Đừng hồ đồ để kẻ xấu lợi dụng

10:05, 26/05/2022
(LĐ online) - Sáng 23/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022. Đặc biệt, sẽ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Nhân dân, ĐBQH về việc quy định môn học Lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục ở cấp trung học phổ thông.
 
 Cũng ngay trong phiên khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Trong đó, nêu rõ, trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét một cách thận trọng, đánh giá khách quan, toàn diện chương trình cải cách giáo dục phổ thông, nhất là việc đưa môn Lịch sử ở bậc THPTlà môn học tự chọn.  
 
 Trước đó, sáng 22/5, tại phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban này đã báo cáo về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông đối với môn Lịch sử bậc THPT. Ủy ban Văn hóa Giáo dục cho rằng môn Lịch sử có vị trí đặc biệt và có ý nghĩa rất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông, học sinh cần được trang bị khối lượng kiến thức này. Vì vậy, cần tiếp thu ý kiến của đông đảo cử tri, Nhân dân theo hướng quy định môn Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với khối lượng kiến thức phù hợp.
 
 Trước khi bước vào Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, tại các cuộc tiếp xúc cử tri trên địa bàn cả nước, nhiều ĐBQH là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã trực tiếp tiếp nhận, chia sẻ những băn khoăn, kiến nghị của nhiều cử tri, Nhân dân về vấn đề này.
 
 Gần đây nhất, ngày 14/5, khi cùng đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng tiếp xúc với cử tri quận Lê Chân, chia sẻ băn khoăn, lo ngại của cử tri về việc đưa Lịch sử thành môn học lựa chọn đối với bậc học THPT, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: "Đây là vấn đề rất lớn, Ủy ban Văn hoá Giáo dục đang làm việc rất tích cực. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ cũng sẽ có báo cáo về vấn đề này để tiếp tục rà soát, đánh giá, nghiên cứu, bởi việc học, hiểu rõ về lịch sử có ý nghĩa hệ trọng đối với sự phát triển của quốc gia, dân tộc".
 
  Ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi với cử tri Hải Phòng cũng lý giải rất rõ vì sao thời gian qua đông đảo cử tri và Nhân dân cả nước có nhiều ý kiến khác nhau về việc đưa Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc THPT.
 
  Không chỉ nêu ý kiến, kiến nghị trực tiếp với các ĐBQH, nhiều lãnh đạo các bộ, ngành cũng bày tỏ ý kiến, tranh luận rất sôi nổi về vấn đề này trên báo chí truyền thông, các trang mạng xã hội... Chính vì vậy, đến nay ý kiến của đông đảo cử tri và Nhân dân theo hướng cần đổi mới cách dạy và học như thế nào, để nâng cao chất lượng, chứ không nên để môn Lịch sử là môn học tự chọn... đã được đưa vào chương trình làm việc của Quốc hội kỳ này, Chính phủ đặc biệt nghiên cứu, tiếp thu...
 
  Có thể thấy, không chỉ với vấn đề dạy và học môn Lịch sử, chính từ những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri và Nhân dân, nhiều đề xuất, kiến nghị về các vấn đề quốc kế dân sinh hệ trọng đã được Đảng, Nhà nước tiếp nhận, nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, phát triển mạnh mẽ của đất nước ta trong những năm qua.
 
  Tuy nhiên, bên cạnh phần lớn những ý kiến quan tâm, trao đổi, tranh luận, góp ý ở nhiều góc độ khác nhau một cách trách nhiệm, tích cực về các vấn đề thiết thân, quan trọng...  trong  cuộc sống, như việc dạy và học môn Lịch sử lần này, còn có những ý kiến tiêu cực, vô trách nhiệm. 
 
  Đáng chú ý là trong đó có cả người là cán bộ, đảng viên khi gặp nhau, nhất là trao đổi, tranh luận trên các hội, nhóm mạng xã hội, có những người mặc dù chỉ là do quan tâm, lo lắng cho con em mình đang ở tuổi “dở dở, ương ương” mà không chọn học sử, không hiểu biết lịch sử nước nhà... sẽ gây ra hậu quả, hệ lụy khó lường... 
 
Nhưng vì “trái tim nóng nhưng đầu cũng nóng”, rồi không tìm hiểu kỹ càng, lại đang bức xúc việc này, việc kia thế là “phát” vô tội vạ, phủ nhận sạch trơn những thành quả, công sức của ngành giáo dục, rồi suy diễn lệch lạc về đường lối, chính sách về giáo dục của nước ta. 
 
Một số vị phán như quan tòa, gán kết đủ các khuyết điểm, “tội lỗi”... từ năng lực, công tác cán bộ, cách thức điều hành cho Bộ trưởng và ngành giáo dục và đào tạo. Một số người chưa rõ đầu đuôi tai nheo ra sao, đài, báo chính thống thì theo dõi bập bõm, nhưng suốt ngày lên mạng xem những trang tin xã hội, một số báo chí nước ngoài đưa thông tin sai lệch, mập mờ... thế là cũng phán theo như “đúng rồi”...
 
Và chỉ đợi có thế, những kẻ cơ hội, chống đối chế độ, thế lực thù địch nhảy vào bình luận xuyên tạc, bóp méo sự việc..., để  nói xấu đất nước, chế độ ta... Thậm chí một số bài báo nước ngoài còn lấy đó làm dẫn chứng cho những luận điệu sai trái của họ.
 
  Đến nay, những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, “đúng nơi, đúng chỗ” về việc dạy và học môn Lịch sử ở bậc THPT đã được Quốc hội, Chính phủ tiếp thu, nghiêm túc nghiên cứu để có quyết định phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân. Chắc hẳn không ít người, trong số những người  nóng vội, hồ đồ “phát” bừa những ý kiến vô trách nhiệm, tiêu cực đã phải hối tiếc vì để những kẻ cơ hội, thế lực phản động... lợi dụng làm hại chính con em mình, quê hương, đất nước mình và đã rút ra cho mình bài học sâu sắc.
 
 Tuy nhiên, đối với những người cố tình phát ngôn, đưa thông tin bừa bãi, vô trách nhiệm, tiêu cực... cho “sướng mồm”, hùa theo hay cố tình câu “like”, hằn học vì những bực bõ cá nhân... cần được các đoàn thể, tổ chức, các cơ quan chức năng... nhắc nhở, giáo dục và kiên quyết xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm theo mức độ vi phạm.      
 
 ĐÈN BIỂN