Vấn đề đặt ra sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5

08:01, 16/01/2019

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 14 về "Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng" (gọi tắt là Nghị quyết). Ðây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Ðảng về công tác kiểm tra, giám sát, nhằm khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên đối với công tác kiểm tra, giám sát.  

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 14 về “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng” (gọi tắt là Nghị quyết). Ðây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Ðảng về công tác kiểm tra, giám sát, nhằm khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên đối với công tác kiểm tra, giám sát.  
 
Tại Lâm Đồng, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác xây dựng Ðảng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Ðảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.
 
Ðổi mới trong công tác kiểm tra, giám sát
 
Suốt 10 năm thực hiện đồng bộ các biện pháp, Nghị quyết Trung ương 5 khóa X đã tạo ra nhiều đổi mới đáng kể trong việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Trong đó phải kể đến việc cấp ủy các cấp đã tiến hành thực hiện kiểm tra, giám sát đổi mới theo hướng sâu sát cơ sở, chỉ đạo tập trung, kiên quyết, dứt điểm, hiệu quả. Các nội dung kiểm tra tập trung vào việc thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về công tác xây dựng Đảng, Chỉ thị số 03, 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo Bác… Cụ thể, các cấp ủy đảng đã tăng cường kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên với trên 5.600 lượt tổ chức đảng và hơn 21.700 lượt đảng viên. Qua kiểm tra cấp ủy các cấp đã kết luận 511 đảng viên có vi phạm, 28 đảng viên phải thi hành kỷ luật... 
 
Nói về việc đổi mới trong công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng, ông Trần Minh Thức - Bí thư Huyện ủy Đam Rông cho rằng: “Các cấp ủy đảng bước đầu đã kiểm tra, giám sát tổ chức đảng gắn với trách nhiệm người đứng đầu; kịp thời kiểm tra, giám sát, làm rõ những vụ việc phức tạp, nổi cộm ở địa phương, đơn vị mà dư luận quan tâm. Nhìn chung công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng giai đoạn 2007 - 2017 từng bước được triển khai toàn diện, chất lượng và hiệu quả dần nâng lên”.
 
Vấn đề đặt ra sau 10 năm
 
Để công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện công khai, dân chủ, khách quan, chặt chẽ theo đúng nguyên tắc của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 2 quy trình, 11 quy chế, 5 quy định; đồng thời chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy ban hành 3 quy trình, 6 quy định để tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, đảm bảo dân chủ, khách quan, trình tự, thủ tục theo quy định. Trên cơ sở đó, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp ban hành quy trình thuộc thẩm quyền của cấp mình phù hợp với địa phương, đơn vị, nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc, trình tự các bước tiến hành và tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất.
 
Ông Đinh Ngọc Hùng - Bí thư Huyện ủy Đơn Dương cho biết: “UBKT cấp ủy từ huyện đến cơ sở đã chủ động tham mưu cho cấp ủy xây dựng chương trình công tác kiểm tra, giám sát toàn khóa, kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm cho cấp ủy, xác định nội dung, đối tượng, phân công lực lượng tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chất lượng các cuộc kiểm tra ngày càng được nâng cao”.
 
Xác định con người luôn là yếu tố đóng vai trò quyết định trong thực hiện mọi nhiệm vụ, bởi thế Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn chú trọng củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát. 
 
Từ năm 2007 đến nay, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã cử 42 lượt cán bộ, ủy ban kiểm tra cấp huyện và tương đương cử 253 lượt cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Tỉnh ủy đã có quyết định luân chuyển, điều động 22 cán bộ kiểm tra sang công tác ở các ngành, các cấp; luân chuyển, điều động 23 cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, đoàn thể về làm công tác kiểm tra.
 
Ủy ban kiểm tra các cấp đã chủ động kiểm tra trên 3 ngàn tổ chức đảng trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; qua kiểm tra kết luận còn tới trên 700 tổ chức đảng thực hiện chưa tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Còn 146/676 tổ chức đảng được kiểm tra chưa thực hiện tốt việc thi hành kỷ luật trong Đảng. Kiểm tra tài chính Đảng 363 tổ chức đảng về thu chi ngân sách, kết luận số tiền chi sai chế độ hơn 2 tỷ đồng, thu hồi 765 triệu đồng; kiểm tra và có kết luận truy thu 557 triệu đồng liên quan đến vấn đề thu nộp, quản lý, sử dụng Đảng phí…
 
Những con số đó phần nào chứng minh việc sau 10 năm nỗ lực vẫn còn những vấn đề đặt ra trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Còn một số cấp ủy, tổ chức đảng nhận thức chưa đầy đủ, trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát chưa quyết liệt. Vai trò của tổ chức cơ sở đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế; còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Việc tự kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế, các sai phạm chỉ ra chủ yếu do kiểm tra, thanh tra của cấp trên và từ đơn, thư khiếu nại, tố cáo, dư luận, báo chí phản ảnh…
 
Dựa trên những vấn đề còn tồn tại, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã xác định 8 nhóm giải pháp chính nhằm tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp, trọng tâm là kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các cấp, các ngành, địa phương, nhất là trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị.
 
NGỌC NGÀ


Liên kết hữu ích