Nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri

08:05, 04/05/2016

Chương trình hành động của người ứng cử vừa là kế hoạch, là sự thể hiện cam kết sẽ thực hiện các yêu cầu và đề xuất của cử tri nếu được bầu; đó cũng là tiêu chí để cử tri đánh giá trình độ, năng lực của ứng cử viên...

Bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, các cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử. Thời điểm này, mỗi ứng cử viên (ƯCV) phải có Chương trình hành động cụ thể để thực sự là đại diện tiếng nói của cử tri.
 
Ngày 26/4, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã công bố danh sách ứng cử ĐBQH khóa XIV tại tỉnh Lâm Đồng là 13 người (trong đó có 3 đại biểu Trung ương giới thiệu) để bầu 7 đại biểu. Ủy ban Bầu cử của tỉnh đã công bố chính thức 129 ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐBHĐND) tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021, để bầu 76 đại biểu. Ủy ban Bầu cử cấp huyện, thành phố đã công bố 718 ƯCV để bầu 428 đại biểu; Ủy ban Bầu cử cấp xã, phường công bố 6.992 ƯCV để bầu 4.165 đại biểu. Đây là những người xứng đáng cả về phẩm chất đạo đức và năng lực; đều thể hiện sự gương mẫu, tinh thần cầu thị tại nơi cư trú. Do vậy, được cử tri ủng hộ và tín nhiệm cao.
 
Theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND, kể từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ là thời gian để các ứng cử viên tiến hành vận động bầu cử. Thời điểm này, mỗi ƯCV phải có Chương trình hành động cụ thể và thông qua đó gửi những thông điệp của mình đến với đông đảo cử tri.
 
Xây dựng Chương trình hành động
 
Chương trình hành động của người ứng cử vừa là kế hoạch, là sự thể hiện cam kết ƯCV sẽ thực hiện các yêu cầu và đề xuất của cử tri nếu được bầu; đó cũng là tiêu chí để cử tri đánh giá trình độ, năng lực của ƯCV, giúp cử tri nhận ra “bản sắc” của ƯCV và quyết định có bỏ phiếu cho ƯCV đó hay không. Đồng thời, vừa là cơ sở để cử tri giám sát việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu sau khi được bầu,… Vì vậy, Chương trình hành động phải đảm bảo thể hiện được ý thức, mối liên hệ chặt chẽ giữa ƯCV và mối quan tâm của cử tri. 
 
Chương trình hành động có tầm quan trọng như vậy, nên các ƯCV cần đầu tư công sức thu thập những thông tin cần thiết về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đặc điểm văn hóa của địa phương; những thuận lợi cần được phát huy, những khó khăn, bức xúc cần tháo gỡ; những chính sách liên quan tới những vấn đề địa phương đang tập trung giải quyết; những tâm tư, nguyện vọng, các kiến nghị, đề xuất mà cử tri đề đạt với chính quyền… Trên cơ sở đó, xác định các vấn đề cần được quan tâm, các thứ tự ưu tiên; đưa ra các giải pháp mà ƯCV cho rằng đó là những nhiệm vụ và giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề đặt ra trong địa bàn ứng cử. Đặc biệt, cần chú ý những điểm nhấn phù hợp với mối quan tâm của cử tri và khả năng thực hiện của ƯCV; không nên có những lời nói sáo rỗng, những lời hứa mà mình chưa chắc đã làm được. Chương trình hành động độc đáo, thể hiện rõ bản sắc của ƯCV sẽ được cử tri nhìn nhận đánh giá cao, gây ấn tượng đậm nét và tin tưởng, đặt niềm tin khi cầm lá phiếu bầu trên tay. 
 
Hơn nữa, mỗi ƯCV chỉ hoạt động ở một lĩnh vực, khả năng hiểu biết cũng như kinh nghiệm cũng có giới hạn; do đó không thể và không có khả năng tham gia giải quyết tất cả mọi vấn đề cử tri đặt ra mà cần phải xác định những vấn đề quan trọng được phần lớn cử tri tại địa bàn ứng cử quan tâm; những vấn đề mà Quốc hội, HĐND có trách nhiệm phải giải quyết; vấn đề mà bản thân ƯCV hiểu rõ nhất, thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình và mình có khả năng tham gia tác động, đề xuất ý kiến. 
 
Đồng thời, mỗi ƯCV sẽ tham gia tiếp xúc cử tri tại nhiều điểm, mỗi điểm có tình hình khác nhau, nên tùy từng địa bàn mà thay đổi, bổ sung nội dung cho phù hợp với đối tượng, nhưng cần lưu ý nội dung cơ bản phải thống nhất, tránh thay đổi quá nhiều thiếu tính nhất quán.
 
Tại mỗi điểm tiếp xúc cử tri, từng ƯCV lần lượt trình bày Chương trình hành động của mình, do đó, cần xây dựng và trình bày Chương trình hành động một cách ngắn gọn, súc tích, chuyển tải đến cử tri những thông điệp cốt lõi nhất, thuyết phục nhất.
 
Thực hiện vận động bầu cử 
 
Các ƯCV được quyền vận động bầu cử theo luật, nên phải nắm chắc các quy định về vận động bầu cử trong Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND. Thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ.
 
Việc vận động được tiến hành bằng các hình thức: (1) Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử; (2) Thông qua phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 67 của Luật này.
 
Những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử: Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình; Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.
 
Trong tiếp xúc cử tri, các ƯCV cần lưu ý một số điều như: Tìm hiểu cử tri của buổi tiếp xúc là đối tượng nào; có bao nhiêu người tham dự; những ƯCV nào cùng tham gia; thời gian dành cho từng ƯCV trình bày Chương trình hành động; thời gian dành cho cử tri đặt câu hỏi và trả lời của ƯCV,... Một điều hết sức quan trọng là các ƯCV phải tạo được ấn tượng tốt đẹp ngay đầu tiên tiếp xúc cử tri, cũng như trong suốt quá trình vận động bầu cử, đặc biệt là khi trình bày Chương trình hành động. Hình ảnh ƯCV tạo được ấn tượng thông qua thái độ, cử chỉ, cách ứng xử, kỹ năng trình bày, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng trả lời…
 
Cùng với việc chuẩn bị, xây dựng Chương trình hành động, việc tiến hành vận động bầu cử thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri là những công việc hết sức quan trọng trong quá trình bầu cử, là công cụ hiệu quả giúp ƯCV thuyết phục được cử tri bầu cho mình. Điều đó đòi hỏi ƯCV phải dành thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc xây dựng chương trình hành động cũng như thực hành các kỹ năng và sự tự tin trong tiếp xúc cử tri để đảm bảo sự thành công.
 
Chất lượng các cuộc tiếp xúc còn liên quan đến vai trò, ý thức trách nhiệm… của các cử tri. Điều này đòi hỏi các cử tri phải nắm vững vị trí, vai trò, nhiệm vụ và tiêu chuẩn của ĐBQH, ĐBHĐND các cấp; trách nhiệm của đại biểu đối với cử tri; trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân…Đồng thời, cử tri cũng cần có đầy đủ thông tin các ƯCV về các mặt; nghiên cứu kỹ Chương trình hành động của các ƯCV; nắm rõ chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tình hình địa phương, những vấn đề quan trọng, thiết yếu, những khó khăn, bức xúc… liên quan đến đời sống nhân dân để đặt câu hỏi chất vấn các ƯCV. Đặc biệt, phải khắc phục tình trạng tổ chức tiếp xúc cử tri mang tính thủ tục, qua loa, hình thức; hoặc lợi dụng tiếp xúc cử tri để phê phán, chỉ trích, tuyên truyền những quan điểm, tư tưởng sai trái, lệch lạc theo các luận điệu chống phá của kẻ thù… 
 
Tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc trước khi bầu cử là điều kiện, tiền đề hết sức quan trọng để các cử tri hiểu đầy đủ, thấu đáo các ƯCV; từ đó sáng suốt lựa chọn những người thực sự xứng đáng để bầu làm ĐBQH khóa XIV, ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
 
BAN BIÊN TẬP