Đưa hoa văn thổ cẩm lên thư viện số

12:02, 12/02/2021

Đó là điều mà một nhóm bạn trẻ đam mê và tâm huyết với việc bảo tồn - lan tỏa giá trị của các hoa văn trên thổ cẩm của bà con các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã và đang thực hiện.

Đó là điều mà một nhóm bạn trẻ đam mê và tâm huyết với việc bảo tồn - lan tỏa giá trị của các hoa văn trên thổ cẩm của bà con các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên đã và đang thực hiện.
 
Các thành viên của Ethnicity. Ảnh: NVCC
Các thành viên của Ethnicity. Ảnh: NVCC
 
Hành trình của Ethnicity
 
Ethnicity là một dự án bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể - họa tiết hoa văn thổ cẩm của các DTTS. Bằng hình thức số hóa các họa tiết thổ cẩm, Ethnicity tạo ra thư viện số đầu tiên tại Việt Nam nhằm bảo tồn - quáng bá - phát triển các họa tiết hoa văn thổ cẩm. Nguồn tư liệu tại thư viện này sẽ hỗ trợ cho việc đưa các ứng dụng của hoa văn thổ cẩm truyền thống vào các ngành công nghiệp sáng tạo hiện đại.
 
Bắt đầu từ cuối năm 2018, nhóm các bạn trẻ đam mê thiết kế đến từ nhiều trường đại học: Khoa học Tự nhiên, FulBright, RMIT, Arena Multimedia và HUFLIT đã nung nấu ý tưởng làm sống lại hoa văn trên thổ cẩm các DTTS ở Tây Nguyên mà bắt đầu từ thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng với dân tộc Cơ Ho và Mạ. Bởi đây là hai cộng đồng mà một trong số các thành viên của nhóm từng có thời gian dài sống cùng trong thời niên thiếu. Theo lý giải của các thành viên khởi tạo dự án, “Ethnicity” là từ được ghép bởi “Ethnic” và “City” nghĩa là mang yếu tố dân tộc gắn liền với hơi thở thành thị
 
“Mình đã từng tham gia nhiều chương trình giao lưu văn hóa mà khi đến đó, các bạn tham dự từ nhiều nước khác luôn khoác lên mình những bản sắc riêng, ví dụ như: khi nhìn thấy một bạn mặc một chiếc áo, hay đeo móc khóa có hình núi Phú Sĩ (Fuji) là mình biết bạn ấy đến từ Nhật Bản. Thực tế cho mình nhận ra tầm quan trọng của hai chữ “bản sắc” cộng thêm thời gian dài mình sinh sống và lớn lên tại mảnh đất Bảo Lộc, Lâm Đồng, bên cạnh cộng đồng người Mạ và người Cơ Ho nên mình cảm nhận rõ nét đẹp và cả sự lãng quên đối với các hoa văn thổ cẩm. Bởi vậy mình tham gia dự án với mong muốn tạo ra một vòng tròn hành động bắt đầu từ bảo tồn, phát triển và tạo nên tính ứng dụng hợp thời đại để kích thích sự nhận biết, sự sử dụng”, Phan Văn Quyền (Jos Quyền) - người con xứ B’Lao, cựu sinh viên Trường FPT cũng là một trong những người sáng lập dự án Ethnicity chia sẻ.
 
Các thành viên của Ethnicity trong quá trình sưu tầm hoa văn thổ cẩm ở Lâm Đồng. Ảnh: NVCC
Các thành viên của Ethnicity trong quá trình sưu tầm hoa văn thổ cẩm ở Lâm Đồng. Ảnh: NVCC
 
Thổ cẩm, là loại hàng vải dệt thủ công giàu họa tiết, đầy màu sắc, nổi lên mặt vải giống như được thêu nhưng thực chất là được làm ra ngay trong quá trình dệt vải. Ở Việt Nam, vải thổ cẩm là nét đặc trưng và phổ biến của các DTTS. Các hoa văn được dệt trên vải thổ cẩm là phương thức mà người dệt ca ngợi vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng thiên nhiên, hay nét đẹp muôn màu của cuộc sống trong từng ô vuông, hình tam giác, hình thoi... cân đối, hài hòa trên nền vải. Màu sắc của các họa tiết đa dạng góp phần thể hiện lối sống, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của từng dân tộc. 
 
Tại Lâm Đồng, dệt thổ cẩm cũng là nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời của người Mạ, Cơ Ho và đóng vai trò quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc này. Với người Mạ, đề tài, họa tiết trang trí trên thổ cẩm là các hoa văn hình học, hình kỷ hà, sóng nước, hình người, muông thú và các vật dụng gần gũi, quen thuộc gắn bó với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của họ như: Cối, chày giã gạo, cây nêu, cầu thang nhà sàn, quả bầu, cây đa, con thằn lằn, ngôi sao, cán xà gạc, các đường ziczac... Đặc biệt, nhiều đề tài hoàn toàn ngẫu hứng bất chợt xuất hiện như con chuồn chuồn đang bay, con khỉ... cũng được bà con dệt thành những hoa văn trên thổ cẩm. Chính sự phong phú, đa dạng về màu sắc và các họa tiết trang trí đã làm nên vẻ đẹp độc đáo cho thổ cẩm người Mạ. Và cũng tương tự với người Cơ Ho, trên thổ cẩm của họ, các hoa văn kỷ hà, hình người, hình muông thú và các vật dụng quen thuộc, gần gũi trong đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng được tái hiện. Người Cơ Ho thường dệt những tấm đắp, váy, tấm choàng địu con, băng cột đầu, dây đeo tay...
 
Bắt đầu từ thành phố Bảo Lộc, các thành viên của Ethnicity đã mở rộng phạm vi tìm hiểu, tới với các vùng sinh sống tập trung của người Mạ, Cơ Ho để tìm hiểu, thu thập hình ảnh và những câu chuyện liên quan đến họa tiết trên thổ cẩm ở các buôn, làng khác nhau trên dải đất Nam Tây Nguyên. Đó là nguồn tư liệu quan trọng để các bạn trẻ tiến hành số hóa bằng công nghệ hiện đại. 
 
Những gợi ý về ứng dụng hoa văn thổ cẩm từ thư viện số của Ethnicity. Ảnh: NVCC
Những gợi ý về ứng dụng hoa văn thổ cẩm từ thư viện số của Ethnicity. Ảnh: NVCC
 
Thư viện số
 
Thư viện số là một giải pháp tối ưu, phù hợp với thực tế và thời đại. 
 
“Là người chịu trách nhiệm mỹ thuật hóa các hoa văn thổ cẩm, ban đầu mình gặp rất nhiều khó khăn vì hoa văn thổ cẩm được dệt rất tỉ mỉ, chi tiết nhiều lớp chỉ nên khi để vào ứng dụng mình cảm thấy rối mắt vô cùng”, đó là tâm sự của Đức Tài, sinh viên Trường FPT trước khi tiến hành mỹ thuật hóa các hoa văn thổ cẩm để mang đến Thư viện bảo tồn hoa văn dân tộc của Ethnicity. Còn với Diễm Hà, sinh viên của Đại học FulBright, người chịu trách nhiệm hoàn thiện thư viện số “Trăn trở lớn nhất khi thực hiện thư viện phát triển và ứng dụng là làm thế nào để đem sự sáng tạo của mình vào những hoa văn truyền thống, để vừa giữ được tính nguyên bản, vừa tăng tính sáng tạo và ứng dụng của chúng”. “Để hướng những người quan tâm nhận đúng thông tin, thông điệp mà mình truyền tải, vậy nên, từ khâu thiết kế đến những bước chuẩn bị thông tin, nghiên cứu tư liệu của dự án Ethnicity phải đảm bảo tính xác thực, tôn trọng sự chi tiết, tỉ mỉ của các hoa văn thổ cẩm” là tâm sự của Thảo Vy, sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - người giữ vai trò nghiên cứu các ý nghĩa hoa văn thổ cẩm dân tộc của Ethnicity. Đó là những trăn trở của các bạn trẻ khi hình thành thư viện số. Việc giải đáp, tháo gỡ lần lượt từng vấn đề này cũng chính là từng bước hoàn thiện dần thư viện số của các bạn trẻ.
 
Sau nhiều nỗ lực, ngày 7/7/2020 thư viện hoa văn các thổ cẩm đã ra đời. Đây là kho họa tiết hoa văn thổ cẩm của dân tộc thiểu số Mạ và Cơ Ho đầu tiên tại Việt Nam. Từ hoa văn thổ cẩm gốc, thư viện số ra đời nhằm đưa hoa văn thổ cẩm lên nền tảng kỹ thuật số mỹ thuật hóa lại, được lưu trữ và công khai miễn phí cho cộng đồng sử dụng.
 
Với thư viện số, mọi người có thể tải xuống miễn phí và sử dụng các dữ liệu vào các sản phẩm sáng tạo của mình. Thư viện số không chỉ dừng lại ở “bảo tồn” các hoa văn, mà còn gợi mở cách “ứng dụng” vào những sản phẩm thường nhật. Các bạn trẻ của Ethnicity mong muốn tạo nên làn sóng ứng dụng hoa văn thổ cẩm vào các thiết kế hằng ngày của người Việt như: đồ dùng sinh hoạt, thời trang, nghệ thuật, quà lưu niệm... Thực tế cho thấy, hiện nay, cộng đồng thiết kế - sáng tạo đã có nhiều ứng dụng hoa văn truyền thống của các dân tộc vào các sản phẩm đương đại. Đơn cử như các hoa văn thổ cẩm được thiết kế cách điệu từ những hoa văn gốc để bắt kịp xu hướng trên những bộ trang phục của hoa hậu H'Hen Niê, các thiết kế áo dài của nhà thiết kế Thủy Nguyễn hay những bộ trang phục thổ cẩm cách tân trong các MV ca nhạc của nữ ca sĩ Hoàng Thùy Linh... Và cũng trong dòng chảy đó, Ethnicity thông qua thư viện số nhằm bảo tồn, quảng bá thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số.
 
“Thổ cẩm phải thành quà tặng của Thủ tướng trong các chuyến công du” - Đó là đề nghị của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ khai mạc Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ 1 được tổ chức tại Đắk Nông ngày 14/1/2019, và với kho tư liệu đang ngày càng đồ sộ, bắt kịp xu thế như thư viện số của Ethnicity, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào việc thổ cẩm sẽ có mặt trong các chuyến công du của Thủ tướng.
 
NGỌC NGÀ