Đoàn ĐBQH tiếp xúc cử tri góp ý Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi

11:10, 04/10/2022
(LĐ online) - Sáng 4/10, để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV sắp tới, thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Lâm Đồng và Hội LHPN tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề góp ý Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). 
 
Ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH và bà Phạm Thị Ánh Tuyết – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đồng chủ trì hội nghị
Ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH và bà Phạm Thị Ánh Tuyết – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đồng chủ trì hội nghị
 
Hội nghị dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Tạo – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH, bà Phạm Thị Ánh Tuyết – Chủ tịch Hội LHPN  tỉnh, đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các thành viên Tổ Tư vấn chính sách pháp luật Đoàn ĐBQH, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đại diện lãnh đạo Hội LHPN các huyện, thành phố trong tỉnh, Hội LHPN các xã, phường của TP Đà Lạt, các hội viên, các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình cùng tham dự. 
 
Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 56 điều, có nhiều chỉnh sửa, bổ sung so với Dự thảo lần trước.  Chuyên đề góp ý về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là nội dung rất quan trọng được xã hội quan tâm. Vấn nạn này đã để lại nhiều nỗi đau về cả vật chất lẫn tinh thần cho người vợ, trẻ em, những nạn nhân được coi là đối tượng chịu nhiều hậu quả trực tiếp và nặng nề của bạo lực gia đình. Việc ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi nạn bạo lực chống lại phụ nữ đang là mối quan tâm của tất cả các quốc gia.
 
Các đại biểu góp ý cho Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Các đại biểu góp ý cho Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
 
Đông đảo cử tri là hội viên và cán bộ phụ nữ các cấp, các thành viên Tổ Tư vấn chính sách pháp luật đã tập trung góp ý, đề xuất vào nhiều nội dung quan trọng, cụ thể như: Cần xác định rõ những hành vi bạo lực, các nhóm vấn đề về bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục và các loại bạo lực khác… Cần  quy định rõ tính chất, mức độ hành vi bạo lực gia đình trong luật để Chính phủ quy định chi tiết. Cần rà soát các hành vi bạo lực gia đình trong tổng thể các mối quan hệ trong gia đình truyền thống của Việt Nam, đặc thù của vùng miền. Nghiên cứu bổ sung riêng các hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em; trong đó, có hành vi cưỡng ép, sử dụng các chất kích thích, kể cả rượu, bia và các chất kích thích khác…
 
Có đại biểu góp ý về bổ sung thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã và Tòa án Nhân dân trong việc ra quyết định cấm tiếp xúc, bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”. Cần tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý và kỹ năng để ứng phó với bạo lực gia đình; bảo vệ, hỗ trợ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và người báo tin, tố giác vụ việc bạo lực gia đình. Bổ sung địa chỉ tiếp nhận tin báo tố giác bạo lực gia đình phù hợp với trẻ em như nhà trường, giáo viên… 
 
Tại hội nghị, nhiều đại biểu bày tỏ sự thống nhất cao với các quy định về hòa giải trong phòng, ngừa bạo lực gia đình được quy đinh tại các Điều 17 và 18 của Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Điều này đã thể hiện rõ việc lấy phòng ngừa là chính; đồng thời, hướng dẫn các bên tự nguyện giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp để không làm phát sinh bạo lực gia đình. 
 
Các đại biểu góp ý cho Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Các đại biểu góp ý cho Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
 
Trong quá trình hòa giải phòng, chống bạo lực gia đình,điều quan trọng nhất là phải lấy phụ nữ, người bị bạo lực làm trung tâm, đặt trong mối quan hệ với các đặc điểm văn hóa, quan hệ giới trong xã hội đương đại. Có như vậy, công tác hòa giải mới có thể mang lại hiệu quả thực sự bền vững, hướng tới xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.
 
Có đại biểu nhấn mạnh: với quy định trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi thì trong thời gian không quá 6 giờ phải ra quyết định cấm tiếp xúc, quy định như vậy là quá lâu, không phù hợp. Có ý kiến đề nghị bổ sung tổ trưởng tổ dân phố, cảnh sát khu vực cần có mặt kịp thời để bảo vệ, giải quyết bạo lực gia đình nếu xảy ra…
 
Các ý kiến góp ý thiết thực, tâm huyết của các cử tri là cán bộ, hội viên phụ nữ tham dự sẽ được Đoàn ĐBQH tiếp thu, ghi nhận và tổng hợp, đóng góp vào Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sắp tới./.
 
 
NGUYỆT THU – TUẤN HƯƠNG