Sáng tạo trẻ trong tin học

08:05, 04/05/2016

Qua 22 năm tổ chức, lần đầu tiên Hội thi Tin học trẻ Lâm Đồng lần thứ 22 - 2016 vừa diễn ra cuối tháng 4 có thêm một phần thi tạo cảm hứng cho cả người tham dự, ban giám khảo và khán giả dự khán. 

Qua 22 năm tổ chức, lần đầu tiên Hội thi Tin học trẻ Lâm Đồng lần thứ 22 - 2016 vừa diễn ra cuối tháng 4 có thêm một phần thi tạo cảm hứng cho cả người tham dự, ban giám khảo và khán giả dự khán. Nếu phần thi phần mềm sáng tạo có giá trị ứng dụng thực tiễn, nhưng khi sử dụng không tách rời khỏi máy tính; thì phần thi lập trình trên phần cứng bo mạch có giá trị ứng dụng thực tiễn vượt ra khỏi phạm vi máy tính, mang tính điều khiển từ xa, tự động hoàn toàn. Chúng tôi xin giới thiệu những tấm gương sáng tạo trẻ đã đoạt giải cao trong nội dung thi này.
 
Chị Trần Thị Chúc Quỳnh trao giải nhất thi Lập trình trên phần cứng Arduino cho Nguyễn Công Minh - thí sinh nhỏ tuổi nhất bảng thi và các thí sinh khác
Chị Trần Thị Chúc Quỳnh trao giải nhất thi Lập trình trên phần cứng Arduino
cho Nguyễn Công Minh - thí sinh nhỏ tuổi nhất bảng thi và các thí sinh khác

Đoạt 2 giải nhất một cuộc thi
 
Mới tuổi 15, Nguyễn Công Minh (sinh 2001, học sinh lớp 9A6 - Trường THCS Lộc Sơn - Bảo Lộc) trở thành một “hiện tượng” tại Hội thi Tin học trẻ năm nay khi giành một “cú đúp” 2 giải nhất ở 2 bảng thi danh giá. Ở bảng B dành cho học sinh lứa tuổi THCS (từ lớp 6 - đến lớp 9) với 2 phần trắc nghiệm lý thuyết và thực hành trên máy tính, Minh đã xuất sắc vượt qua hơn 120 học sinh cùng bảng thi, giành số điểm cao nhất, đoạt giải nhất cuộc thi. Không chỉ vậy, ở phần thi lập trình Arduino, sản phẩm “Vườn thông minh” của Nguyễn Công Minh đã vượt qua 4 sản phẩm lập trình trên phần cứng của 8 “đàn anh” đã học THPT đến từ các ngôi trường có truyền thống ở Đà Lạt và xuất sắc đoạt giải nhất. “Vườn thông minh” của Nguyễn Công Minh hướng đến một không gian sinh thái, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Sản phẩm có thể điều khiển tự động từ bón phân, tưới nước, chăm sóc, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm... 
 
Như bao bạn bè cùng lứa, từ nhỏ Nguyễn Công Minh đã rất mê công nghệ thông tin, ham tìm tòi máy tính, điện thoại và các thiết bị công nghệ tân tiến nhất. Nhưng khác với số đông bạn bè, Minh không bị lôi cuốn vào game mà tiếp xúc với công nghệ để tìm tòi, giải mã những câu hỏi thôi thúc em khám phá. Với 2 giải nhất đoạt được, Nguyễn Công Minh trở thành một trong những đại diện của Lâm Đồng tham dự Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 22 diễn ra tại Bình Định vào tháng 8 sắp tới. 
 
Hai bạn trẻ chung đam mê sáng tạo 
 
Bước vào cuộc tranh tài, Ngô Duy Phúc và Phạm Vũ Lê Trần Quang Anh (học sinh lớp 11A10 - Trường THPT Bùi Thị Xuân - Đà Lạt) đã tạo chú ý với một khung sắt khá cồng kềnh. Sản phẩm “Thiết bị bay Quadcopter” với 4 cánh quạt màu cam trong chốc lát đã làm nên điều kỳ diệu... 
 
Trong những năm gần đây, các thiết bị bay đã được biết đến và ứng dụng nhiều trên thế giới; ở Việt Nam, người ta mới biết đến thiết bị flycam tạo những góc đẹp trong phim, ảnh nghệ thuật. Vốn lớn lên ở vùng rau, hoa Đà Lạt, Duy Phúc và Quang Anh có một ước mơ cao hơn, mong muốn chế tạo nên thiết bị bay phục vụ cho việc phun thuốc bảo vệ thực vật, tưới nước tự động, tạo mưa nhân tạo cho các nhà vườn, để người nông dân bớt nhọc nhằn. 
 
Ý tưởng bắt đầu từ đầu năm học, nhưng đến giữa học kỳ I, hai người bạn chung lớp mới bắt tay viết lập trình, thử nghiệm rồi đưa ra mô hình thiết bị đơn giản nhất. Suốt 2 tháng đầu học kỳ II, dù nhà không ở gần nhau, nhưng sau mỗi giờ học, đôi bạn cùng lớp Duy Phúc và Quang Anh lại cùng nhau bàn bạc, tìm tòi nguyên lý vận hành, thử nghiệm rất nhiều lần. 
 
Phần thuyết trình được trình bày trên nguyên lý cơ bản về điện cơ, sự tiện ích của thiết bị. Phác họa sơ sài chỉ 1 bo mạch “trần trụi” được lắp vào 4 cánh quạt cam không có gì gọi là “mỹ thuật”. Phần khởi động được bắt đầu là những tiếng “tít, tít” đã tạo nên sự hồi hộp chờ đợi, rồi vỡ òa khi máy tính điều khiển cánh quạt quay nhanh, quay chậm, giữ thăng bằng, dừng lại. Chiếc máy tính trở thành chiếc “Remote” điều khiển tự động, thiết bị bay có thể tự bay, tự giữ cân bằng và nằm trong tầm “kiểm soát” điều khiển từ máy tính với con chíp gắn ở thiết bị.
 
Chính là những ý tưởng, giá trị ứng dụng thực tiễn, trong tương lai gần, em sẽ hoàn thiện phần mềm của mình để trước mắt có thể sử dụng như một flycam phục vụ cho những người đam mê nhiếp ảnh. Phần mềm này cũng có thể áp dụng để giao hàng tự động, phục vụ trong việc kinh doanh bán hàng. Xa hơn là việc cải thiện trọng lượng để phục vụ nông nghiệp như ước mơ ban đầu. Với những tìm tòi sáng tạo của mình, sản phẩm của Quang Anh và Duy Phúc đã đoạt giải nhì cuộc thi.
 
QUỲNH UYỂN