Khi học sinh, sinh viên ''tiến'' vào sân chơi đổi mới, sáng tạo

05:06, 16/06/2022
Tại Vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo lần thứ 5 vừa diễn ra, có 4/9 ý tưởng, dự án thuộc về các bạn học sinh, sinh viên. Nhiều ý tưởng được Ban Giám khảo chuyên môn đánh giá cao bởi nó xuất phát từ chính cuộc sống, gắn liền với việc học tập của các em.
 
Ý tưởng về Bộ điều tiết nước và châm phân đơn giản của Bùi Kim Thi được Ban Giám khảo chấm giải Ba trong cuộc thi
Ý tưởng về Bộ điều tiết nước và châm phân đơn giản của Bùi Kim Thi được Ban Giám khảo chấm giải Ba trong cuộc thi
 
Ý tưởng từ vườn nhà. Đó là điểm chung trong dự án của hai cô học trò Hồ Hoàng Khánh Loan với ý tưởng Sản xuất, phân phối chế phẩm lành vết thương và Bùi Kim Thi với ý tưởng về Bộ điều tiết nước và châm phân đơn giản (cùng là học sinh Trường THPT Chu Văn An, huyện Đức Trọng). Đứng trên sân khấu trình bày ý tưởng của mình, 2 cô gái nhỏ chẳng chút bối rối, tự tin đưa ra câu trả lời trước những câu hỏi của Ban Giám khảo. 
 
Từ chính kiến thức được trang bị trên ghế nhà trường và niềm đam mê nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn mà dù mới chỉ là học sinh lớp 11, 12 nhưng ý tưởng đã được Ban Giám khảo đánh giá khá cao. 
 
“Xuất phát từ thực tế gia đình em sản xuất nông nghiệp nhưng không có nhiều vốn để đầu tư hệ thống máy móc hiện đại lên tới hàng trăm triệu đồng trong khi em rất muốn gia đình mình đỡ vất vả hơn. Bố mẹ chính là nguồn cảm hứng và là người giúp đỡ để em nghiên cứu thử nghiệm và phát triển ý tưởng này”, em Bùi Kim Thi chia sẻ. 
 
Dự án của Kim Thi được giám khảo đánh giá khá cao bởi chính nỗ lực của em trong việc mong muốn cải thiện hoạt động sản xuất của gia đình cũng như những người nông dân tại nơi mình sinh sống. Còn đối với Hồ Hoàng Khánh Loan, từ chính những quan sát khi ông bà, cha mẹ dùng cây cỏ mực để cầm máu vết thương khi đi làm vườn mà em đã cùng bạn nhiều lần thử nghiệm, nghiên cứu. Ý tưởng của Khánh Loan cũng đã đạt giải Tư cấp tỉnh trong Cuộc thi Nghiên cứu khoa học trong năm học 2020-2021.
 
Trong vòng chung kết cuộc thi còn có sự góp mặt của 2 dự án do sinh viên nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của người thân và thầy cô. Thạch thủy Sâm Koco của nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt và Đào Thu Thảo (sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật với Dự án Nghiên cứu và phát triển sản phẩm trà thảo dược gạo lứt xạ đen HEALING TEA. Dự án Thạch thủy Sâm Koco được Ban Tổ chức trao giải Nhì, điều đặc biệt là 2 trong số 3 thành viên của nhóm là những nữ sinh người K’Ho. Các em không chỉ đam mê với công nghệ sinh học mà còn mong muốn đem đến những sản phẩm có lợi cho sức khỏe con người.
 
Bà Vũ Kim Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đánh giá cao kết quả từ các cuộc khi tìm kiếm các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của Lâm Đồng. Các sản phẩm khởi nghiệp từ tài nguyên của địa phương đang dần chiếm lĩnh thị trường và khẳng định được vị trí của mình. Trong đó phải kể đến các đối tượng tham gia tuy là học sinh, sinh viên nhưng đã có những ý tưởng rất tốt, có đầu tư nghiên cứu. Điều đó chứng tỏ rằng ngay trong nhà trường, các bạn đã được giảng dạy và trang bị kiến thức về tài nguyên bản địa, giúp các bạn hiểu hơn về thực tế cuộc sống và biết ứng dụng những kiến thức đã được học áp dụng vào nghiên cứu sản phẩm. 
 
Là một trong những người trẻ của Lâm Đồng khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, ở vai trò Ban Giám khảo của cuộc thi năm nay, chị Nguyễn Ngọc Hoàng Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Hana Group cho rằng, từ cuộc thi đã tìm kiếm được những dự án, ý tưởng tiềm năng. Tuy nhiên không thể chỉ dừng lại ở đây, các dự án đều cần có một hệ sinh thái khởi nghiệp với sự hỗ trợ của các chuyên gia, cố vấn cũng như sự đồng hành của các cấp, các ngành để tiếp tục hoàn thiện và phát triển.
 
“Được sự ủng hộ của các sở, ngành thì chúng tôi đã có những khảo sát tại các trường THCS, THPT và nhận thấy rằng các bạn có ý tưởng cũng như đã có sự nhạy bén khi nhắc tới vấn đề khởi nghiệp. Khi còn là học sinh và có ý tưởng thì các em sẽ có rất nhiều lợi thế về mặt thời gian, được sự hỗ trợ từ phía nhà trường và những người đi trước để từ từ hoàn thiện. Chúng tôi tin rằng, nếu xây dựng một bệ đỡ tốt thì trong tương lai, hoạt động khởi nghiệp không chỉ là một phong trào mà sẽ đi vào thực tế để giúp các bạn tự tin, mạnh dạn, từ đó tạo dựng được nhiều giá trị cho cộng đồng”, chị Hoàng Anh chia sẻ thêm.
 
HỒNG THẮM