, ngày càng phát sinh nhiều tuyến đường vi phạm nên không đủ lực lượng để bố trí dàn trải. Với mục tiêu giành lại vỉa hè cho người đi bộ, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố thì phải thực hiện đồng thời nhiều giải pháp, quy trách nhiệm cụ thể đến từng địa phương; yêu cầu các đơn vị kinh doanh, buôn bán, người dân phải cam kết nếu vi phạm sẽ cương quyết xử lý nghiêm. Các phường, xã cần chấn chỉnh lại việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; kiểm tra rà soát các vị trí nóng về lấn chiếm để có biện pháp ra quân xử lý nghiêm.
 
Đặc biệt phải tăng cường cơ sở hạ tầng giao thông, quan tâm tới giải pháp quy hoạch thành phố hợp lý, đồng bộ. Phân loại lại vỉa hè, chẳng hạn đối với những vỉa hè rộng rãi, ngoài việc dành cho người đi bộ, có thể cho phép sử dụng một phần vào một số mục đích cần thiết khác nhưng ở mức độ có kiểm soát và phải quản lý sao cho hài hòa, phù hợp thực tế mỗi nơi. Riêng đối tượng vi phạm là hàng quán, kinh doanh để kiếm thêm lợi nhuận thì cần phải xử lý nghiêm và triệt để, nhằm chấn chỉnh lại trật tự an toàn giao thông và gìn giữ nét mỹ quan đô thị. Bên cạnh việc xử phạt, để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, cơ quan chức năng cần tuyên truyền bằng nhiều hình thức.
 
Theo ông Trương Hữu Hiệp, GĐ Sở GTVT, Phó ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, vừa qua, UBND thành phố đã có công văn chỉ đạo các ban, ngành liên quan đề xuất giải pháp để chấn chỉnh lại trật tự văn minh đô thị trên địa bàn.
 
Hiện tại, các cơ quan chức năng sẽ cùng phối hợp đồng bộ và tăng tần suất kiểm tra, nhằm kéo giảm tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng - lề đường xuống mức thấp nhất có thể. Trong thời gian tới, phải chỉ đạo quyết liệt các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm lấn chiếm lòng đường hè phố, hành lang ATGT; kiên quyết giải tỏa việc họp chợ, kinh doanh buôn bán.
 
Các thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh cùng với UBND thành phố Đà Lạt tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở người dân kinh doanh buôn bán đúng nơi quy định; về lâu dài các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu có kế hoạch bố trí nơi buôn bán hợp lý cho người dân. Đối với những người cố tình lấn chiếm và tái lấn chiếm thì phải cương quyết xử lý nghiêm. Nếu đối tượng chiếm dụng lòng - lề đường, vỉa hè để buôn bán là những người lao động nghèo và họ thực sự có nhu cầu buôn bán để mưu sinh, thì cơ quan chức năng sẽ tạo điều kiện để người dân có nơi buôn bán ổn định và đúng luật.
 
HOÀNG YÊN