Sức hút của sản vật Tây Nguyên

06:01, 11/01/2020

Giá trị và sức hút của sản vật Tây Nguyên là hiển nhiên, điều không cần phải bàn cãi...

Giá trị và sức hút của sản vật Tây Nguyên là hiển nhiên, điều không cần phải bàn cãi. Tuy thế, khai thác được những tiềm năng ấy cho thật hiệu quả, để một mặt nâng cao giá trị kinh tế của sản vật Tây Nguyên, mặt khác tạo ra loại hình văn hóa ẩm thực bản địa độc đáo phục vụ du khách, lại rất cần sự tiếp sức phù hợp.
 
Các cô gái Tây Nguyên giới thiệu ẩm thực của dân tộc mình
Các cô gái Tây Nguyên giới thiệu ẩm thực của dân tộc mình
 
“Săn” sản vật Tây Nguyên
 
Ông K’Hoa, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Điền, huyện Di Linh, cho rằng: “Nếu có cách nào đó để đẩy nhanh quá trình tái tạo lá non thì cây rau bép - một sản vật bản địa Tây Nguyên - sẽ tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Thực tế, tại địa phương chúng tôi, mỗi ngày kiếm khoảng 300 ngàn đồng từ việc đi thu hái lá bép về đem bán, hoàn toàn nằm trong tầm tay”. Tỏ rõ sự đồng tình với ông K’Hoa, anh K’Brooke, xã Gung Ré, huyện Di Linh, cho hay: “Tôi đang cung cấp các loại rau quả của người K’Ho cho thị trường Đà Lạt. Rất nhiều thực khách đã có những phản hồi, đánh giá tích cực về các sản vật Tây Nguyên”.
 
Theo anh K’Brooke, với việc nhiều người bắt đầu quan tâm đến nông nghiệp sinh thái, các sản vật Tây Nguyên cũng trở nên thu hút sự chú ý của thực khách. Bởi sản vật Tây Nguyên là thực phẩm sinh thái, sinh trưởng trong môi trường tự nhiên, không bị con người tác động bằng các hóa chất kích thích sinh trưởng và phụ chất bảo quản, nên rất tốt cho sức khỏe. “Chồng tôi bị dị ứng hóa chất. Vì vậy, thực phẩm an toàn, sạch hóa chất luôn là ưu tiên số một” - bà Tôn Nữ Mộng Loan, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, nói về việc mình thường xuyên chọn mua những sản vật Tây Nguyên cho bữa ăn gia đình. Còn bà Nguyễn Thị Mới, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Dịch vụ Môi trường Lâm Đồng, tâm sự: “Ngoài sạch hóa chất, các sản vật Tây Nguyên còn rất giàu giá trị dinh dưỡng. Mùi vị thơm, ngon, lạ cũng là lý do để các sản vật ấy thuyết phục thực khách tìm đến, chọn làm thực phẩm. Trong các sản vật Tây Nguyên, tôi đặc biệt chú ý đến ớt, rau bép, rau dớn... Một khi đã ăn loại ớt mọc hoang ở Tây Nguyên rồi thì chắc chắn không thể ăn được các loại ớt khác nữa. Bởi ớt Tây Nguyên có mùi cay thanh, vị thơm đượm đặc trưng mà những loại ớt khác không thể sánh. Rau bép cũng vậy, chứa rất nhiều dưỡng chất thơm ngon”. Chính vì bị thuyết phục bởi mùi vị và giá trị dinh dưỡng của những sản vật này, bà Mới đã đứng ra phân phối chúng cho các siêu thị ở Hà Nội. Nhờ đó, các sản vật Tây Nguyên lại càng được nhiều thực khách biết đến. 
 
Thực khách lựa chọn rau bép để chế biến món ăn
Thực khách lựa chọn rau bép để chế biến món ăn
 
Khó mở rộng thị trường
 
Mấy năm trở lại đây, giá trị các sản vật từ rừng được nâng lên đáng kể, theo sự phát triển của loại hình du lịch văn hóa sinh thái. Trong thực đơn của nhiều nhà hàng và khu du lịch tại Lâm Đồng như Khu Du lịch rừng Madagui (huyện Đạ Huoai), Khu Du lịch thác Đam B’ri (TP Bảo Lộc), Khu Du lịch Lang Biang (huyện Lạc Dương)..., các món ăn chế biến từ những sản vật của rừng nghiễm nhiên trở thành đặc sản, thu hút nhiều thực khách. Nhạc sĩ Krajan Dick, người chuyên tổ chức các sự kiện biểu diễn văn hóa cồng chiêng phục vụ du khách dưới chân núi Lang Biang, thừa nhận: “Ẩm thực bản địa của người K’Ho là một lý do thu hút du khách đến với Lạc Dương, bên cạnh văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”.
 
Giá cả những món ăn này là không hề rẻ. “1 bó đọt mây rừng hiện có giá 30 ngàn đồng, 1 kg lá bép giá dao động từ 50 - 120 ngàn đồng, tôm suối giá 500 ngàn đồng/kg và cá suối 150 ngàn đồng/kg. Tuy giá cao là vậy, nhưng mặt hàng này luôn trong tình trạng không có để bán” - ông K’Ning, xã Gia Bắc, huyện Di Linh, người cung cấp sản vật Tây Nguyên cho thương lái, thành thật chia sẻ.
 
Ông K’Ning cho rằng, vì là sản vật từ rừng nên số lượng của những loại thực phẩm nói trên rất hạn chế. Như đọt mây rừng chẳng hạn. Mỗi tháng ông K’Ning chỉ đi chặt 1 lần. Mỗi lần chặt khoảng 50 bó đọt mây. “Phải dành thời gian cho cây mây rừng tái tạo nữa chứ! Nếu ngày nào cũng đi chặt thì chẳng bao lâu loài cây này sẽ bị tận diệt mất” - ông K’Ning nói. “Ớt Tây Nguyên, một gia vị rất được thực khách ưa chuộng. Tuy vậy, số lượng ớt bán ra thị trường cũng chỉ ở mức cầm chừng, vì loại này mọc thưa thớt nơi rẫy, trái nhỏ và sản lượng ít. Tương tự, có khi đi cả một cánh rừng mới hái được 1 gùi lá bép” - anh K’Brooke nói thêm.
 
Trước thực trạng đó, anh K’Brooke đã đem các giống rau dớn, rau bép về trồng trong vườn nhà, nhưng kết quả thu được cũng không mấy khả quan. Thế nên, việc mở rộng thị phần tiêu thụ sản vật Tây Nguyên là khó khả thi. Từ phía cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, ông Vũ Hồng Long, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh, cho rằng “Vì là các sản vật tự nhiên, không thể trồng hay nuôi đại trà, nên việc hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng rất khó thực hiện”.
 
Giữa muôn dạng các mặt hàng của thị trường hiện đại, sản vật Tây Nguyên đang có chỗ đứng riêng, được người tiêu dùng đón nhận. Được “mẹ thiên nhiên” ấp ủ, chắt chiu tinh túy của tự nhiên, những sản vật đặc biệt ấy đang được những người Tây Nguyên, người yêu Tây Nguyên tìm cách “mở lối”. Qua đó, bạn bè nhiều vùng miền có thể được thưởng thức sản vật, dù là ít ỏi và thêm ấn tượng về một vùng đất vẫn còn những nét hoang sơ.
 
Rau rừng tạo được sức hút với nhiều người bởi an toàn cho sức khỏe
Rau rừng tạo được sức hút với nhiều người bởi an toàn cho sức khỏe

 

Các loại sản vật từ rừng  được K’Brooke mang đến phiên chợ nông sản sạch
Các loại sản vật từ rừng được K’Brooke mang đến phiên chợ nông sản sạch
 
TRỊNH CHU