Quyền con người trong Tuyên ngôn Độc lập

09:09, 02/09/2015

Quyền con người, cũng như vấn đề dân chủ, độc lập, tự do, bình đẳng, bác ái là những vấn đề rất lớn và rất nhạy cảm. Đó là thành quả phát triển lâu dài của các dân tộc, là khát vọng cháy bỏng của nhân loại...

Quyền con người, cũng như vấn đề dân chủ, độc lập, tự do, bình đẳng, bác ái là những vấn đề rất lớn và rất nhạy cảm. Đó là thành quả phát triển lâu dài của các dân tộc, là khát vọng cháy bỏng của nhân loại. Bởi vậy, biết bao thế hệ người Việt Nam đã không ngại gian khổ, hy sinh đứng lên giành độc lập dân tộc, bảo vệ non sông đất nước và đang cống hiến hết sức mình cho sự tồn tại và phát triển đất nước. Trong dòng chảy của lịch sử tư tưởng Việt Nam về quyền con người, Bác Hồ là người tiếp cận một cách khoa học, đầy đủ và nhân văn.
 
Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập (ảnh tư liệu)
Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập (ảnh tư liệu)
 
Trong tư tưởng cách mạng của Bác Hồ, vấn đề quyền con người, quyền công dân chiếm vị trí quan trọng, thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn đầy sáng tạo giữa tư tưởng của các nhà Mác-xít tiền bối và truyền thống lâu đời của dân tộc, giữa lý luận và thực tiễn. Nó bắt đầu bằng Bản yêu sách của nhân dân An Nam do Người khởi thảo năm 1919 và phát triển đến đỉnh cao xán lạn là Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945.
 
Mở đầu Tuyên ngôn Độc lập, Người viết:
 
“Hỡi đồng bào cả nước.
 
Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
 
Không phải ngẫu nhiên mà ở ngay dòng mở đầu, Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Bác Hồ tuyên đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 lịch sử, lại trích dẫn những tư tưởng nhân bản, nhân văn nổi tiếng trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1789. Vì Bác Hồ đã nhìn thấy trong hai bản tuyên ngôn này những giá trị vững bền, là cơ sở pháp lý và đạo lý mà Pháp, Mỹ và cả thế giới không thể phủ nhận. Từ đó, Bác suy rộng ra và khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Đây cũng là cách tốt nhất để vạch trần những mâu thuẫn trắng trợn giữa lời nói và việc làm của chủ nghĩa thực dân đế quốc: “Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp nước ta, áp bức đồng bào ta”. Ngoài ra, Tuyên ngôn đã đặt những giá trị dân chủ, nhân quyền được khởi xướng từ hai cuộc cách mạng của nhân dân Mỹ và Pháp lên tầm cao của nền văn minh nhân loại, đồng thời đặt nhân dân và chính quyền hai nước Pháp và Mỹ vào sự lựa chọn lịch sử đối với nền độc lập vừa giành lại được của Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa là đặt họ vào sự lựa chọn thái độ đối với những giá trị văn hóa đáng tự hào của chính đất nước và dân tộc mình.
 
Bản Tuyên ngôn Độc lập do Bác Hồ đọc ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, đã khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.
 
Có thể nói, bản Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 là một trang vẻ vang trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nó chấm dứt chính thể quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức. Nó mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước. Với Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ không chỉ trịnh trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của Nhà nước Việt Nam mới mà còn biểu dương lực lượng và ý chí của toàn thể dân tộc Việt Nam, quyết tâm giữ vững nền độc lập, tự do của mình. Với Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ đã nâng vấn đề quyền tự nhiên của con người lên một tầm cao mới về chất, dưới ánh sáng của thế giới quan khoa học, phản ánh đúng thực trạng đặc thù của dân tộc Việt Nam. Đây là một nhận thức hết sức đúng đắn của Người về mối quan hệ biện chứng giữa tự do cá nhân và tự do của cộng đồng, giữa giải phóng cá nhân và giải phóng toàn xã hội. Theo Người, muốn giải phóng xã hội, muốn xã hội phát triển, thì trước hết phải giải phóng toàn diện cá nhân - con người, phát huy cao độ khả năng tiềm tàng trong mỗi cá nhân. Làm được như vậy, quyền con người được hiện thực hóa.
 
Bảy mươi năm đã trôi qua kể từ khi Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, hạt ngọc lung linh trong bản Tuyên ngôn là quyền cơ bản của con người và quyền cơ bản của các dân tộc vẫn tiếp tục tỏa sáng trong lòng nhân loại yêu chuộng hòa bình. Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 là một đóng góp mới vào tư tưởng nhân quyền của thời đại ngày nay. Trong Tuyên ngôn Độc lập, nhiều tư tưởng cách mạng, tiến bộ về độc lập dân tộc, về quyền con người và quyền công dân của cách mạng dân chủ tư sản đã được kế thừa và phát triển một cách sáng tạo. Lần đầu tiên, các quyền cá nhân được mở rộng thành quyền dân tộc, đó là quyền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự quyết của các dân tộc thuộc địa.
 
Mỗi lần kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, mỗi lần đọc lại chúng ta vẫn thấy rõ sức sống và vẹn nguyên giá trị thời đại của Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và giọng nói ấm áp của Bác Hồ như vẫn vang vọng đâu đây: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”.
 
KHUẤT MINH PHƯƠNG