Nghi thức cũng Tất niên dưới Hoàng cung triều Nguyễn

09:01, 18/01/2020

Tất niên (悉 年) theo nghĩa chữ Hán có nghĩa là kết thúc một năm, chuẩn bị bước sang năm mới. Ðây được xem là ngày quan trọng đối với tất cả người dân Việt Nam mỗi khi tết đến xuân về...

Tất niên (悉 年) theo nghĩa chữ Hán có nghĩa là kết thúc một năm, chuẩn bị bước sang năm mới. Ðây được xem là ngày quan trọng đối với tất cả người dân Việt Nam mỗi khi tết đến xuân về. Cùng quay ngược thời gian về những ngày xuân cách đây hơn 200 năm trong hoàng cung triều Nguyễn để tìm hiểu về ngày tất niên, đặc biệt là lễ cúng tất niên của Vương triều Nguyễn. Qua đó, cho thấy triều đình rất coi trọng và chuẩn bị kĩ càng cho ngày lễ quan trọng này.
 
 
Dưới triều Nguyễn, lễ cúng tất niên không cố định một ngày giống nhau mà mỗi vị vua lại chọn 1 ngày khác nhau. Năm Mậu Thìn (1808), vua Gia Long quyết định lấy ngày 14 tháng 12 âm lịch làm ngày cúng tất niên. Còn vua Minh Mạng lại chọn ngày 15. 
 
Đến triều vua Thiệu Trị, vị vua thứ 3 của triều Nguyễn đã quyết định lấy ngày cuối năm làm lễ cúng tất niên. 
 
Kể từ triều vua Tự Đức thì vào ngày 22 tháng 12 âm lịch hàng năm, hoàng cung sẽ tiến hành cúng tất niên. Những nghi thức, mâm cỗ cúng tất niên được triều đình ấn định trong sách hướng dẫn nghi lễ, thường được gọi là sách “hội điển sự lệ”. Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 237, mặt khắc 19, 20 cho biết mâm cỗ cúng tất niên của vương triều như sau:
 
“Lễ tuế trừ dâng lên: Triệu miếu, Thái miếu, Hưng miếu, mỗi miếu cỗ nấu hạng nhất 1 mâm, nem hạng nhất 20 gói (mỗi gói trị giá tiền 40 đồng), bánh chưng hạng nhất 4 đôi, mỗi đôi phải mua đậu xanh, mỡ lợn các vị (tiền 6 tiền 21 đồng).
 
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 187, mặt khắc 38, 39 ghi chép về việc vua Minh Mạng lấy ngày 15 tháng 12 âm lịch làm ngày cúng tất niên. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 187, mặt khắc 38, 39 ghi chép về việc vua Minh Mạng lấy ngày 15 tháng 12 âm lịch làm ngày cúng tất niên. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
 
Thế miếu, bàn chính cỗ nấu hạng nhất 3 mâm, bánh chưng hạng nhất 6 đôi, nem hạng nhất 30 gói, bàn tả bàn hữu, mỗi bàn cỗ nấu hạng nhất 3 mâm, bánh chưng hạng nhất 4 đôi, nem hạng nhất 20 gói. 8 bàn thờ phụ ở Thái Miếu, 17 bàn thờ phụ ở Thế miếu, mỗi bàn cỗ nấu hạng ba 1 mâm, bánh chưng hạng nhì 1 đôi, mua đậu xanh, mỡ lợn (tiền 4 tiền 32 đồng), nem hạng nhất 3 gói (mỗi gói tiền 30 đồng)”.
 
Điện Phụng Tiên, bàn chính: cỗ nấu, cỗ ngọc soạn hạng nhất đều 3 mâm, bánh chưng hạng nhất 6 đôi, nem hạng nhất 30 gói; bàn tả, bàn hữu mỗi bàn cỗ nấu, cỗ ngọc soạn hạng nhất đều 2 mâm, bánh chưng hạng nhất 4 đôi, nem hạng nhất 20 gói...”.
 
Trước 1 ngày tất niên, các vua triều Nguyễn hạ lệnh cho viên chức 6 bộ và khoa đạo đến các sở đôn đốc làm cỗ cúng và xem xét lễ phẩm. Ngày hôm ấy, bộ Lễ kính đến miếu sở, cùng với ty Từ tế bày đặt các thứ đồ thờ. Buổi chiều, bộ Lễ hội đồng với thị vệ niêm phong, thái thường tự kính đem văn tế chờ xin phê điền rồi đem long đình, lọng vàng, nghi trượng, đệ đến miếu, sở giao cho quan Từ tế để lên chỗ cao, kính cẩn canh giữ. Tờ mờ sáng ngày tất niên, quan hữu tư nhanh kết hợp với ty Từ tế đến miếu sở bày đặt các hạng lễ phẩm. Biền binh sắp bày đồ lỗ bộ, nghi trượng đầy đủ. Các ca sinh, nhạc sinh đều đến trước sân chia ra đứng ở hai bên tả hữu. Các thân phiên, hoàng tử, thân công, quan văn võ đại thần được sung làm nhiếp tế, thừa tế, chấp sự, bồi tự và các người tán xướng, đều mặc triều phục chia nhau đến để kính chờ.
 
Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 237, mặt khắc 19, 20 cho biết mâm cỗ cúng tất niên của vương triều Nguyễn. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 237, mặt khắc 19, 20 cho biết mâm cỗ cúng tất niên của vương triều Nguyễn. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
 
Đúng khắc canh năm, hoàng đế đội mũ cửu long, mặc áo hoàng bào, thắt đai ngọc, cầm ngọc trấn khuê đến làm lễ cúng tất niên. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 17, mặt khắc 19 cho biết vua Minh Mạng cúng tất niên như sau: “Canh năm ngày hôm ấy, sau khi nổi ba hồi trống và ống lệnh, hữu ty sắp sẵn lỗ bộ pháp giá. Gửi lời tâu lên: “Trong nghiêm ngoài biện”. Vua lên kiệu ra cửa Túc Môn. Điện Càn Nguyên nổi chuông trống. Kiệu đi, nghiêm đường. Phát năm tiếng ống lệnh. Đến cửa miếu, chuông trống ngừng. Đến miếu làm lễ. Lễ xong, kiệu trở về. Điện Càn Nguyên nổi chuông trống, phát năm tiếng ống lệnh”. 
 
Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, quyển 23, mặt khắc 10 khắc ghi bài văn cúng tất niên của vương Tự Đức. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, quyển 23, mặt khắc 10 khắc ghi bài văn cúng tất niên của vương Tự Đức. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
 
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ, quyển 53, mặt khắc 21, 22 cho biết vua Thiệu Trị, cúng lễ tất niên: “đến ngày làm lễ, trống canh năm, sau khi bắn súng, hữu ty bày đặt cỗ bàn, vàng bạc, hương đèn, các hạng lễ phẩm ở các miếu đều đủ cả, biền binh thì bày hàng lỗ bộ, nghi trượng, nhã nhạc ở hai bên tả hữu trước sân miếu, hoàng tử, hoàng thân đều mặc áo thêu con mãng xà, chia đến các miếu đứng chờ làm lễ “tuế trừ” (tế một tuần rượu, không có văn khấn); lễ xong, hữu ty chiếu lệ, dựng nêu, hoàng tử, hoàng thân và lỗ bộ, nghi trượng, nhã nhạc, đều lui ra”. Còn vị vua thứ 4 của triều Nguyễn, tức vua Tự Đức khi đến cúng lễ tất niên ở các miếu, nhà vua đã đọc bài văn cúng như sau. Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, quyển 23, mặt khắc 10 chép: “Vào niên hiệu Tự Đức thứ... vượt ngày sóc... tháng chạp... năm. Hiếu Huyền Tôn tự Hoàng đế (thần)... (ghi ngự danh), (nếu mệnh quan nhiếp tế thì viết: Kính sai quan Khâm mệnh... tên, chức tước...), kính cáo với: Miếu hiệu (như phần trước) rằng: Năm tháng đã trọn, công việc đã xong, kính dâng các phẩm vật lụa là, vật tế, xôi thịt, rượu ngon kính làm hợp lễ để tỏ lòng mến nhớ tổ tiên. Cúi mong soi xét hâm hưởng. Cùng xin cho các quan tòng tự ở Tả, Hữu Vu phối hưởng”.
 
Có thể nói, lễ cúng Tất niên dưới triều Nguyễn là một nghi thức quen thuộc của Vương triều Nguyễn nhằm đánh dấu kết thúc một năm và chào đón năm mới đang đến gần. Đây là phong tục tập quán lâu đời và mang nét đẹp văn hóa của người Việt Nam.
 
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ sơ H21/37, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
2. Hồ sơ H22/188, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
3. Hồ sơ H23/54, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
4. Hồ sơ H49/23, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
5. Bản dịch sách Đại Nam thực lục, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2004.
 
THƠM QUANG