Ph.Ăng-ghen - Lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới

09:11, 27/11/2015

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 195 năm ngày sinh Ph.Ăng-ghen - một thiên tài của nhân loại. Ăng-ghen sinh ngày 28/11/1820 tại thành phố Barmen, tỉnh Ranh, Vương quốc Phổ, trong một gia đình chủ xưởng dệt...

 I. ĂNG GHEN - NHÀ TƯ TƯỞNG VĨ ĐẠI CỦA NHÂN LOẠI
 
Năm nay, chúng ta kỷ niệm 195 năm ngày sinh Ph.Ăng-ghen - một thiên tài của nhân loại. Ăng-ghen sinh ngày 28/11/1820 tại thành phố Barmen, tỉnh Ranh, Vương quốc Phổ, trong một gia đình chủ xưởng dệt. Tuy xuất thân từ một gia đình tầng lớp trên, nhưng Ăng-ghen đã dành tất cả tình cảm và trí tuệ của mình cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, trở thành một trong những nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc nhất trong lịch sử nhân loại. Ông là người bạn, người đồng chí gần gũi nhất của Các Mác và cùng với Các Mác sáng lập nên chủ nghĩa Mác, học thuyết khoa học và cách mạng, hệ tư tưởng cách mạng của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh xóa bỏ chế độ tư bản, xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa. 
 
Vào đầu những năm 40 thế kỷ 19, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân vẫn còn mang tính tự phát, chưa nhận thức được lợi ích giai cấp và sứ mệnh lịch sử cao cả của mình. Nhu cầu cấp thiết lúc này là cần có một học thuyết cách mạng chỉ đường, giúp phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân từ tự phát trở thành tự giác, hoàn thành sứ mệnh lịch sử vĩ đại của mình. Trong bối cảnh đó, Các Mác và Ph.Ăng-ghen đã dày công nghiên cứu, kế thừa những tinh hoa tư tưởng của nhân loại; đồng thời tắm mình vào thực tiễn phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân thế kỷ 19, để xây dựng nên chủ nghĩa Mác, một học thuyết mang tính khoa học và cách mạng, bao gồm triết học Mác-xít, kinh tế chính trị học Mác-xít và chủ nghĩa xã hội khoa học… Đây là những cơ sở lý luận khoa học, là vũ khí tư tưởng cho cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân. 
 
Từ khi cuộc đời Mác và Ăng-ghen gắn liền với nhau, sự nghiệp của hai ông đã trở thành sự nghiệp chung. Sau khi Mác qua đời, Ăng-ghen đã dành thời gian, công sức, trí tuệ  để thực hiện một công việc vô cùng nặng nề, mà chỉ có ông mới có thể làm được là chỉnh lý, biên tập và cho xuất bản quyển II, quyển III Bộ “Tư bản” mà Mác để lại dưới dạng các bản thảo. Đây là tác phẩm lớn nhất, vĩ đại nhất của Các Mác và chủ nghĩa Mác. Bằng việc làm này, “Ăng-ghen đã dựng cho người bạn thiên tài của ông một đài kỷ niệm trang nghiêm, trên đó Ăng-ghen cũng không ngờ là đã khắc luôn cả tên mình bằng những chữ không bao giờ phai mờ được” như Lê nin đã nhận xét. 
 
Ăng-ghen đã cùng Các Mác nhiệt tình truyền bá tư tưởng cách mạng, xây dựng các tổ chức cách mạng, trở thành lãnh tụ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân các nước châu Âu ở nửa cuối thế kỷ 19. Lênin cho rằng “không thể hiểu chủ nghĩa Mác và không thể trình bày chủ nghĩa Mác một cách hoàn chỉnh nếu không chú ý đến những tác phẩm của Ph.Ăng-ghen”. Đồng thời, Ăng-ghen đã không biết mệt mỏi để tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ tư tưởng của Mác trước sự tấn công, xuyên tạc của các lực lượng thù địch; kiên quyết phê phán, lên án khuynh hướng và những mưu toan biến học thuyết do các ông sáng lập trở thành một mớ những công thức giáo điều, cứng đơ, bất biến. Ông cũng đấu tranh không khoan nhượng với những ai coi thường sự tiến bộ của khoa học, những điều kiện mới và những nhu cầu mới của xã hội; đồng thời sẵn sàng xem xét lại cả những quan điểm lý luận của chính mình khi thời cuộc thay đổi và cuộc sống đặt ra những vấn đề mới. Đây thật sự là quan điểm biện chứng và phong cách của một nhà khoa học, một nhà cách mạng chân chính. 
 
Không chỉ là nhà tư tưởng vĩ đại, cũng như Các Mác, Ăng-ghen đã bằng nghị lực phi thường, trí tuệ sáng suốt và trái tim nhiệt huyết của mình tham gia phong trào cách mạng, dũng cảm đấu tranh cho sự nghiệp của giai cấp công nhân qua các thời kỳ cách mạng 1948-1949 ở châu Âu, thời kỳ hoạt động của Quốc tế I và Công xã Paris; đã đấu tranh không khoan nhượng chống lại những khuynh hướng cải lương và biệt phái để thống nhất hàng ngũ quốc tế; là người đỡ đầu, giúp đỡ và có ảnh hưởng to lớn đến hoạt động của các tổ chức đảng cánh tả ở nhiều nước châu Âu. 
 
Với tình cảm mãnh liệt, trí tuệ sáng suốt, tầm hiểu biết sâu rộng và sự lăn lộn trong thực tiễn phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản, Ăng-ghen đã có những cống hiến đặc biệt to lớn trên các lĩnh vực triết học, lịch sử, khoa học tự nhiên, khoa học quân sự, chiến lược và sách lược đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản. Trong hệ thống tác phẩm đồ sộ của mình, Ăng-ghen vừa thể hiện phẩm chất của một lãnh tụ, người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản, người chiến sĩ trung thành, tận tụy chiến đấu cho sự tiến bộ xã hội; vừa là một nhà bác học bách khoa, nhà lý luận quân sự thiên tài của giai cấp vô sản và loài người tiến bộ. Các Mác đánh giá rất cao những kiến thức bách khoa của Ăng-ghen. Ông xứng đáng là “cây vĩ cầm thứ hai” bên cạnh Các Mác. Những tư tưởng vĩ đại của Ăng-ghen là khoa học thực sự và cách mạng triệt để, có giá trị bền vững và sức sống mạnh liệt trước mọi thử thách, đã và đang soi sáng cho giai cấp vô sản, nhân loại tiến bộ tiến lên phía trước, hướng tới một tương lai tốt đẹp. Đó là những tư tưởng có ý nghĩa thời đại rất to lớn:
 
Thứ nhất, bằng học thuyết của mình, Ăng-ghen đã cùng với Các Mác trang bị cho giai cấp vô sản và nhân dân tiến bộ trên thế giới một thế giới quan, phương pháp luận khoa học, cách mạng để nhận thức sự vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và con người. Đó không chỉ là bước ngoặt cách mạng trong triết học, mà còn là bước nhảy vọt về nhận thức của giai cấp vô sản, nhân dân lao động; từ đó giúp cho nhân loại nhận thức sâu sắc hơn về sức mạnh vô địch của con người, đặc biệt là của quần chúng nhân dân.
 
Thứ hai, Ăng-ghen đã cùng Các Mác xây dựng nên hệ thống tri thức khoa học - một hệ thống phương pháp có tính nguyên tắc trong cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, soi sáng cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động tiến lên chủ nghĩa xã hội. “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, đã thức tỉnh và định hướng nhận thức của giai cấp vô sản và những người bị áp bức, bóc lột trên thế giới đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa cộng sản.
 
Thứ ba, các công trình của Ăng-ghen, đặc biệt tác phẩm “Chống Đuy-rinh” và “Biện chứng của tự nhiên”, đã trực tiếp đề cập đến phương pháp luận phát triển của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, nền tảng lý luận cho sự phát triển của khoa học; đặc biệt là sự nhận thức và sự định hướng đối với cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, nhằm khắc phục các nhận thức sai lầm về vai trò của cuộc cách mạng đó. Từ đó, giúp chúng ta hiểu rằng: mỗi thành tựu mới của nhân loại luôn gắn liền với kết quả của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, nó là thành tựu chung mà mỗi dân tộc, mỗi con người có quyền kế thừa và có nghĩa vụ bảo vệ, phát triển.      
 
Thứ tư, Ăng-ghen là người đầu tiên xây dựng hệ thống quan điểm, lý luận trong lĩnh vực quân sự của giai cấp vô sản và các lực lượng cách mạng tiến bộ về các vấn đề liên quan đến nguồn gốc, bản chất chiến tranh; sự khác nhau căn bản về chiến tranh xâm lược và chiến tranh tự vệ; những gợi mở bước đầu của lý luận về chiến tranh nhân dân; những vấn đề rất cơ bản về quân đội, bản chất giai cấp và sức mạnh chiến đấu của quân đội; về vai trò của vũ khí, kỹ thuật, mối quan hệ giữa con người và vũ khí… Hệ thống những quan điểm, tư tưởng lý luận đó vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay.
 
Ph.Ăng-ghen - nhà bác học, người thầy lỗi lạc bậc nhất, vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 5/8/1895. Đánh giá về Ăng-ghen, Lê-nin đã viết: “Sau bạn ông là Các Mác, Ăng-ghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh. Từ ngày mà vận mệnh đã gắn liền Các Mác và Phri-đrích Ăng-ghen thì sự nghiệp suốt đời của hai người bạn ấy trở thành sự nghiệp chung của họ. Cho nên muốn hiểu Phri-đrích Ăng-ghen đã làm gì cho giai cấp vô sản thì phải nhận rõ ý nghĩa của học thuyết và hoạt động của Mác đối với sự phát triển của phong trào công nhân hiện đại” (Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, t 2, 1978, tr 3). Cùng với giai cấp công nhân và những người cộng sản trên toàn thế giới, giai cấp công nhân và những người cộng sản Việt Nam tự hào và biết ơn vô hạn đối với Ph.Ăng-ghen, nhà tư tưởng, lãnh tụ vĩ đại của mình.
 
II. TƯ TƯỞNG CỦA PH.ĂNG-GHEN ĐỐI VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM
 
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta, các phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân ta diễn ra liên tục và sôi nổi nhưng đều đi đến thất bại. Cách mạng Việt Nam chìm trong cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước và đã tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lê-nin về lý luận cách mạng cứu nước, cứu dân. Từ đó, Người tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam; kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin với chủ nghĩa yêu nước, phong trào công nhân và phong trào yêu nước; đào tạo, huấn luyện cán bộ, sáng lập nên Ðảng Cộng sản Việt Nam để lãnh đạo cách mạng của nhân dân ta. 
 
85 năm ra đời và phát triển, Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trung thành với những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của cách mạng nước ta, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, đưa cách mạng Việt Nam hòa vào phong trào cách mạng của thế giới; tập hợp, đoàn kết, phát huy được sức mạnh to lớn của nhân dân, của toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, tạo thành sức mạnh to lớn vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi vĩ đại. Đó là: đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do và CNXH; đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đó là bằng chứng hùng hồn, sinh động khẳng định sự đúng đắn, vai trò và ý nghĩa to lớn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mà Ph.Ăng-ghen là một trong những lãnh tụ sáng lập.  
    
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, CNXH bước vào giai đoạn khó khăn, nhưng Đảng ta vẫn khẳng định kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Thực tiễn phát triển của đất nước cho thấy, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có ý nghĩa sống còn của cách mạng, nhưng đổi mới không phải là phủ định thành tựu và cách làm trước đây, mà là khẳng định cái đúng, loại bỏ cái sai, hoặc những cái hiện nay không còn phù hợp, đồng thời bổ sung nhận thức mới và cách làm mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cách mạng đặt ra. Đổi mới không phải từ bỏ mục tiêu CNXH mà làm cho CNXH được nhận thức đúng đắn hơn, xây dựng hiệu quả hơn. Đổi mới không phải là xa rời chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển học thuyết, tư tưởng đó; lấy đó làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng, làm cơ sở để đánh giá tình hình và hoạch định đường lối, chính sách đúng đắn. 
 
Trong quá trình cách mạng, nhất là trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin phù hợp thực tế Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại, đặc biệt là tư tưởng cách mạng của Ăng-ghen về phương pháp luận phát triển của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, để xây dựng nền tảng lý luận đối với cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, giải quyết đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa khoa học với sản xuất, đời sống xã hội và con người; không ngừng phát triển, hoàn thiện lý luận thành sức mạnh hiện thực về chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự và xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại để giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược; xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh, có tầm trí tuệ, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đủ sức giải quyết những vấn đề của đất nước đặt ra; phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. 
 
Mặc dù hiện nay hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng những mâu thuẫn lớn của thời đại vẫn còn rất gay gắt. Các cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, chạy đua vũ trang... vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi. Điều đó càng chứng tỏ tính thời đại trong luận điểm của Ăng-ghen: “Còn chủ nghĩa đế quốc thì còn chiến tranh”. Vì thế, các dân tộc yêu chuộng tự do và hòa bình vẫn cần luôn nâng cao cảnh giác, chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức của các thế lực hiếu chiến và phản động quốc tế. Vận dụng tư tưởng đó, cách mạng Việt Nam bên cạnh tập trung phát triển kinh tế, đẩy mạnh CNH, HĐH, còn phải chủ động xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc; xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, vững mạnh về mọi mặt, đủ sức đối phó thắng lợi trước các âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch.
 
Kể từ khi ra đời đến nay, chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã nhiều lần bị các trào lưu tư tưởng khác phê phán, đả kích. Ngày nay, sau sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Ðông Âu, các thế lực phản động trên thế giới và một số phần tử cơ hội chính trị trong nước lại được dịp đẩy mạnh phê phán, xuyên tạc, vu cáo, phủ định chủ nghĩa Mác - Lê-nin và vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản, bác bỏ con đường XHCN... Nhưng những việc làm đó của kẻ thù cũng không làm thay đổi được bản chất của thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH; không làm thay đổi con đường mà Các Mác và Ph.Ăng-ghen đã chỉ ra và nhiều quốc gia, dân tộc, nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột, những lực lượng tiến bộ trên thế giới vẫn đang đấu tranh cho lý tưởng cao đẹp đó. 
 
Tuy nhiên, việc trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê-nin phải trên quan điểm phát triển và sáng tạo, bởi như Ăng-ghen đã khẳng định: chân lý bao giờ cũng cụ thể và cách mạng là sáng tạo. Vì vậy, trong quá trình nhận thức và vận dụng các nguyên lý cơ bản của Ăng-ghen vào cuộc sống, không nên tuyệt đối hóa một nội dung nào đó, để tránh rơi vào máy móc, phiến diện. Điều cốt yếu là phải từ các nguyên tắc, phương pháp luận chung mà các ông đã vạch ra, những người cách mạng phải căn cứ vào tình hình của mỗi nước ở từng thời điểm cụ thể để có chiến lược và sách lược đúng đắn; đồng thời bổ sung những vấn đề mới của thời đại đặt ra, bảo đảm đi đến thắng lợi cuối cùng. Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam là kết quả của việc vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta.
 
Đã gần 2 thế kỷ trôi qua, nhưng đến nay Ăng-ghen vẫn luôn là một vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một bậc thiên tài trong lịch sử nhân loại. Cùng Các Mác - Lênin - Hồ Chí Minh, những tư tưởng của Ăng-ghen về chủ nghĩa xã hội khoa học đến nay vẫn giữ nguyên giá trị và tính thời sự; tiếp tục định hướng, soi đường cho giai cấp vô sản, các đảng cộng sản chân chính và loài người tiến bộ quá độ lên CNXH. Riêng đối với công cuộc đổi mới của đất nước ta, lại càng có ý nghĩa quan trọng trên nhiều mặt, đặc biệt là việc tăng cường vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh xu thế hội nhập toàn cầu, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng nền dân chủ XHCN với Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, hướng đến mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thực hiện thắng lợi mục tiêu đó là cách tốt nhất, thiết thực và có ý nghĩa nhất để kỷ niệm, bày tỏ sự kính phục, lòng biết ơn đối với Ph.Ăng-ghen vĩ đại.
 
VĂN NHÂN