Sức trẻ vươn lên và cống hiến của những nhà giáo tương lai

06:06, 24/06/2022
Được mệnh danh là “máy cái” của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (CĐSPĐL) trải qua 46 năm hình thành và phát triển, đã cung cấp hàng chục ngàn nhà giáo cho tỉnh Lâm Đồng và đất nước. Hiện nay, do quy định của Luật Giáo dục, số lượng đào tạo còn ít, trong số 557 sinh viên có gần 90% là sinh viên sư phạm, sẽ là những nhà giáo trong tương lai với sức trẻ cống hiến. 
 
Khen thưởng những đoàn viên sinh viên CĐSPĐL đạt thành tích xuất sắc
Khen thưởng những đoàn viên sinh viên CĐSPĐL đạt thành tích xuất sắc
 
Trong nhiệm kỳ 2019-2022 của Đoàn Trường CĐSPĐL, tất cả các chỉ tiêu về nhiệm vụ đề ra đều hoàn thành. Trong đó, 15% đoàn viên sinh viên đạt học lực xuất sắc và giỏi, 45% đạt học lực khá, không có đoàn viên sinh viên xếp loại học lực yếu, kém; 60% đoàn viên sinh viên có điểm rèn luyện xếp loại xuất sắc và tốt, 25% đạt điểm rèn luyện xếp loại khá, không có đoàn viên có điểm rèn luyện xếp loại yếu, kém. Kế đến 5% đoàn viên sinh viên tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học và 40% tham gia các câu lạc bộ, đội nhóm; 75% chi đoàn đạt danh hiệu Vững mạnh, trong đó 20% chi đoàn đạt danh hiệu “Vững mạnh xuất sắc”. 
 
Với sức bật và sáng tạo của tuổi trẻ, đoàn viên sinh viên CĐSPĐL đã ghi nhiều dấu ấn thành tích ở các phong trào: Tình nguyện, xung kích; hiến máu tình nguyện và lĩnh vực nghiên cứu khoa học... Trong số 30 đoàn viên ưu tú được giới thiệu có 5 sinh viên được kết nạp vào Đảng tại thời gian đang học tập.
 
Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường CĐSPĐL Huỳnh Linh Bảo đánh giá: “Nhiệm kỳ qua đã đánh dấu sự trưởng thành của Đoàn Trường CĐSPĐL, công tác Đoàn và phong trào sinh viên có sự phát triển rõ nét, vững mạnh về tổ chức; hoạt động ổn định, nền nếp, có chiều sâu, tạo ra các phong trào thi đua sôi nổi trong đoàn viên sinh viên”. Đoàn Trường CĐSPĐL được ghi nhận 5 Bằng khen của Trung ương Đoàn và Tỉnh Đoàn Lâm Đồng. Đây là nền tảng để tuổi trẻ sinh viên CĐSPĐL tiếp tục phát huy chiếm lĩnh những thành tích mới trong thời gian tới. Đó là “Tổ chức xây dựng lớp đoàn viên, thanh niên giàu lòng yêu nước, có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức tuân thủ pháp luật tốt, có tri thức, sức khoẻ, có kỹ năng xã hội, năng lực chuyên môn đáp ứng được nhu cầu công việc, sống có văn hoá, nghĩa tình...”, như Bí thư Đảng ủy Huỳnh Linh Bảo giao nhiệm vụ cho tổ chức Đoàn thanh niên. 
 
Chia sẻ bài học kinh nghiệm, Bí thư Đoàn trường Phan Văn Minh cho biết: “Trước hết là Đoàn phải chủ động tham mưu Đảng ủy tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác thanh niên, kịp thời triển khai các nghị quyết của Đảng, các nhiệm vụ của nhà trường bằng các chương trình hành động cụ thể, thực hiện nhiệm vụ công tác Đoàn phải gắn với nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Chú trọng công tác tham mưu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn, phát huy tối đa vai trò của cán bộ Đoàn, quan tâm thực hiện chính sách cho cán bộ liên chi đoàn. Và cuối cùng là đổi mới công tác chỉ đạo, đa dạng hóa các mô hình, phương thức hoạt động, quan tâm công tác sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua”.
 
Nêu giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát triển Đảng trong đoàn viên thanh niên, Nguyễn Thị Thanh Thảo - sinh viên Mầm non khóa 44A cho rằng: Đảng ủy, nhà trường tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ và có tính thường xuyên ở mọi khâu: kiểm tra, đôn đốc công tác giới thiệu, phát triển; tổ chức học tập, bồi dưỡng nhận thức Đảng trong sinh viên; phát động các phong trào thi đua và chủ động giao nhiệm vụ cho đoàn viên thực hiện và thử thách. Chất lượng đoàn viên được thể hiện ở phẩm chất, năng lực, bản lĩnh chính trị, ý chí cách mạnh và sự đáp ứng hiệu quả nhiệm vụ chính trị... Theo sinh viên Nguyễn Huỳnh Hoàng Trân - lớp Mầm non khóa 46C, đó còn là “nghĩa vụ và quyền lợi đối với họ; sự kiểm soát chặt chẽ của tổ chức và thái độ, hành vi tuân thủ nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đoàn”. Đây là những cơ sở để xây dựng chi đoàn vững mạnh toàn diện. Sinh viên K’Uy, ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường nhiệm kỳ mới nêu: “Để sinh viên học tập tốt và phát huy được các thế mạnh sở trường của mình và chọn cho mình được ngành nghề phù hợp sau khi ra trường, Đoàn trường phải định hướng cho sinh viên 2 vấn đề: xây dựng kế hoạch học tập và hướng nghiệp sinh viên. Cùng với đó là tổ chức Đoàn tạo môi trường để sinh viên học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực nghề nghiệp và nghiên cứu khoa học”. 
 
Ở giác độ khác, Trịnh Thị Thùy Dung, sinh viên lớp Tiểu học khóa 44 bàn về sự cần thiết của giáo dục kỹ năng sống cho đoàn viên sư phạm. Những ý kiến đúc kết trưởng thành từ bản thân, mang tính gợi mở này có nhiều nghĩa đối với các giáo viên trong tương lai. Sự thành công, cống hiến, hạnh phúc trong cuộc sống là điều mọi người hướng đến. “Để đảm bảo tính bền vững của những mong muốn đó thì không thể giải quyết vấn đề công việc, giao tiếp, hành động... bằng cảm tính, bắt chước, chia sẻ từ người khác được, mà cần có ý thức và quyết liệt hơn về việc trải nghiệm thực tế. Và chúng ta cần nâng cao kỹ năng sống của bản thân, kỹ năng làm việc của cá nhân trong tổ chức lên tầm chuyên nghiệp hơn để phù hợp vào mọi hoàn cảnh gia đình, tổ chức, cộng đồng xã hội và hòa nhập quốc tế”, Trịnh Thị Thùy Dung chia sẻ. 
 
MINH ĐẠO