Chống chạy chức, chạy quyền, tăng cường vai trò giám sát của Nhân dân

06:10, 08/10/2019

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã đề ra yêu cầu và nhiệm vụ là phải có cơ chế để chống chạy chức, chạy quyền...

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã đề ra yêu cầu và nhiệm vụ là phải có cơ chế để chống chạy chức, chạy quyền. Cụ thể hóa nghị quyết này, ngày 23/9/2019 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền (từ đây gọi là Quy định số 205). Đây có lẽ là văn bản đầu tiên về vấn đề này và vì vậy nó cũng nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, nhiều ý kiến bàn tán và đặc biệt là những kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. 
 
Quy định 205 vừa được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành với những nội dung được xem như tuyên ngôn về công tác cán bộ trong thời kỳ mới. Ảnh tư liệu
Quy định 205 vừa được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành với những nội dung được xem như tuyên ngôn về công tác cán bộ trong thời kỳ mới. Ảnh tư liệu
 
Trước hết, Quy định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền thể hiện quyết tâm chính trị về công tác cán bộ của Đảng. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII tới nay là giai đoạn Đảng xử lý nhiều cán bộ nhất, trong đó có trên 70 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Dư luận băn khoăn và tự hỏi rằng công tác cán bộ được xem là chặt chẽ, tầng tầng lớp lớp các cơ quan thực thi, giám sát, vậy thì tại sao những “con voi” kia đã “chui tọt lỗ kim”; phải chăng vì họ biết... chạy. Tất nhiên, để “bắt tận tay, day tận mặt” thì chưa mà chủ yếu phát hiện qua các vụ việc khác như tham nhũng, làm trái quy định của Đảng, Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Rất nhiều cán bộ, trong đó có những cán bộ giữ cương vị cao bị xử lý thời gian qua nhưng thực chất chỉ là xử lý từng con người, từng trường hợp, từng vụ việc cụ thể. Vậy nên, Quy định 205 với những hành vi chạy chức, chạy quyền được chỉ rõ ít nhất có tác dụng điều chỉnh chung đối với những trường hợp vi phạm như nhau.
 
Còn nhớ, ngay khi nước nhà vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Thông lệnh “Tìm người tài đức”. Văn bản nêu rõ: “Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”. Và Người “tự nhận khuyết điểm” với những lời chân tình rằng, đã “nghe không đến, thấy không khắp”, khiến người tài đức chưa được biết tới: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đề xuất sửa đổi khuyết điểm đó: “Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”. Có lẽ vì vậy mà đã có rất nhiều trí thức, quan lại nổi tiếng đã từ bỏ cuộc sống giàu sang để đi với cách mạng, với Nhân dân.
 
Trong thực tế có những kẻ bất tài, vô đức đã bằng mọi cách để leo sâu, trèo cao vào trong bộ máy. Thông thường, con đường đi của những kẻ này là bằng “ngõ sau”, bằng chạy, bằng quỳ. Đối những kẻ vô tài vô đức ấy, chỉ cần leo lên được vị trí còn bất chấp đạo lý. Để chạy được một vị trí lãnh đạo khả dĩ có thể “ăn trên, ngồi trốc” bản thân họ cũng “trờn vi, tróc vảy”. Vì vậy, đa số những kẻ này khi đã nắm quyền lực trong tay chắc chắn sẽ tự tung, tự tác để làm lợi cho mình và phe cánh, “miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Quyền lực, vì vậy, nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ là tác nhân chính làm tha hóa cán bộ, từ đó làm tha hóa, thoái hóa, biến chất cả bộ máy. 
 
 “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”. Đó là lời của bài ký bia tiến sỹ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442) triều Lê Thái Tông. Tất nhiên, để quy định thật sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng cần sự vào cuộc triệt để của triệt để. Trước hết, cần công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, tiến tới thi tuyển công khai để lựa chọn được những người thật sự có đức, có tài vào bộ máy. Trong những năm qua, nhờ báo chí, mạng xã hội mà cơ chế giám sát của người dân đã được thực hiện khá mạnh mẽ và phát huy tác dụng; thế nhưng, đối với quy định này, cần mở rộng hơn nữa vai trò giám sát của Nhân dân. Đặc biệt, những nhà lãnh đạo, những cơ quan có thẩm quyền về công tác cán bộ phải thật sự công tâm, khách quan. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: Tô Hiến Thành là Phụ chính đại thần của nhà Lý, khi ông lâm trọng bệnh. Bấy giờ, trong triều có quan Gián nghị đại phu Trần Trung Tá là người đức độ, tài năng, vì mải lo việc công nên không mấy khi thăm hỏi Tô Hiến Thành. Một vị quan khác là Tham tri chính sự Vũ Tán Đường thì ngày đêm hầu hạ bên cạnh, phụng dưỡng cơm nước thuốc thang. Khi thái hậu hỏi nếu ông có mệnh hệ gì thì ai là người thay thế ông, ai cũng cho rằng ông sẽ chọn Vũ Tán Đường, nhưng ông đã đề cử Trần Trung Tá vì ông ta là người có đủ đức, tài, một lòng lo nghĩ cho xã tắc, đủ sức gánh vác trọng trách mà ông để lại. Thái hậu hỏi ông, khi ông bị bệnh Vũ Tán Đường ngày đêm hầu hạ sao ông lại không đề cử ông ấy. Tô Hiến Thành đã trả lời, nếu thái hậu hỏi thần đề cử người phục dịch thần sẽ đề cử Vũ Tán Đường, nhưng thái hậu hỏi thần về người trị nước thì thần đề cử Trần Trung Tá. 
 
Bằng việc ban hành quy định này, rõ ràng Đảng đã dành sự quan tâm sâu sắc đến nội dung kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực sự mong mỏi và kỳ vọng quy định này sẽ phát huy tác dụng để làm tốt công tác cán bộ, quy hoạch, bổ nhiệm và chọn người đủ đức, tài gánh vác trọng trách của đất nước.
 
VŨ TRUNG KIÊN